Chuyện thú vị xung quanh những vật thiết thân của phụ nữ Việt xưa

Nguyệt Nguyễn,
Chia sẻ

Câu chuyện xung quanh món “bửu bối” không thể thiếu trong những ngày “đèn đỏ” hay chiếc lược bí chuyên dụng để “càn quét” đàn chấy cứng đầu làm tái hiện hình ảnh người phụ nữ Việt thời xưa.

Những vật dụng “đa chức năng”

Có lẽ rất ít người thuộc thế hệ trẻ ngày nay biết rằng, vào đầu thế kỷ 20, vải màn, vải xô được xem là “bảo bối” bất khả khuyết của người phụ nữ Việt để giải quyết những ngày “đèn đỏ” hàng tháng. Để cố định loại “bảo bối” này, người ta dùng kim băng để gài nó vào quần “chip” hoặc nối với dây thắt trên eo. 

Người phụ nữ lấy vải màn cắt thành miếng to như khăn, giặt sạch. Khi đến ngày “đen đỏ” thì gấp khăn vải màn thành nhiều lớp và sử dụng như băng vệ sinh bây giờ. Sau khi dùng thì giặt sạch, phơi khô và chuẩn bị cho lần dùng sau. Ở một số dân tộc, vùng sâu không có vải màn thì người ta dùng vải may như một bao nhỏ và dùng tro bếp cho vào bao và dùng như một cái khố để máu thấm vào.

Thời bao cấp, cán bộ công nhân viên mỗi năm được phát cho một phiếu vải có tiêu chuẩn chỉ được 4m. Đàn ông có loại vải kaki để may quần. Đàn bà có vải lụa và được thêm mấy mét vải màn để làm băng vệ sinh.

Chuyện thú vị xung quanh những vật thiết thân của phụ nữ Việt xưa 1
Chờ tới lượt mình được phân phối vải vóc.

Hiện nay, chỉ còn rất ít phụ nữ giữ thói quen dùng vải màn khi “đến tháng”. Băng vệ sinh xuất hiện và độc chiếm thị trường. Các loại băng vệ sinh hiện nay rất phong phú về chủng loại, hình dáng. Không chỉ yêu cầu sự thoải mái, dễ chịu, thân thiện với môi trường khi sử dụng, nhiều khách hàng nữ còn yêu cầu cao về mặt thẩm mỹ với sản phẩm đặc biệt này. Bây giờ so với thời trước thì việc vệ sinh khi "đến ngày" của chị em đã thực sự là một cuộc đổi thay vĩ đại.

Ngày nay, người ta đi chợ ai cũng lỉnh kỉnh bọc to bọc nhỏ gói trong túi nilon. Người đi bộ thì cho tất cả túi nhỏ vào một chiếc túi to rồi xách, người đi xe thì treo ở móc cài hay tay lái. Rồi ai nấy đều vội vàng mang đồ về thật nhanh để có bữa ăn cho chồng con. Những hình ảnh của cuộc sống hiện đại ấy khiến nhiều người ngẩn ngơ thấy thiêu thiếu khi nhớ về cái giỏ đi chợ của các bà, các mẹ.

Chuyện thú vị xung quanh những vật thiết thân của phụ nữ Việt xưa 2
Loại thúng đi chợ của các bà, các mẹ một thời.

Phụ nữ thời xưa khi ra chợ thường cắp theo một chiếc rổ, rá hoặc thúng nhỏ đan bằng tre để khi mua hàng thì bỏ vào đó rồi mang về. Nếu hôm nào mua nhiều đồ, nặng quá thì họ đội ở trên đầu. Một tay giữ cái thúng, một đánh nhẹ theo mỗi nhịp bước nhẹ nhàng. Cái thúng đi chợ ấy còn dùng được với biết bao công dụng khác nữa như để bánh trái, đồ ăn mỗi ngày giỗ, Tết. Rồi khi nhà lỡ hết gạo, các bà mẹ lại xách chiếc thúng ấy sang nhà hàng xóm vay tạm vài bơ về nấu cơm cho đàn con.

