Chuyện tình cảm động của cặp vợ chồng ngày ngày đến viện chạy thận
Đến với nhau từ sự đồng cảm về căn bệnh suy thận, mỗi ngày qua đi, cặp vợ chồng trẻ ấy lại càng yêu thương và trân trọng hơn từng giây phút được ở bên nhau.
Cùng biết tin bị mắc căn bệnh suy thận vào năm 18 tuổi, cùng có chung cảm giác cả thế giới như sắp sụp đổ và tương lai chỉ một màu xám xịt, anh Trịnh Duy Chuộng (SN 1985) và chị Nguyễn Thị Tình (SN 1991) giờ đây là hai mảnh ghép không thể tách rời của một tổ ấm. 4 năm qua, họ đã luôn nắm chặt tay nhau vượt qua bao nỗi vất vả của cuộc sống và những cơn đau của bệnh tật.
Khát khao tuổi trẻ và nỗi ám ảnh bệnh tật
Sau khi cưới nhau vào năm 2010, anh Chuộng và chị Tình mở quán nước ở cổng Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ (Hà Nội). Ngày nào cũng thế, vợ chồng anh mở quán từ lúc 6h sáng bán đến đêm muộn mới dọn hàng. Buổi sáng, cả 2 vợ chồng sẽ có mặt ở quán nước, đến buổi chiều thì một người sẽ chạy xe máy hơn 20 cây số lên Bệnh viện Nông nghiệp (Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) để lọc máu. Chị đến viện ngày chẵn còn anh ngày lẻ, cứ thế cuộc sống nhịp nhàng trôi đi.
Mặc dù nước da đen sạm nhưng nụ cười luôn nở trên môi hai người chủ hàng nước thân thiện ấy. Họ cười để quên đi nỗi ám ảnh bệnh tật và động viên lẫu nhau trong cuộc sống. Cả 2 nói rằng không thể giận nhau quá nửa buổi vì “không được thấy nhau cười, nghe nhau nói là lại thấy thiếu thiếu”.
Hơn chục năm trước, vào một buổi chiều khi đi đá bóng về, anh Chuộng đột nhiên thấy người mệt mỏi rã rời. Những ngày sau đó, phát hiện thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, người nhà đưa anh lên bệnh viện Bạch Mai khám thì bác sĩ kết luận anh bị suy thận 3B, phải nhập viện lọc máu 3 lần/tuần.
Ban đầu, chàng thanh nhiên trẻ còn chưa hình dung ra căn bệnh suy thận nguy hiểm đến nhường nào nên xin bố mẹ về nhà. Nhưng tình trạng ngày một trầm trọng khiến anh Chuộng phải quay trở lại bệnh viện.
“Thời gian đó với tôi thật kinh khủng, tôi mất hết niềm tin vào cuộc sống. Nằm trong bệnh viện chứng kiến một số bệnh nhân ra đi vì bệnh suy thận, tôi không sao thoát ra khỏi ý nghĩ rằng đời mình như thế là đã bỏ đi rồi. Thật may mắn là mọi người trong gia đình luôn ở bên cạnh động viên, tiếp thêm cho tôi sức mạnh. Khoảng 2 năm sau, tôi lấy lại được sự cân bằng và cuộc sống có thêm nhiều niềm vui hơn từ khi tôi gặp được Tình” – anh Chuộng chia sẻ rất thật lòng.
Vì nhà đông con, kinh tế không khá giả lại không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình nên những năm đầu tiên chạy thận, anh Chuộng đã lăn lộn với đủ thứ nghề từ đi làm thợ xây, công nhân xưởng nhựa đến chạy xe ôm.
Mặc dù ốm yếu từ nhỏ do bị viêm cầu thận nhưng người bạn đời của anh Chuộng là chị Tình không nghĩ mình có thể mắc bệnh suy thận. Khoảng thời gian nhận được tin dữ đó cũng là lúc chị chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Những cơn đau dai dẳng và sư suy sụp về tinh thần khiến cô gái 18 tuổi năm đó không đủ sức vượt qua kỳ thi.
