Clip thầy giáo nói chuyện với học sinh chưa đầy 2 phút gây bão MXH: Nghe xong chưa kịp cười đã phải ngẫm!

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Bao nhiêu bà mẹ thấy "nhột nhột" khi xem đoạn đối đáp này?

Mới đây, đoạn clip ghi lại cuộc trò chuyện giữa một thầy giáo và học sinh tiểu học gây "bão" trên Facebook. Đoạn clip chưa đầy 2 phút nhưng thu hút hàng triệu lượt xem và bình luận chỉ sau vài ngày đăng tải. 

Cô bé trong clip khiến nhiều người phì cười bởi sự ngây ngô, thẳng thắn. Nhưng sau đó, những lời em nói cũng khiến không ít phụ huynh giật mình suy ngẫm về cách giao tiếp với con cái.

Cụ thể trong đoạn video, khi thầy giáo hỏi: "Bài tập về nhà con làm thế này, mẹ xem có mắng không?", cô bé thẳng thắn đáp: "Mỗi lần mẹ dạy con là mẹ ức chế. Vì mẹ ghét con!". 

Khi nghe vậy, thầy giáo liền giải thích: "Nhiều khi mẹ chỉ bận bịu quá thôi", nhưng em nhất quyết "bẻ" lại: "Mẹ con làm gì nhiều việc. Mẹ con toàn ngủ đến 11h mới dậy, có khi đến chiều!". 

Thậm chí, khi thầy khuyên: "Con cứ chăm ngoan học hành, tập trung học hành thì không ai ghét đâu con ạ. Mà thầy cam đoan không có cha mẹ nào ghét con mình cả", cô bé vẫn khăng khăng: "Thầy có ở với mẹ con đâu mà biết?". 

Câu chuyện của học trò khiến thầy giáo cảm thán "gặp những trường hợp thế này không biết là cười, khóc hay mếu".

Clip thầy giáo nói chuyện với học sinh chưa đầy 2 phút gây bão MXH: Nghe xong chưa kịp cười đã phải ngẫm! - Ảnh 1.

Đoạn đối thoại hài hước giữa thầy giáo và học sinh gần đây thu hút hàng triệu lượt xem vì sự hài hước nhưng cũng đầy thông điệp. (Ảnh cắt từ clip)

Cha mẹ nói "ghét", con tin là thật

Đoạn hội thoại tưởng như hài hước nhưng chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa về tâm lý trẻ nhỏ. Khi người lớn vô tình thốt ra những câu như "mẹ ghét con" trong lúc bực bội, trẻ sẽ tin đó là sự thật. Điều này cho thấy sức nặng của ngôn từ trong giáo dục gia đình.

Trên thực tế, nhiều lời nói của cha mẹ là vô tình trong lúc mất bình tĩnh nhưng với con cái đó là sự thật, có thể in sâu vào tâm trí trẻ. Một chuyên gia phân tích: "Trẻ nhỏ tiếp nhận ngôn từ theo nghĩa đen. Khi nghe 'ghét', chúng tin đó là sự thật, dẫn đến mặc cảm, tự ti".

Dưới video, có người để lại bình luận: "Có những sự thật mà đứa trẻ nói không ai tin và mãi mãi không nói ra được. Đến lúc nói ra hết được thì xong 1 đời người rồi. Tôi đã trải qua tuổi thơ nghiệt ngã, đến bố tôi cũng biết tôi bị ghét - cũng chẳng dám hé răng cho bố biết 1 sự thật, đến lúc dám nói ra thì bố tôi cũng ra đi lâu rồi. Đến khi trưởng thành tôi vẫn sợ mẹ tôi như sợ cọp. Những lời mẹ nói tôi luôn ám ảnh mãi".

Những tổn thương từ lời nói thường khó nhận biết hơn những vết thương thể xác, nhưng hậu quả để lại có thể kéo dài nhiều năm. Một nghiên cứu năm 2023 chỉ ra rằng: 68% trẻ được hỏi nhớ rõ những lời mắng mỏ của cha mẹ; 45% tin rằng những lời đó phản ánh đúng bản chất mối quan hệ; 30% mang theo mặc cảm này đến tuổi trưởng thành.

Thực tế đáng buồn là nhiều phụ huynh không nhận ra sức nặng của ngôn từ. Những câu nói như "Sao con dốt thế!", "Mẹ mệt mỏi vì con quá!", hay như trong trường hợp này là "Vì em ghét nó" - tưởng chừng chỉ là cách nói quá trong lúc bực bội - lại trở thành sự thật trong mắt đứa trẻ.

Để tránh những tổn thương không đáng có, các chuyên gia khuyên cha mẹ cần kiểm soát cảm xúc. Thay vì quát mắng, hãy hít thở sâu hoặc tạm dừng cuộc trò chuyện nếu cảm thấy bức bối. Nếu lỡ nói lời tiêu cực, cần xin lỗi và giải thích: "Mẹ giận vì con chưa làm bài, chứ không phải ghét con". Dành thời gian chất lượng cùng con học bài qua trò chơi, kể chuyện để giảm áp lực.

Câu chuyện tưởng như hài hước này thực chất là lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ: Trong giáo dục, không có lời nói nào thực sự "vô hại". Mỗi từ ngữ đều mang theo sức mạnh định hình nhân cách và tương lai của một đứa trẻ.

Chia sẻ