Chuyện thú vị xung quanh những vật thiết thân của phụ nữ Việt xưa 3
Hình ảnh quen thuộc ngày xưa.

Sau này, ở nông thôn cũng như ở thành thị, phụ nữ bắt đầu chuyển sang dùng làn, giỏ mây, giỏ cói… để đựng hàng hóa mà mình mua sắm. Bó rau mua xong là để vào làn, không cần túi gì bọc ngoài cả. Những thứ có mùi tanh như miếng thịt, miếng cá cắt xong được quấn vào tấm lá chuối hay lá rau bắp cải già. Vậy là chẳng cần đến bịch nilon, mọi người vẫn thoải mái mang đồ từ chợ về.

Chuyện thú vị xung quanh những vật thiết thân của phụ nữ Việt xưa 4
Chiếc làn tiện dụng dần thay thế chiếc thúng đi chợ.

Đối với phụ nữ thời xưa, nón lá vừa là vật dụng không thể thiếu giúp che nắng, che mưa, vừa được xem như một thứ trang sức tôn vinh vẻ đẹp của các quý bà, quý cô. Dưới vành nón, đôi mắt, nụ cười, lúm đồng tiền, những sợi tóc mai, cái gáy trắng ngần của cô gái dường như được tôn thêm nét duyên dáng, kín đáo mà không kém phần quyến rũ... Người ta đội nón làm đồng, đi chợ, chơi hội. Tiễn cô gái về nhà chồng, bà mẹ đặt vào tay con chiếc nón thay cho bao nhiêu lời nhắn gửi yêu thương... 

Chuyện thú vị xung quanh những vật thiết thân của phụ nữ Việt xưa 5
Chiếc nón lá tượng trưng cho phụ nữ Việt.

Chiếc nón lá đối với người dân nông thôn, người nghèo, lại mang nhiều tiện ích hơn nữa. Những lúc trưa hè nóng lực, chiếc nón lá vành rộng, nhẹ nhàng dùng phe phẩy thay quạt. Rồi nón ngửa ra lại có thể thay cho cái rổ, đựng con cá, mớ rau khi tiện đường ghé chợ mua về. Thậm chí còn có thể…lót ngồi! 

Bên cạnh đó, một số nón được làm rất nghệ thuật bằng lá cọ chọn lựa kỹ càng, bên trong có một lớp đan bắng sợi mây chẽ mỏng, giá rất đắt, nhất là khi được trang trí bằng hai cái móc bạc chạm trổ để buộc cái ngù bằng lụa. Nhiều người còn dán một cái gương tròn nhỏ dưới đáy nón để soi khi ra phố và liếc nhìn để chữa lại vành khăn.

Những năm gần đây, các cô gái, rồi các mẹ, các chị, khi đi ra ngoài, phần lớn đi lại bằng xe gắn máy, hoặc xe đạp điện để phù hợp với sự phát triển của xã hội. Mũ bảo hiểm là vật bắt buộc, nên nón lá cũng dần ít đi. Chiếc nón lá chỉ còn lại ở những trường trung học, cách xa thành phố, hay trong những phiên chợ, nơi tảo tần mua bán của các bà, các mẹ…

Chật vật, xoay đủ tứ bề để làm đẹp

Một trong số những tiêu chuẩn về vẻ đẹp của phụ nữ Việt xưa là mái tóc đen dài óng ả. Nhưng khổ nỗi, tóc càng dầy thì lại càng là nơi lý tưởng cho đàn chấy “trú ngụ”. Thế nên với các chị em, một vật dụng không thể thiếu để chăm sóc mái tóc chính là chiếc lược bí. Lược bí làm bằng gỗ, bên thưa để chải tóc mây, bên khít chải chấy. Những lúc rảnh rỗi, các bà các cô lại dùng chiếc lược bí chải tóc để bắt chấy. Có con chấy béo mẫm, gọi là chấy xù hoặc chấy kềnh, khi bắt được thì để lên nền gạch đỏ, dùng móng ngón tay cái giết nổ đánh tách.

