Chuyện tình sau song sắt của "Hoa khôi trại giam" một thời lầm lỗi

Theo Gia Đình & Xã Hội,
Chia sẻ

Tình yêu sau song sắt chính là động lực giúp Thanh Hương - "hoa khôi trại giam" một thời vượt lên ám ảnh tội lỗi.

Bước chân vào trại giam khi ở tuổi 17 với tội danh “giết người”, Phan Thị Thanh Hương đã nghĩ rằng “tương lai thực sự khép cửa trước mắt mình”. Thế nhưng, ở đáy cùng tuyệt vọng, tình yêu lại bất ngờ tìm đến với Hương, giúp nữ phạm nhân được mệnh danh là “Hoa khôi trại giam” Thanh Phong có động lực để quên đi cuộc đời tội lỗi.

“Anh có biết em là kẻ giết người không (?)”

Từ nhỏ đến lớn được gia đình chiều chuộng nên hơn một năm vào trại vì tội giết người, Hương vẫn chưa hết sốc. Mỗi tháng, cô gái trẻ lầm đường chỉ biết ngóng chờ bố mẹ và anh chị từ Thái Thụy (Thái Bình) vào thăm, nhận ít quà tiếp tế rồi lại trở về phòng giam vùi mặt khóc nức nở. Hương những tưởng, những tháng ngày sám hối trong trại giam sẽ mãi chỉ như thế, cho đến khi cô trả sạch mọi tội lỗi của mình. Thế nhưng, giữa tận cùng tuyệt vọng, “thần tình yêu” lại bất ngờ bắn mũi tên trúng trái tim cô…

Nhớ lại “lần đầu tiên” gặp gỡ “một nửa của đời mình”, cô gái từng một thời được mệnh danh là “hoa khôi trại giam” Thanh Phong (Phú Thọ) tâm sự: “Cuộc giáp mặt đầu tiên giữa hai đứa là khi em đến căng-tin trong trại mua đồ ăn. Lúc ấy, em để ý thấy chàng trai bán hàng cứ chăm chú nhìn mình. Chột dạ vì không hiểu anh ta dò xét gì, em vội lấy đồ đi nhanh về buồng giam”.

Những lần mua đồ kế tiếp sau đó, chàng trai không chỉ nhìn mà còn bắt chuyện làm quen với nữ phạm nhân xinh đẹp. Nhưng lần nào cũng vậy, vì mặc cảm đeo đẳng, Hương không dám đáp lại mà quay bước chạy đi. “Nhưng đến một hôm, anh ấy chạy theo chặn đường khiến em không thể về lại buồng giam được nữa”, Hương tâm sự.

Có lẽ, sau quá nhiều lần bị từ chối, bị tỏ thái độ lạnh nhạt, tình cảm sâu kín trong lòng đã thôi thúc chàng trai phải hành động: “Anh chỉ muốn làm bạn với em thôi (!)”. Lúc ấy, cô gái trẻ mặc cảm lắc đầu hỏi ngược lại: “Anh có biết em là kẻ giết người không (?)”. Hỏi xong câu đó, Hương không ngờ chàng trai khẽ mỉm cười, ghé môi thì thầm vào tai cô: “Anh biết chứ, thời gian làm việc ở đây, có phạm nhân nào anh không nắm rõ lý lịch”.

Nghe anh thổ lộ sự quan tâm, Hương bật khóc. Lần đầu tiên kể từ ngày vào trại, nàng thiếu nữ khóc vì một người xa lạ, những giọt nước mắt hạnh phúc. Cũng giây phút ấy Hương nhận ra “vào trại giam không hẳn là mọi thứ kết thúc”. Rồi những lần sau ra căng tin, Hương cố nán lại lâu hơn để trò chuyện với anh. Lâu dần, những lời chia sẻ cũng nhiều hơn, thân thiết hơn.

Có lần Hương hỏi: “Sao anh lại muốn làm bạn với kẻ giết người như em (?)”. Nghe thế, anh cười đáp: “Đã vào trại giam, ai cũng có tội nhưng bằng kinh nghiệm của một người từng trải, anh cảm nhận được, em là một cô gái rất tốt”. Sự tin tưởng ấy của anh đã cho Hương động lực. Giữa bốn bề trại giam, lần đầu tiên, cô dũng cảm kể cho người thứ hai nghe về câu chuyện bi kịch của đời mình.

Chuyện tình sau song sắt của
Tình yêu sau song sắt chính là động lực giúp Thanh Hương vượt lên ám ảnh tội lỗi.
Trả giá cho phút giây nông nổi

Cho đến bây giờ, quá khứ lầm lối ấy vẫn còn ám ảnh Hương rất nhiều bởi thay vì sô-cô-la, hoa hồng và những lời chúc ngọt ngào thì món quà cô nhận được trong ngày lễ tình nhân năm ấy lại là chiếc còng số 8 lạnh ngắt. Tâm sự cùng người viết, Hương kể: “Em còn nhớ như in cái đêm 13/2 năm ấy. Sau khi đến giúp gia đình em tổ chức đám cưới anh trai, cả nhóm lại túm năm, tụm ba bàn tính chuyện ngày mai đi bán hoa cho các cặp trong lễ tình yêu”. Vừa lúc đó, bà hàng xóm (tuổi đã ngoài 70 - PV) đi ra yêu cầu cả nhóm giải tán, đồng thời lớn tiếng sỉ nhục Hương là “đồ hư hỏng”.

