Chuyện sinh đẻ ở nơi người dân còn lấy bao cao su cho con thổi bóng, thuốc tránh thai cho... gà ăn!
"Nhiều lúc cán bộ dân số vừa ra khỏi các hộ gia đình là người dân đã lấy bao cao su cho con thổi bóng, lấy thuốc tránh thai cho gà ăn", đó là những câu chuyện dở khóc, dở cười không hiếm gặp với những cán bộ như anh Đinh Minh Thuận (cán bộ phụ trách dân số xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình).
Gần 10 năm đưa bà con thoát nỗi sợ của Giàng
Xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình là một trong những địa phương vô cùng khó khăn của tỉnh Quảng Bình với nhiều dân tộc thiểu số rất ít người như dân tộc Chứt, Vân Kiều.
Vì được phát hiện muộn, thời gian hòa nhập chưa lâu nên người đồng bào dân tộc thiểu số tại đây vẫn còn nhiều điều hạn chế.
Vấn đề lớn nhất về dân số với đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình chính là hôn nhân cận huyết, tảo hôn và sinh đẻ không có kế hoạch. Trong gần 10 năm làm cán bộ dân số cơ sở thì con số đáng mừng nhất mà anh Thuận nhận được chính là việc trong 5 năm trở lại đây toàn xã Dân Hóa do anh phụ trách công tác dân số không có thêm các cặp hôn nhân cận huyết.
Anh Thuận (áo trắng) ở giữa hướng dẫn chị em cách dùng thuốc tránh thai và tuyên truyền về hôn nhân cận huyết thống
Anh Thuận chia sẻ: "Không chỉ có cán bộ dân số mà chính bà con cũng vui mừng. Trước đây, do hôn nhân cận huyết, nhiều cặp vợ chồng có con bị khuyết tật. Đồng bào mình nghĩ là Giàng (ma núi) trách tội vì không sinh đẻ trong hang của Giàng.
Giờ đây nhờ đề án phát triển các dân tộc ít người mà bà con được tuyên truyền, được kiểm soát chuyện hôn nhân vậy là "thoát nỗi sợ của Giàng".
Kể về hành trình gần 10 năm tiếp cận với bà con đồng thời thực hiện chương trình "Bảo vệ và phát triển các dân tộc rất ít người", anh Thuận không giấu nổi cảm xúc đặc biệt khi không ít lần phải cười ra nước mắt.
Khác với các địa phương khác, để có thể tiếp cận được bà con các cán bộ và cộng tác viên dân số gần như phải ăn cùng, làm cùng thì mới được bà con tin tưởng vì đa phần các bà con dân tộc đồng bào tại đây đều không biết tiếng Kinh.
Các cặp đôi tảo hôn tại Dân Hóa đều được tuyên truyền về việc bảo vệ sức khỏe tiền hôn nhân cũng như các kiến thức về tình dục an toàn
Dù 5 năm qua, toàn xã Dân Hóa không có tình trạng hôn nhân cận huyết nhưng tình trạng tảo hôn thì vẫn là một trong những bài toán khó với cán bộ dân số địa phương. Năm 2020, toàn xã có 11 cặp tảo hôn với độ tuổi từ 15 đến 17 tuổi.
Anh Thuận tâm sự: "Thực sự vấn đề tuyên truyền cho bà con về tảo hôn gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều cặp đòi chết nếu cán bộ không cho cưới nhau. Trong những trường hợp đó, anh Thuận lại cùng các cộng tác viên dân số đến tâm sự thậm chí không hiếm trường hợp cùng bà con đi rẫy, lên rừng lao động, sản xuất để tư vấn, khai thông tư tưởng. Có nhiều cặp đôi, cán bộ và cộng tác viên phải mất cả tháng mới thuyết phục được".
Không chỉ vậy, với những bà con đã có 2 đến 3 con, các cán bộ y tế địa phương sẽ tuyên truyền với chị em và phân công các cộng tác viên đến tận nhà để dạy cách uống thuốc tránh thai, chở đến trạm y tế xã để sử dụng vòng tránh thai.
Cùng "cô đẻ" lên hang sâu giúp bà con sinh đẻ an toàn
Đồng bào Chứt nói chung và tại Quảng Bình nói riêng vốn mang trong mình nhiều hủ tục. Một trong những hủ tục nguy hiểm đã cướp đi sự sống của nhiều đồng bào là sinh đẻ trong những lán trại, hang hốc tận rừng sâu.
Nắm bắt được "thói quen" nguy hiểm của bà con, các cán bộ dân số đã liên tục động viên bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, đặc biệt phối hợp chặt chẽ với các cán bộ y tế tại trạm xá xã, tập huấn cho các bà đẻ của chính đồng bào. Anh Thuận tâm sự:
"Ở đây, các cán bộ y tế chuyên nhiệm vụ đỡ đẻ mà là nữ toàn được bà con phong là "cô đẻ". Thế nhưng, cũng không ít lần cô đẻ phải đi vào hang sâu, lán vắng để giúp bà con "vượt cạn".
Trong những năm qua, hầu hết bà con không còn chọn hình thức sinh đẻ tại các lán trại một mình như trước đây nữa mà đa phần đều đến trạm y tế của xã để sinh con. Theo anh Thuận, bà con vẫn quan niệm rằng, nếu theo phong tục của đồng bào thì Giàng sẽ bảo hộ.
Trong những tình huống như thế thì vai trò của các cộng tác viên dân số lại tiếp tục được đề cao. Không hiếm các cộng tác viên dân số những ngày cận sinh của bà con sáng chiều hai lượt đều phải vào tận nhà để "canh" bà con sinh vì không hiếm trường hợp bà con vẫn trốn vào rừng để sinh con.
Các gia đình, cán bộ dân số đều vui mừng khi các trẻ em sinh ra tại trạm y tế đều an toàn, khỏe mạnh
Anh Thuận kể: "Có nhiều trường hợp, cán bộ y tế được dân "mách" một trường hợp chuẩn bị trốn vào rừng sinh. Vậy là, anh cùng các cán bộ địa phương, cộng tác viên dân số phải lập kế hoạch để tiếp cận.
"Nỗi sợ của Giàng" và "cái bụng no" được đưa ra thương lượng. Nếu bà con không chịu đẻ tại trạm thì sẽ không được cấp gạo theo chế độ hộ nghèo nữa. Vậy là mọi việc mới tạm ổn". Với những ca sinh khó, cán bộ y tế địa phương cắm bản cũng sẵn sàng băng rừng lội suối đến chỗ ở của bà con để có thể giúp chị em "vượt cạn an toàn".
Trong năm 2020, xã Dân Hóa có 86 con em đồng bào được ra đời thì chỉ có 22 trẻ không thực hiện sinh đẻ tại trạm y tế nhưng đều được theo dõi y tế của các cán bộ y tế xã. Các cặp đôi tảo hôn 100% được tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, định hướng sinh đẻ có kế hoạch. Các hộ dân hầu hết đã thành thạo việc sử dụng bao cao su, thuốc tránh thai.
Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt chương trình "Bảo vệ và phát triển các dân tộc rất ít người giai đoạn năm 2021-2030". Vượt qua những khó khăn, các cán bộ và cộng tác viên dân số tại Quảng Bình vẫn đang nỗ lực ngày đêm để hóa giải bài toán hủ tục, giúp bà con sinh đẻ có kế hoạch, xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào.