Clip "Yêu tiếng Việt" làm xôn xao cộng đồng mạng

Sam,
Chia sẻ

"Hay quá", "Tuyệt vời quá", "Ý nghĩa qua" là những từ ngữ của cộng đồng mạng dành cho clip "Tiếng Việt" được chàng trai trẻ Demento Lê thực hiện.


Clip
Phiên chợ của người Việt ngày xưa ( Ảnh Jeet Zdung )

"Dế mèn tồ" là nickname yêu thích của nhiều bạn bè trên mạng đặt cho chàng trai 4 mắt, yêu ca hát, thích bay nhảy Lê Xuân Khoa. Vì thế khi clip "Tiếng Việt" được trình làng, nhiều người phải ngạc nhiên bởi tính cách phiêu của chú dế mèn ấy sao lắng đọng nhiều cảm xúc về gia đình, quê hương đến thế. 

Clip "Tiếng Việt" được phổ thơ Lưu Quang Vũ, âm nhạc Nguyễn Tâm, vẽ tranh Nguyễn Tiến Dũng và lên kịch bản Lê Xuân Khoa. Nội dung clip xoay quanh câu chuyện giản dị về một chàng trai đến từ miền biển xa xôi của nước Việt thời xưa, nơi ấy chàng có cha mẹ, em nhỏ và một con thuyền nhỏ lênh đênh trên sóng nước như cuộc sống thường thấy của dân vạn chài. Bỗng một ngày, cướp biển tới chiếc thuyền nhỏ của gia đình chàng, biến động xảy ra, bố chàng vì cứu con đã đẩy chàng xuống biển sâu với hy vọng con mình sẽ sống sót. Duyên trời định, chàng dạt vào ngôi làng nhỏ trên bờ biển và được một gia đình trên đó cưu mang nhận về nhà chăm sóc. Tuy nhiên, khi rơi xuống biển chàng vô tình bị mất trí nhớ, chỉ còn bập bẹ vài tiếng " u, ơ" nhỏ xíu, không gãy gọn, bởi thế không ai biết chàng trai biển khơi đến từ nơi nào. 

Clip
Tiếng Bố, mẹ thân thương ( Ảnh: Jeet Zdung )

Được nhận vào gia đình nhỏ nên chàng cũng tham gia vào nhiều hoạt động sinh hoạt bình thường với họ như đi chợ, đi câu cá, học chữ...Và trong quá trình tham gia với mọi người, chàng bắt đầu bập bẹ nói được một vài tiếng giản đơn " Tiếng Việt gọi trong hoàng hôn khói sẫm/ Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về". Sau đó, anh được cô con gái của ông lão cưu mang vốn là cô giáo làng day những đứa trẻ học chữ. Vì thế, anh học được cách đánh vần và viết trên nền đất mộc mạc những tiếng cơ bản đầu tiên. Rồi một ngày, anh chợt nói được ba chữ: " Bố, mẹ, quê hương" khiến gia đình ông lão cùng cả dân làng bất ngờ xúc động. Thì ra, tiếng gọi bố, mẹ trong gia đình và tiếng quê hương, xóm làng vẫn thân thuộc trong tâm thức mỗi người, dù họ có gặp biến cố gì lớn đi chăng nữa. Bởi "Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng/ Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi" (trích "Tiếng Việt" - Lưu Quang Vũ ). 

Clip
Cảnh làng quê yên bình ( Ảnh: Jeet Zdung )


Trong một lần ra biển, ông lão cho chàng trai đi cùng và ký ức đau thương chợt ùa về, chàng trai nhớ lại được mọi thứ, về người cha già đôn hậu đã dũng cảm cứu con, về người mẹ tảo tần ôm đứa em nhỏ bé bỏng, thơ ngây...Chàng thấy đau nhói ở đầu và bắt đầu mường tượng lại sự việc. Một điều gì đó thôi thúc trong trái tim và khối óc của chàng trai, kêu chàng trở về...

Rồi một ngày, chàng quyết định rời xa ao sen thơm dịu cùng bụi tre già cần mẫn giữ làng, giữ thôn, chào tạm biệt gia đình ông lão đã cưu mang, chàng ra đi với con thuyền nhỏ. Ra đi là để trở về, bức tranh khép lại cũng là lúc lời hát từ từ chìm vào miên man xúc cảm: "Ai lỡ đường quên giống nòi nguồn gốc, trong tiếng Việt quay về cùng tôi". 