Cả đêm hôm ấy, cô gái đang tuổi ăn, tuổi lớn trằn trọc không ngủ được. Câu nói của bà cụ hàng xóm khiến Hương thấy bị tổn thương ghê gớm. Một suy nghĩ vụt thoáng qua, cô dự định sáng mai sẽ sang gặp bà cụ. Vậy là khi mặt trời mọc, vừa chuẩn bị kéo, dây buộc hoa lên đường, cô vừa ghé qua bên nhà hàng xóm định nói chuyện cho ra lẽ. Nhưng trong câu chuyện không đầu không cuối, hai bên đôi co rồi phát sinh mâu thuẫn nặng nề. Đang cơn nóng giận, cây kéo cắt hoa trên tay đã vô tình trở thành hung khí Hương đâm vào cổ nạn nhân. “Nhìn bà cụ lảo đảo gục xuống, em sợ hãi bỏ trốn. Lúc ấy, trong đầu em chỉ nghĩ bà bị thương, bố mẹ sẽ mắng thôi. Không ngờ…”, Hương gạt nước mắt nhớ lại.

Thế nhưng, cuộc chạy trốn của Hương không thành khi vết đâm vô tình ấy đã lấy đi mạng sống của người hàng xóm. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, cả làng đã biết Hương giết người. Đám bạn cô vứt hoa chạy thục mạng, cùng gia đình lùng sục khắp nơi tìm cô. Mẹ Hương chạy dọc con đê làng, cất tiếng gọi con mà giọng khàn đặc. Cô tâm sự: “Đến bây giờ, tiếng gọi “Hương ơi, con ở đâu” nghẹn đắng từ miệng mẹ vẫn còn ám ảnh em, dù 8 năm đã trôi qua”. Hương bị bắt ngay trong buổi chiều 14/2.

Vậy là ngày lễ tình nhân, thiên hạ nhận hoa hồng, sô-cô-la với ngập tràn hạnh phúc thì “món quà” Hương “được tặng” là chiếc còng số 8 lạnh ngắt.

Đón nhận tình yêu và làm lại cuộc đời

Kể đến đây, nỗi ám ảnh quá khứ hiện về khiến Hương không cầm được nước mắt. Ngồi bên cạnh, chàng trai như thấu hiểu, khẽ đưa tay ôm đầu Hương tựa vào vai mình. Trong khoảnh khắc đầy xúc động, Hương khẽ bảo: “Em như vậy, chẳng xứng đáng với anh đâu”. Nhưng ngay lập tức, chàng trai đáp lại: “Trong cuộc đời, ai cũng có lỗi lầm, hãy vượt qua để sửa chữa lối lầm ấy. Anh hứa sẽ bên cạnh em”.

Chuyện tình sau song sắt của
Tác phẩm của Hương tặng gia đình được Hương làm trong trại giam. Ảnh: T.G

Song kể cả khi trái tim đã rung động, Hương vẫn không dám mở lòng đón nhận tình cảm chân thành của người yêu. Mặc cảm tội lỗi vẫn bủa vây tâm trí, khiến cô một mực né tránh những cử chỉ thân mật, những cái nhìn âu yếm của anh. Mãi đến khi, chính bố mẹ người yêu xuất hiện ở trại giam, trên tay mang theo gói quà kèm thỏi son nhỏ, thì Hương mới thực sự dám tin “số phận chưa bỏ rơi mình”.

Cuộc gặp hôm ấy, mẹ anh đã tâm sự với Hương thật nhiều điều. “Lần đầu tiên trong đời, em cảm thấy được tin tưởng. Mẹ anh ấy đã nhận em làm con dâu, đã động viên em nghĩ về tương lai sau khi ra trại. Bà bảo bà hạnh phúc khi con trai dám vượt qua những suy nghĩ tầm thường để lựa chọn tình yêu phía sau song sắt nhà tù này. Sau lần ấy, thỉnh thoảng bà lại quà cáp vào thăm, trò chuyện cho đến tận khi em ra trại”, Hương hạnh phúc kể lại.

Có tình yêu làm động lực, có người thân hai bên gia đình động viên, Hương luôn cố gắng cải tạo tốt. Sự cố gắng của Hương đã được đền đáp xứng đáng khi dịp Quốc khánh năm 2011, cô là một trong 180 phạm nhân của trại giam Thanh Phong được xét đặc xá. Khi danh sách được đưa xuống, cô bé vui mừng đến nỗi đứng khóc như mưa ở sân trại. Cho đến giờ, mọi người vẫn nhắc lại, ở trại giam Thanh Phong, Hương là phạm nhân phạm tội giết người trẻ nhất nhưng cũng là phạm nhân cải tạo với thời gian ngắn nhất.

“Ngày đặc xá, tôi bước ra ngoài và nhìn thấy hai bên gia đình cùng người mình yêu thương đã chờ sẵn bên kia cổng trại. Mẹ anh chuẩn bị cho tôi rất nhiều quần áo đẹp, còn có cả mỹ phẩm nữa. Bà bảo rằng: “Con dâu tương lai của tôi ra ngoài phải thật đẹp…”, Hương kể lại, ánh mắt rưng rưng. Khi được đặc xá, anh đã về quê Hương, xin phép bố mẹ cho cô lên nhà anh chơi. Sau đó, cả hai đã có một số chuyến đi chơi khắp miền Bắc như một cách bù đắp cho gần 6 năm Hương quẩn quanh trại giam.

Và hạnh phúc đã thực sự mỉm cười với Hương kể từ giây phút ấy…



Chia sẻ