Chuyện thú vị xung quanh những vật thiết thân của phụ nữ Việt xưa 6
Chiếc lược bí dùng để "càn quét" chấy.

Một cách chăm sóc mái tóc phổ biến thời xưa là lấy những quả bồ kết đã được phơi khô đem nướng lên rồi ngâm vào nước để gội đầu. Nước bồ kết có một hương thơm nồng nàn và thuần khiết. Một số cô gái còn cầu kỳ, vắt một quả chanh vào nước ấm dội lần chót cho tóc bóng mượt. Tóc gội bằng bồ kết và chanh đen bóng, thơm tho khiến lũ trẻ hít lấy hít để, còn cánh đàn ông thì mê mẩn đến mất hồn.

Gội đầu xong, các bà các cô lại dùng chiếc lược bí để chải cho ra hết các xác quả bồ kết, tép chanh còn sót lại trên tóc. Rồi trong tóc vẫn còn ướt, chiếc lược bí cũng tiện thể “càn quét” cả đàn chấy gan lỳ ngang nhiên thách thức thứ nước gội đầu truyền thống.

Chuyện thú vị xung quanh những vật thiết thân của phụ nữ Việt xưa 7
Để chăm sóc mái tóc dài, phụ nữ thời xưa sử dụng nhiều
 phương pháp dân gian như bồ kết, chanh...

Ngoài bồ kết, nhiều người còn kỳ công kỹ lưỡng ủ những vại nước gạo chắt lại cho chua lên, hoặc sang hơn là nước dừa ủ chua để làm đồ dưỡng tóc. Mùi của những sản phẩm này khá là khó chịu nhưng tác dụng của chúng quả thật rất tuyệt vời. 

Không giống như cách chăm chút cho “góc con người” của phụ nữ hiện đại là dùng đủ mọi sản phẩm tạo kiểu và uốn duỗi nhuộm liên tục, phụ nữ xưa thường để xõa, búi gọn hoặc tết bím. Những cô gái nào “ăn chơi” hơn một chút thì làm mái đầu “phi dê” xoăn tít. Nhưng dù là trên mái tóc thẳng truyền thống hay kiểu đầu xoăn bồng bềnh, các cô gái vẫn thường điểm lên đó một chiếc cặp tóc nhỏ xinh xắn.

Chuyện thú vị xung quanh những vật thiết thân của phụ nữ Việt xưa 8

Chuyện thú vị xung quanh những vật thiết thân của phụ nữ Việt xưa 9
Mái tóc đen nhánh điểm thêm chiếc cặp tóc xinh xắn.

Thời còn Pháp thuộc, người Việt Nam nói chung và phụ nữ nói riêng không ai là không biết đến sản phẩm “xà phòng Cô Ba” nổi tiếng. Không chỉ nổi tiếng khắp ba miền Bắc Trung Nam mà thương hiệu xà phòng Cô Ba còn nổi danh ở xứ Miên, Lào… Ở trong nước, thương hiệu xà phòng Cô Ba còn đánh bật cả xà phòng của người Tàu để chiếm lĩnh tới 70% thị phần tiêu thụ.

Chuyện thú vị xung quanh những vật thiết thân của phụ nữ Việt xưa 10
Bảng quảng cáo xà bông cô Ba. 

Chuyện thú vị xung quanh những vật thiết thân của phụ nữ Việt xưa 11
Bánh xà phòng cô Ba ngày xưa.

Bên cạnh đó còn có xà phòng hiệu “Mộc Lan”, “Hoa Hồng”, “Bạch Lan”, hàng do nhà máy sản xuất xà phòng Hà Nội sản xuất những năm 1970 cho tới những năm giải phóng. Tất cả đều là nhãn hiệu được chị em phụ nữ yêu thích.

