Chuyện về nữ phát thanh viên tiếng Anh huyền thoại của Việt Nam

Trang Anh,
Chia sẻ

Người Việt biết tới bà với nghệ danh Thu Hương. Binh lính Mỹ gọi bà là nàng tiên cá Hannah Hanoi. Tên thật của bà là Trịnh Thị Ngọ - nữ phát thanh viên huyền thoại của Việt Nam.

Học tiếng Anh vì mê “Cuốn theo chiều gió”

Bà Trịnh Thị Ngọ sinh năm 1931 trong một gia đình tư sản tại Hàng Bồ, Hà Nội. Cha của bà là ông Trịnh Đình Kính – người vẫn được mệnh danh là “ông hoàng thủy tinh Đông Dương” với thương hiệu Thanh Đức. Ngay từ những năm tháng thiếu nữ, Trịnh Thị Ngọ đã nổi tiếng là người thông minh và xinh đẹp.

Bà thi đậu tú tài Pháp rồi tự học thêm lớp tiếng Anh của bà Lucine Hà Văn Vượng. Thời đó, học phí học tiếng Anh rất đắt, khoảng 25 đồng tiền Đông Dương cho một giờ. Trong khi đó, mỗi tháng học phí tại trường học cũng chỉ vài chục đồng. Thế nên, chuyện con gái Việt đi học tiếng Anh như bà Ngọ đích thị là của “độc, hiếm” thời đó.

Chuyện về nữ phát thanh viên tiếng Anh huyền thoại của Việt Nam 1
Lính Mỹ gọi bà bằng cái tên "nàng tiên cá" Hannah Hanoi.

Bà Trịnh Thị Ngọ không ngại thổ lộ: thực ra lúc đầu bà học tiếng Anh chỉ là do “cha bà muốn vậy”. Nhưng rồi, không lâu sau đó, bà đã trở nên đam mê với thứ ngôn ngữ phương Tây xa lạ này. Lý do khiến bà thay đổi như vậy chính là những bộ phim kinh điển của điện ảnh Mỹ, đặc biệt là “Cuốn theo chiều gió”.

Bà tới rạp xem đi xem lại bộ phim ấy cả thảy 5 lần. Bà mê phim đến độ muốn tự mình nghe, hiểu những gì các diễn viên đang nói mà không cần thông qua phụ đề dịch. Thế nên, cô thiếu nữ cá tính Trịnh Thị Ngọ mới đam mê và học giỏi tiếng Anh. Trong khi đa số thanh niên thời đó chỉ thạo tiếng Pháp, bà Trịnh Thị Ngọ tường tận cả hai thứ ngôn ngữ Tây phương.

Chuyện về nữ phát thanh viên tiếng Anh huyền thoại của Việt Nam 2
Hannah Hanoi – người “chiến sĩ” đặc biệt với vũ khí là giọng nói.

Một trong những phát thanh viên tiếng Anh đầu tiên của Việt Nam

Năm 1955, Đài tiếng nói Việt Nam mở chương trình phát thanh tiếng Anh. Khi đó, bà Trịnh Thị Ngọ vừa tốt nghiệp khoa tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Với vốn tiếng Anh thành thạo, giọng đọc truyền cảm, bà đã trở thành phát thanh viên kiêm biên dịch và biên tập viên.

Năm 1965, chiến trường miền Nam có sự chuyển hướng mạnh mẽ. Mỹ chuyển sang loại hình chiến tranh mới, quân viễn chinh Mỹ ồ ạt đổ bộ vào miền Nam Việt Nam. Trước tình hình này, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phối hợp với Cục địch vận (Tổng cục Chính trị của Bộ Quốc phòng) làm chương trình “Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ” – một chương trình Mỹ vận.

Chuyện về nữ phát thanh viên tiếng Anh huyền thoại của Việt Nam 3
Phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ năm 1966.

Bà Ngọ lấy cái tên Thu Hương để trò chuyện với lính Mỹ trên sóng radio, giúp họ có cái nhìn đúng đắn về cuộc chiến tranh Mỹ đã gây ra ở Việt Nam. Câu mở đầu chương trình của bà thường là: “Đây là Thu Hương trò chuyện với binh sĩ Mỹ ở Nam Việt Nam...”

Huyền thoại Hannah Hanoi

Đến tận bây giờ, nhiều cựu binh Mỹ vẫn lưu giữ băng cát-sét thu tiếng nói của “nàng tiên cá Hannah”. Sở dĩ họ gọi bà với biệt danh như vậy bởi giọng nói của bà như có ma lực, cực kỳ lôi cuốn. Binh lính Mỹ thời đó sợ giọng nói của bà, sợ những câu chuyện của bà trên sóng phát thanh. Thế nhưng họ vẫn muốn nghe, vẫn mong chờ chương trình của Hannah Hanoi mỗi ngày dù bị cấp trên cấm.

