Chuyện về cô gái xung phong lên xe tăng dẫn bộ đội tiến vào giải phóng Sài Gòn
Dù còn rất ít tuổi, cô gái Ngọc Mỹ đã thể hiện sự khôn ngoan và bản lĩnh trong việc khai thác thông tin cơ mật của địch để báo cho cách mạng. Cô cũng đã xung phong lên xe tăng dẫn đường cho bộ đội tiến về giải phóng Sài Gòn.
Người phụ nữ đặc biệt đó tên là Nguyễn Thị Ngọc Mỹ (sinh năm 1951), hiện sống ở phường Lái Thiêu (TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương). Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước , phóng viên đã có dịp đến thăm và được nghe cô Nguyễn Thị Ngọc Mỹ kể lại thời khắc lịch sử 50 năm trước.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước luôn cháy bỏng trong tim nên "người đẹp Bình Dương" đã sớm tham gia phong trào cứu nước ở địa phương.
Cô Mỹ kể, học hết lớp 2 cô đã phải nghỉ học ở nhà giúp ba mẹ và làm “ liên lạc viên ” cho các cô chú là cơ sở cách mạng. Đến năm 1967, khi 16 tuổi, cô chính thức trở thành "người cách mạng", được giao nhiệm vụ liên lạc, báo tin cho các cô chú đang hoạt động trong vùng địch.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Mỹ nhìn lại hình ảnh thời cùng bộ đội chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn
Với ngoại hình trẻ đẹp, cộng thêm sự khôn ngoan, lanh lợi nên Ngọc Mỹ dễ dàng tiếp cận để khai thác nhiều thông tin về tình hình hoạt động của địch rồi báo tin cho cách mạng.
Đợt tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Ngọc Mỹ đã hăng hái tham gia may cờ, chuẩn bị cho nhân dân xuống đường, cùng với quần chúng đến các điểm giao nhận lương thực, thực phẩm để chuyển vào căn cứ. Cô còn tham gia chuyển thương binh, vận chuyển tiếp tế đạn phục vụ bộ đội , du kích chiến đấu.
Đêm 29/4/1975, khi Ngọc Mỹ đang cùng cơ sở cách mạng may cờ giải phóng để kịp phát cho người dân thì có tiếng súng ở các nơi nổ dồn dập. Rất nhiều người dân sống ở Lái Thiêu bỏ nhà chạy ra đường với tâm trạng hoảng loạn bất an. Ngọc Mỹ đã cùng những người trong cơ sở cách mạng đi vận động bà con ở trong nhà để đảm bảo an toàn. Sau đó, cô đạp xe đến các cơ sở cách mạng để nắm bắt tình hình.
Khi đến nhà má Sáu Ngẫu, một cơ sở cách mạng, Ngọc Mỹ gặp Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng Ban Chỉ huy Trung đoàn 27. Sau khi biết lực lượng chủ lực đang ém quân tại ngã tư Hòa Lân (quốc lộ 13, phường Thuận Giao, TP.Thuận An hiện nay) nhưng đang gặp khó khăn vì có nhiều vị trí đóng quân địch chốt giữ, trong khi không thuộc đường, Ngọc Mỹ liền tình nguyện lên xe tăng dẫn đường cho bộ đội tiến về giải phóng Sài Gòn.
Nhờ có bản đồ của má Sáu Ngẫu chuẩn bị, lại có thêm cô gái trẻ ở địa phương trực tiếp dẫn đường, Trung đoàn 27 nhanh chóng tiêu diệt Tiểu đoàn địch ở Củ Chi mới tăng viện về bảo vệ chi khu và quận lỵ Lái Thiêu, bao vây chia cắt và buộc địch ở trung tâm huấn luyện phải đầu hàng. Đồng thời, lực lượng tác chiến nhanh chóng đánh chiếm Vĩnh Bình và cầu sắt Lái Thiêu, nhanh chóng tiến vào trung tâm thành phố.

Hình ảnh cô Nguyễn Thị Ngọc Mỹ khi chỉ đường cho bộ đội chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn
Nửa thế kỷ trôi qua song hình ảnh quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn vẫn còn in đậm trong tâm trí cô Ngọc Mỹ. “Trong suốt quá trình đấu tranh gian khổ, chưa rơi nước mắt, nhưng vào ngày giành được chiến thắng, non sông liền một dải, tôi đã rơi lệ”- cô Mỹ chia sẻ.
Suốt thời gian dài ở trong lòng địch, Ngọc Mỹ nhiều lần bị địch phát hiện bắt và tra tấn. Dù nếm trải các ngón đòn tra tấn dã man, nhưng cô luôn giữ vững bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng.
Cô nhớ lại: “Hồi đó dù còn trẻ nhưng cô không biết sợ, trong đầu luôn nghĩ bất kể làm thế nào, cho dù có hy sinh, miễn là đánh đuổi được quân địch. Mỗi lần thoát khỏi tù ngục, tôi lại say sưa hoạt động cách mạng”.
Sau ngày 30/4/1975, trải qua nhiều vị trí công tác với những chức vụ khác nhau, từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh, với bản tính cách mạng của người chiến sĩ kiên trung, cô Ngọc Mỹ luôn hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trở thành tấm gương mẫu mực của người chiến sĩ cách mạng.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Mỹ được tặng Huân chương kháng chiến hạng ba
Cô đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó, có Huân chương Kháng chiến Hạng 3, Kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày”.