[Clip] - Bão Mangkhut xô nghiêng nhà cửa, người già ở Hồng Kông quyết không sơ tán
Bão Mangkhut đang gây thiệt hại nghiêm trọng ở Hồng Kông và Macau khi làm nhiều bức tường đổ sập, quật tung các giàn giáo được dựng bằng tre, làm vỡ kính cửa sổ và gây ngập lụt nhiều nơi.
Tờ South China Morning Post đưa tin tổ chức Quan sát Hồng Kông ban hành tín hiệu bão số 10, mức cảnh báo bão cao nhất, vào 9 giờ 40 phút ngày 16-9 (giờ địa phương). Đến 10 giờ 55 phút, đài quan sát nâng mức cảnh báo mưa bão từ màu hổ phách lên màu đỏ, mức cao thứ 2.
Sóng lớn tấn công khu vực ven biển ở Hồng Kông trong cơn bão Mangkhut hôm 16-9. Ảnh: Reuters
Tại các khu vực ven biển như Heng Fa Chuen ở phía Đông đảo Hồng Kông và Tai O ở phía Tây đảo Lantau, mưa lớn và gió mạnh khiến những con sóng dâng cao ít nhất 3 m. Theo đài quan sát, sóng có thể lên tới 3,5 m hoặc hơn ở Vịnh Victoria vào buổi chiều.
Một số đoạn clip lan truyền trên mạng cho thấy gió mạnh đến mức khiến một tòa nhà dân cư nghiêng ngả hoặc làm đèn chùm ở tầng thứ 47 rung lắc. Cảnh sát Hồng Kông cho biết một căn nhà cũ trên đường Tai Kok Tsui còn bị thổi tung một phần mái và tường vào khoảng 10 giờ sáng.
Tại Heng Fa Chuen, nước lũ dâng lên rất nhanh và ngập đến eo chỉ trong vòng 1 giờ. Tại Hung Hom, hàng chục cửa sổ của các tòa nhà văn phòng đều bị phá vỡ và khiến giấy tờ bay khắp nơi. Cơ quan Giao thông - Vận tải Hồng Kông thông báo có ít nhất 7 con đường khắp thành phố đang bị ngưng lưu thông vì cây đổ.
Ô tô bị nước ngập nhấn chìm giữa lúc sóng lớn tấn công vào bờ biển ở Heng Fa Chuen, một quận dân cư ở Hồng Kông trong trận bão Mangkhut hôm 16-9. Ảnh: Reuters
Cư dân Heng Fa Chuen bì bõm trong nước lụt vì bão Mangkhut. Ảnh: Reuters
Tình trạng ngập lụt ở khu Heng Fa Chuen. Ảnh: Reuters
Sóng lớn tấn công khu vực ven biển ở Hồng Kông trong cơn bão Mangkhut hôm 16-9. Ảnh: Reuters
Sóng lớn tấn công khu vực ven biển ở Hồng Kông trong cơn bão Mangkhut hôm 16-9. Ảnh: Reuters
Tình trạng ngập lụt ở khu Heng Fa Chuen. Ảnh: Reuters
Tại làng Ka Wo Lei ở Tuen Mun, mực nước lũ có thể dâng đến eo vào chiều 16-9 vì ngôi làng nằm cạnh một con sông. "Những năm trước đây nước cũng dâng đến eo. Vào năm 2008, trận lũ tồi tệ đến mức nước tràn luôn vào nhà tôi và làm hư máy giặt lẫn tủ lạnh" ông Wong Foon-yiu, một dân làng 76 tuổi, kể lại.
Các quan chức địa phương đã khuyến khích người dân sơ tán nhưng ông Wong cho biết không có ai rời đi. "Tôi đã sống ở đây suốt 53 năm. Đây là nhà tôi và tôi sẽ không đi. Lũ trẻ có thể sợ hãi nhưng tôi đã sống đủ lâu để chứng kiến mọi thứ" - ông Wong nói.
Tình hình tương tự cũng diễn ra ở ngôi làng láng giềng Luen On San Tsuen khi nhiều dân làng từ chối sơ tán. "Chúng tôi được khuyên rời đi và đến nhà tạm trú của chính quyền nhưng tôi nghĩ là chẳng có ai sơ tán đâu. Tôi không sợ" - cụ ông 80 tuổi Wong Man-cheung tuyên bố.
Tại Macau, nơi bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão Hato vào năm 2017, hầu hết các cư dân đều tránh ra đường nhưng một số nhóm nhỏ du khách vẫn đổ ra đường bất chấp mưa gió.
Cô gái vật lộn trong cơn mưa lớn khi bão Mangkhut tiến sang Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Cư dân vật lộn trong cơn mưa lớn khi bão Mangkhut tiến sang Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Cô gái vật lộn trong cơn mưa lớn khi bão Mangkhut tiến sang Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Người phụ nữ suýt ngã bên chiếc cây gãy khi bão Mangkhut tiến sang Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Cư dân vật lộn trong cơn mưa lớn khi bão Mangkhut tiến sang Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Bão Mangkhut đang gây thiệt hại nghiêm trọng ở Hồng Kông và Macau khi làm nhiều bức tường, nhà cửa đổ sập và gây ngập lụt nhiều nơi.