Ban đầu, buổi phát thanh chỉ dài 5 - 6 phút mỗi lần và mỗi tuần có 2 buổi phát. Tuy nhiên, về sau tăng dần thời lượng mỗi ngày 3 buổi, mỗi buổi 30 phút. Mỗi ngày, bà Trịnh Thị Ngọ có 90 phút trò chuyện cùng binh lính Mỹ. Người phụ nữ nhỏ bé chỉ bằng giọng đọc “chết người” của mình đã cảm hóa, thu phục được hàng trăm ngàn binh lính Mỹ.

Chuyện về nữ phát thanh viên tiếng Anh huyền thoại của Việt Nam 4
Bà Ngọ làm việc cùng với các chuyên gia nước ngoài.

Chương trình của bà mang tên “Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ”, những câu chuyện của bà cũng rất gần gũi với họ. Bà tìm hiểu những chuyện thường ngày ở đất nước quê hương họ, chuyện gia đình của họ. Bà kể về tâm sự của người lính Việt sau cuộc chiến, của những người phụ nữ Việt Nam có chồng ở ngoài mặt trận. Con số thương vong của lính Mỹ, tình hình chiến trận cũng được bà cập nhật mỗi ngày. Thậm chí, Hannah Hanoi còn gửi lời chúc sinh nhật muộn màng tới một người lính Mỹ ngay cả khi anh ta đã chết.

Những câu chuyện của Hannah Hanoi là nỗi ám ảnh của binh sĩ Mỹ thời đó. Bà đọc tên “Những người đã chết nhưng không phải vì danh dự của nước Mỹ" nhằm tác động vào tinh thần của lính Mỹ, truyền cho họ một thông điệp: “Các anh đang chiến đấu bởi một cuộc chiến tranh phi nghĩa”.

Chuyện về nữ phát thanh viên tiếng Anh huyền thoại của Việt Nam 5
Bà Ngọ cùng với các đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam trong một lần Bác Hồ tới thăm.

Rất nhiều binh sĩ Mỹ đã bị cảm hóa bởi giọng đọc của bà và tìm cách thoát khỏi cuộc chiến. Họ còn tìm mọi cách để gửi thư cho Hannah Hanoi. Chính Tổng thống Mỹ J.Kennedy đã thông báo về mối nguy hiểm này rằng: “Việt Cộng đã dùng một giọng nói đàn bà để quyến rũ và làm lung lay tinh thần của đội quân Mỹ ở Việt Nam”.

Bà Trịnh Thị Ngọ trở thành một huyền thoại đối với lính Mỹ thời đó. Họ ám ảnh tới mức cho rằng bà là… ma, là phù thủy dùng giọng nói xâm nhập vào trí óc, cảm xúc của họ. Có những người lính sau chiến tranh vẫn luôn nhớ về bà, trong đó có một cựu binh Mỹ tên Don. Ông đã quay trở lại Việt Nam, tìm kiếm người phụ nữ ông luôn bị ám ảnh bởi giọng nói suốt mấy chục năm và xin được phỏng vấn bà. Và ông ta nhận ra rằng, bà không phải là ma, cũng không phải là phù thủy, bà chỉ là một người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé với vẻ đẹp đằm thắm và giọng nói ngọt ngào.

Chuyện về nữ phát thanh viên tiếng Anh huyền thoại của Việt Nam 6
Bà Trịnh Thị Ngọ cùng chồng trong dịp sinh nhật 77 tuổi của bà.

Ngày 30/4/1975, bà vinh dự là người được đọc trực tiếp bằng tiếng Anh, thông báo với thế giới sự kiện lịch sử của Việt Nam: “Sài Gòn đã được giải phóng, đất nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập thống nhất”. Sau ngày giải phóng, bà theo chồng vào miền Nam sinh sống và làm việc ở Đài Tiếng nói thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện bà đã hơn 80 tuổi nhưng câu chuyện về bà, về Hannah Hanoi – người phụ nữ có “giọng nói ma quỷ”, “giọng nói huyền thoại” hay “nàng tiên cá của binh sĩ Mỹ” vẫn được nhiều người nhắc đến.

Không phải là một ngôi sao nổi tiếng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa nhưng Hannah Hà Nội lại được nhiều tờ báo nước ngoài (The New York Times, Life, L'Hebdo, People) đăng hình, viết bài và phỏng vấn. Bà đã trở thành một huyền thoại. Ngay cả cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi gặp bà cũng trìu mến gọi bà bằng cái tên Hannah Hanoi.

 

Nguồn Tổng hợp: Người đưa tin, Nhà báo & Công luận.

Chia sẻ