Chuyện về hòn đá kỳ lạ được phong “Thánh”, cách biên giới Việt - Trung chưa đầy 1 mét
Hòn đá trắng nằm sát biên giới Việt - Trung tại xã Thu Lũm (Mường Tè, Lai Châu) được coi là linh hồn của người Hà Nhì. Họ tin rằng, nhờ "Thánh thạch trấn biên", đời sống bao đời nay của họ đều an toàn, sung túc...
Thu Lũm là xã nằm ở cực Tây Bắc của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Xã có 3 dân tộc là Hà Nhì, La Hủ và Dao với 484 hộ, phân bố ở 9 bản là Thu Lũm, Gò Phà, Pa Thắng, Ló Na, Koòng Khà, U Ma Tu Khoòng, Là Si, Á Chè và Thu Lũm 2.
Nhắc tới Thu Lũm không thể không nhắc tới hòn đá trắng. Hòn đá được ví như người thủ lĩnh nằm trên đỉnh Pa Thắng, cách trung tâm xã 14km, trong phạm vi cột mốc biên giới số 24.
Từ đường tuần tra biên giới lên hòn đá trắng phải qua con đường nhỏ dài khoảng 100m. Hòn đá đứng một mình, hình trụ, cao khoảng 1,7m với đường kính chừng 80cm, giống một người đang ngồi, tay chống cằm nhìn về đất Việt. Hòn đá cách biên giới Việt - Trung chưa đầy 1m.
Ông Chu Xé Lù, Chủ tịch MTTQ xã, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thu Lũm cho biết: "Bản Pa Thắng là bản giàu có nhất xã. Sự ra đời của Pa Thắng gắn liền với sự tích hòn đá trắng. “Pa Thắng” theo tiếng địa phương là “Pa Thó” ý chỉ những người nơi đây mến khách, luôn gắn bó, đùm bọc, đoàn kết với nhau.
Theo những người già ở đây kể lại, xa xưa ông Phú Tư - còn gọi là ông già Pa Thắng đi khảo sát vị trí tìm đặt bản Pa Thắng. Sau một đêm ngủ mơ thấy ông già tóc trắng chỉ lên gặp hòn đá trắng để thắp hương. Hôm sau, ông tìm lên thắp hương ở vị trí đó thì đúng có hòn đá trắng. Sau đó, ông được mách vị trí đặt bản Pa Thắng như ngày nay. Người Hà Nhì gọi hòn đá trắng bằng một cái tên gần gũi “ông già tóc trắng” cũng bởi vì thế".
"Hòn đá trắng nằm trên lãnh thổ nước ta, bao đời nay được người dân địa phương cúng. Đó là cột mốc tâm linh, là “thánh thạch trấn biên”, ông Chu Xé Lù, Chủ tịch MTTQ xã, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thu Lũm nói.
Ông Chu Phu Chừ 79 tuổi, già làng có uy tín trong bản Pa Thắng cho biết, người Hà Nhì còn lưu truyền một câu chuyện về hòn đá trắng.
"Khi xưa, người Hà Nhì còn tập tục du canh du cư, khi nương rẫy đã kiệt màu, dân bản lại đi tìm đất mới để dời nhà, làm nương mới. Có đôi vợ chồng trẻ trên đường đi đến vùng đất mới thì chợt nhớ mình để quên khăn đội đầu nên lội qua suối quay trở về lấy. Không may lúc đó xảy ra lũ lụt, người vợ bị lạc, người chồng quay lại tìm không thấy, ngồi bên dòng suối chảy cuồn cuộn rồi hóa thành hòn đá trắng. Đây là câu chuyện về hòn đá vọng thê của người Hà Nhì. Hòn đá trắng chính là linh hồn, là vị thần núi của đồng bào Hà Nhì nơi đây”, ông Chừ kể.
Ông Chừ cho hay, lễ cúng thần đá trắng thường được tổ chức vào ngày Dần, gắn với lễ cúng rừng. Người Hà Nhì quanh năm suốt đời sống với rừng, nên ngày Dần, ngày con hổ theo quan niệm của bà con, là ngày đẹp nhất, vì con hổ là con vật mạnh nhất của rừng. Lễ vật cúng thần đá trắng không thể thiếu 1 con lợn đen, 2 con gà, tất cả đều phải còn sống, và 3 quả trứng nhuộm đỏ; 3 bát gạo, 3 bát nước chè, 3 bát rượu và đặc biệt phải có thuốc lào.