Những tháng ngày tiếp theo với chị Tình là định kỳ 3 lần/tuần đến Bệnh viện Nông Nghiệp lọc máu. Chị kể: “Khi đó mình đã có bạn trai nhưng nghĩ rằng sự sống của bản thân rất mong manh nên đã chủ động nói lời chia tay. Mình chông chênh không biết tương lai sẽ ra sao”.
Sự đồng cảm nối nhịp con tim
Mặc cảm bệnh tật khiến cả anh Chuộng và chị Tình trở thành những người nhút nhát trong tình yêu, họ luôn tìm cách đóng chặt cánh cửa trái tim mình. Nhưng dường như duyên số đã sắp đặt 2 người ở bên nhau nên vào 1 ngày cuối năm 2009, khi được bạn bè điều trị ở Bệnh viện Nông Nghiệp giới thiệu và cho số điện thoại của cô gái xinh xắn tên Tình, anh Chuộng đã mạnh dạn nhắn tin làm quen.
Những tin nhắn qua lại đã giúp tình cảm giữa 2 người lớn dần lên, sau đó họ gặp gỡ, chuyện trò và về thăm nhà nhau. “Xuất phát từ sự đồng cảm về nỗi đau bệnh tật nên 2 vợ chồng rất hiểu nhau. Cả mình và anh Chuộng khi đó đều mang trong mình mặc cảm bệnh tật và không dám chắc tương lai sẽ ra sao. Nhưng tình yêu đã làm thay đổi suy nghĩ của cả hai. 1 năm sau ngày gặp nhau, chúng tôi tổ chức đám cưới” – giọng chị Tình chứa đầy hạnh phúc của người đang yêu và được yêu thương.
Sự đồng cảm cũng giúp họ cảm thấy an toàn hơn trong cuộc sống, chị Tình nói vui: “Bây giờ thì vợ là bác sĩ của chồng mà chồng cũng là bác sĩ của vợ”. Những khi anh Chuộng cảm thấy khó chịu trong người là chị Tình biết ngay cách thức xử lý, chị cũng biết rõ từng loại thuốc anh phải sử dụng. Có những hôm, người vợ trẻ cảm thấy buồn bực trong người, nhức mỏi xương cốt không ngủ được, anh Chuộng lại trở dậy ngồi bóp chân cho chị cả đêm.
Mặc dù điều kiện kinh tế của nhà chồng còn nhiều khó khăn nhưng chị Tình luôn cảm thấy mình may mắn vì được bố mẹ chồng và các em của anh Chuộng yêu thương. Chị Tình kể: “Nhiều hôm, sau khi lọc máu thấy trong người mệt mỏi biết không thể tự đi về nhà được là chồng và chú em chồng lại lên tận viện đón về. Rồi có những khi anh đi vắng phải ở nhà một mình, mẹ chồng đều chạy xuống xem phim và nói chuyện cùng. Bà không bao giờ biểu hiện tình cảm bằng lời nói nhưng nhìn ánh mắt và những việc làm của mẹ, tôi cảm nhận được trọn vẹn tình cảm bà dành cho tôi”.
Thu nhập hiện nay từ quán nước cũng chỉ đủ cho hai vợ chồng anh chị trang trải sinh hoạt phí, chi phí đi lại. Tiền viện phí mặc dù đã được bảo hiểm chi trả đến 95% nhưng vẫn rất tốn kém nên gia đình hai bên hỗ trợ rất nhiều cho anh Chuộng và chị Tình.
Cuộc sống với bộn bề khó khăn và rủi ro từ bệnh tật khiến 2 người không dám nuôi dưỡng những ước mơ quá lớn lao. Trong nỗi xúc động, anh Chuộng nói: “Nếu mọi người hỏi chúng tôi có mơ ước hay dự định gì không thì sẽ rất khó có câu trả lời. Chỉ mong sao cho những ngày sau sẽ giống như hôm nay, trôi đi êm đềm, hai vợ chồng vẫn có sức khỏe để trò chuyện, để dọn hàng nước, để có thể đến bệnh viện lọc máu đều đặn và được nấu cho nhau những bữa cơm thật ngon…”.