Trên khoảng trời rộng mênh mông, cánh chim nhỏ hình chữ V tượng trưng cho chữ "Việt" sải cánh tự do trên khoảng trời rộng lớn, đó cũng là hình ảnh tượng trưng ở cuối clip đẹp và nhân văn này. Bởi " Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ / Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay / Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay / Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt". 

Không chỉ hút hồn bằng câu chuyện ý nghĩa trên nét vẽ giản dị, chân thực và bay bổng của họa sĩ Jeet Zdung người xem còn được ru trong chuỗi cảm xúc ngọt ngào bởi bản độc tấu đàn bầu  "Bèo dạt mây trôi" và "Ru con Nam bộ" được tác giả ý nhị khéo léo đặt vào đầu và giữa clip. Vì thế, nhiều bạn bình luận rằng: "Tôi như tìm thấy tuổi thơ của mình trong bản clip này", bởi khung cảnh mộc mạc của Hà Giang, của thác Bản Giốc được họa rất phiêu trong clip. Còn vì sao chọn thơ của Lưu Quang Vũ thì Demento chia sẻ: "Bài thơ này hay, giàu ý nghĩa và truyền tải được đầy đủ tâm tư, tình cảm của con người". 

Clip
Chàng "dế mèn tồ" Lê Xuân Khoa - tác giả của clip "Tiếng Việt"

Chia sẻ về "đứa con tinh thần" mang tên "Tiếng Việt" này, chú dế mèn Lê Xuân Khoa cho biết: " Tôi muốn gửi gắm đến các bạn trẻ thông điệp ý nghĩa về cuộc sống. Mong các bạn hãy trân trọng ý nghĩa 2 tiếng "gia đình" trong trẻo, ngọt ngào và truyền thống quê hương, đất nước Việt na,. Vì tiếng Việt đẹp, cảnh sắc và con người Việt Nam lại còn đẹp, hồn hậu và đáng quý hơn bao giờ hết". 

Ít ai biết rằng, chàng dế mèn 4 mắt "lách chách" này còn là chủ của cuốn sách audio "Lá rơi trong thành phố" được đông đảo bạn trẻ quan tâm và yêu thích này từng là chàng sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Đại học Bách Khoa, Hà Nội. Con trai học khối A nhưng mê văn, thế nên chàng trai viết truyện, dựng clip cũng là để thổ lộ tâm tư, tình cảm của mình trong cái "lắng"cảm xúc nhẹ nhàng, tinh tế rất Hà Nội giữa xã hội ồn ào, sôi động. Và cũng để tự bản thân Khoa tìm kiếm được giá trị sống cho riêng mình. 

Bài hát "Tiếng Việt" trong clip: 

Trái đất rộng bao thứ tiếng (í a)

Tiếng (í a) Việt quê ta, hồn nhiên, lời nói, thánh thót như lời ca (ơ) tiếng đàn

lời ca... tiếng đàn.

Mỗi (í a) sớm dậy thân thiết nghe bốn bề.

người (a í a) qua đường chung tiếng Việt cùng tôi.


Chưa thành chữ viết (í a) đã (í a) vẹn tròn lời nói 

Vầng trăng cao, đêm cá bơi biệt tăm (ơ) sao mờ

biệt tăm... sao mờ...

Ôi tiếng Việt, như đất cày, như lụa.

Óng (í a) tre ngà, mềm mại như tơ.


Mát lịm tiếng suối (í a) heo (í) may gợi về

Đường xa, một tiếng nhớ (ơ) kìa nón ai thẳm xa (ơ) bên trời.

thẳm xa bên trời

Tiếng (í a) cha dặn khi lũ về bão dội, 

Cánh (í) nôi mơ màng giọng mẹ à ơi.


Phiêu bạt xa lắc (í a) cuối (í á) bể cùng trời.

Người ơi! người có gọi khẽ tiếng Việt trong những đêm dài?

trong những đêm dài.

Ai (í a) lỡ đường quên giống nòi gốc nguồn,

trong (í a) tiếng Việt quay về cùng tôi!





Chia sẻ