Chuyện thú vị xung quanh những vật thiết thân của phụ nữ Việt xưa 12
Xà phòng hiệu Mộc Lan, Hoa Hồng, Bạch Lan do nhà máy sản xuất xà phòng Hà nội sản xuất những năm 1970 cho tới những năm sau giải phóng.

Và có lẽ những ai đã từng sống qua thời bao cấp cũng không thể không biết loại xà bông Liên Xô được đóng thành từng bánh. Loại xà bông ngoại lai này được xem là hàng hiếm mà ai được phát một bánh thì cảm thấy sung sướng đến vài ngày. Xung quanh bánh xà bông thời bao cấp cũng có lắm chuyện bi hài. Có chuyện một anh dân tộc vùng cao lần đầu xuống thành phố, thấy đề là bánh nên tò mò mua ăn thử. Ăn xong có người hỏi “Sao lại ăn, ăn thấy thế nào?”, anh trả lời “Đắng lắm, nhưng xếp hàng chen mãi mới mua được 1 bánh, bằng tiền bán một thúng bắp, một gánh củi, bỏ thì tiếc, phải ăn thôi”. 

Chuyện thú vị xung quanh những vật thiết thân của phụ nữ Việt xưa 13
Bánh xà phòng Liên Xô.

Cục xà bông Liên xô, thời đó quả thực quý như... vàng. Từ một nước xuất khẩu xà bông, người Việt Nam có lúc lại đi nhặt nhạnh thu gom từng cục xà bông đá xứ người gửi về cho gia đình. Thế nên mới có chuyện một nhà được người thân đi nước ngoài gửi về cho hộp bơ. Lúc giở ra thấy giông giống bánh xà bông liền mang đi giặt quần áo. Nhưng khổ quá vò mãi mỏi cả tay mà chẳng ra tí bọt nào.

Riêng đối với phụ nữ Hà thành, một vật dụng không thể thiếu giúp tạo nên vẻ đẹp thanh tao, dịu dàng chính là đôi guốc gỗ. Cho đến tận bây giờ, nhiều người thuộc thế hệ trước vẫn còn nhớ về Hà Nội của tiếng guốc thanh bình một thuở, lúc mà các cô gái “con nhà” mỗi khi ra đường thường gửi gót son vào đôi guốc mộc, họ đi nhẹ nhàng, không kéo lê. Nếu có đạp xe thì đạp xe thật chậm, mũi guốc bao giờ cũng hướng vào trong, ý nhị và duyên dáng.

Chuyện thú vị xung quanh những vật thiết thân của phụ nữ Việt xưa 14
Đôi guốc gỗ đậm nét thiếu nữ Hà thành một thời.

Hà Nội xưa có có hai làng chuyên đóng guốc là Kẻ Giày và làng Yên Xá, trong đó Yên Xá được ví như "kinh đô" của nghề guốc, nơi cung cấp một lượng guốc lớn cho khắp vùng Hà Đông, Hà Nội...

Những tinh xảo một thời đọng trong đôi guốc mộc được làm bằng gỗ vạng, bồ đề, xoan, gáo, thông, trong chiếc quai xinh xẻo tết bằng mây khuôn lấy bàn chân son. Tất cả được làm theo lối thủ công, người mang đôi guốc nhiều khi còn cảm nhận được hơi ấm bàn tay người thợ.

Những câu chuyện nho nhỏ về cuộc sống thiếu thốn trăm bề của phụ nữ Việt thời xưa hẳn khiến nhiều chị em chép miệng: “Ngày xưa khổ thế”. Nhưng trong cái vất vả của sự thiếu thốn ấy, hình ảnh người phụ nữ Việt hiện lên vẫn cuốn hút lạ lùng bởi sự thuần khiết và khát khao hướng về cái đẹp.

Chia sẻ