Chuyện phá thai ở quốc gia đông dân nhất thế giới
Quyền nạo phá thai của phụ nữ lâu nay vẫn là đề tài gây tranh cãi trong dư luận Trung Quốc.
Tòa án Tối cao Mỹ được cho là đã tạm thời bỏ phiếu để đảo ngược luật phá thai Roe v Wade bất chấp các cuộc biểu tình rộng khắp cả nước. Roe v Wade là phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao Mỹ vào năm 1973 nhằm hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn lãnh thổ.
Còn tại Trung Quốc, một trong những quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất trên thế giới, quyền phá thai của phụ nữ lâu nay trở thành đề tài tranh cãi.
Phá thai là hợp pháp?
Phá thai được chấp nhận rộng rãi và thực hiện trên khắp lãnh thổ Trung Quốc và tất cả phụ nữ đều có thể làm. Thậm chí, phá thai còn nằm trong chương trình kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc. Thủ thuật phá thai có thể thực hiện ở các bệnh viện công, bệnh viện tư và cả phòng khám.
Phá thai được chấp nhận là hợp pháp tại Trung Quốc trong hơn 50 năm qua kể từ năm 1953. Chuyện này khiến Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia đang phát triển đầu tiên trên thế giới chấp nhận phá thai là hợp pháp, và phụ nữ dễ dàng tiếp cận dịch vụ. Bởi theo văn hóa truyền thống Trung Quốc, quyền sống là bắt đầu từ lúc đứa trẻ được sinh ra.
Phá thai phổ biến như thế nào?
Trung Quốc là một trong những nước có tỷ lệ phá thai cao nhất trên thế giới. Theo nghiên cứu của viện Guttmacher ở Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng Ba, cứ 1.000 phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản ở Trung Quốc thì có tới 49 người phá thai mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2015 – 2019. Nghiên cứu điều tra trên nhóm phụ nữ ở độ tuổi sinh sản từ 15 – 29.
Cùng kỳ, tại Mỹ và Canada, số ca nạo phá thai ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là 23/1.000 người mỗi năm.
Số ca phá thai trung bình mỗi năm tại Đông và Đông Nam Á, hai khu vực có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất ở châu Á, là 43/1.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Còn theo số liệu được chính phủ Trung Quốc công bố, quốc gia này có trung bình khoảng 9 triệu ca phá thai mỗi năm.
Tuy nhiên, số ca phá thai đang có chiều hướng gia tăng kể từ năm 2017 tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Cụ thể, Trung Quốc có 9,6 triệu ca phá thai được ghi nhận trong năm 2017, chiếm 17,4% trong tổng số 55 triệu ca phá thai trên toàn thế giới.
Vào năm 2019, chính phủ Trung Quốc xác nhận số ca phá thai ở nước này là 9,76 triệu. Tuy nhiên, các chuyên gia và báo cáo của truyền thông Trung Quốc lại cho rằng, con số phá thai thực tế là 13 triệu. Bởi số liệu của chính phủ Trung Quốc không thống kế được các ca nạo phá thai ở bệnh viện tư nhân, hoặc tại các phòng khám chui.
Nghiên cứu tại địa phương cũng cho thấy đa số ca phá thai là ở phụ nữ trẻ tuổi và chưa lập gia đình. Họ là những người chưa từng sinh con trước khi phá thai. Theo báo cáo của Southern Metropolis Daily, 1/2 phụ nữ từng phá thai ở tuổi 25 hoặc ít hơn. Thậm chí, hơn 1/2 còn phá thai nhiều hơn một lần.
Tuy nhiên, lâu nay chuyện phá thai vẫn gây tranh cãi trong dư luận Trung Quốc khi có nhiều vụ việc tố cáo phụ nữ bị ép phá thai, hoặc buộc phải phá thai do lựa chọn giới tính thai nhi. Gần đây, những phụ nữ trẻ chưa kết hôn cũng bị hạn chế làm thủ thuật phá thai, nếu như họ không có lý do liên quan tới vấn đề sức khỏe.
Ép phá thai
Vào năm 1979, Trung Quốc cho thi hành "chính sách một con" nghiêm ngặt nhằm hạn chế sự bùng nổ dân số. Tới năm 2016, chính sách này mới được xóa bỏ.
Song vào giai đoạn "chính sách một con" được thi hành, chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp cực đoan nhằm thực hiện chương trình kế hoạch hóa gia đình như ép phá thai, triệt sản và phạt hành chính đối với những trường hợp sinh con vượt số lượng cho phép.
Hàng triệu phụ nữ Trung Quốc được báo cáo bị tổn thương tâm lý nặng nề sau khi bị ép phá thai. Điển hình, vào năm 2012, một vụ việc khiến dư luận Trung Quốc chấn động khi người phụ nữ có tên Feng Jianmei sinh sống ở tỉnh Thiểm Tây bị tiêm thuốc và ép phá cái thai đã được 7 tháng, sau khi cô và chồng không trả khoản tiền phạt vì sinh con thứ hai.
Lựa chọn giới tính thai nhi
Do mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh một con và văn hóa Trung Quốc vẫn đặt nặng chuyện sinh con trai để nối dõi tông đường, không ít gia đình được biết từng nhiều lần phá thai khi biết thai nhi là con gái để cố đẻ được con trai.
Theo nghiên cứu của Đại học Giao thông Tây An, có khoảng 20 triệu bé gái đã “mất tích” trong dân số Trung Quốc từ năm 1980 – 2010, do nạn phá thai hoặc giết hại để bố mẹ có cơ hội sinh con trai.
Hậu quả, Trung Quốc hiện là nước có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất thế giới. Dữ liệu công bố năm 2021 cho thấy, số lượng nam giới Trung Quốc nhiều hơn nữ giới là 34,9 triệu người.
Thay đổi chính sách
Đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số và tỷ lệ sinh đẻ không có dấu hiệu gia tăng sau khi "chính sách một con" được xóa bỏ vào năm 2016, chính phủ Trung Quốc đang cho thi hành nhiều biện pháp khuyến sinh.
Cơ quan kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc đã ra thông báo hồi cuối tháng Một về việc sẽ “can thiệp” trong trường hợp phụ nữ chưa kết hôn và thanh thiếu niên muốn phá thai. Ngoài ra, các cơ quan tuyên truyền cũng chú trọng tới giá trị truyền thống để khuyến khích người dân sinh thêm con.
Vào tháng Sáu năm nay, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành hướng dẫn về việc “giảm thiểu tỷ lệ phá thai mà không có lý do y tế”.
Trong năm 2021, Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh con thấp kỷ lục, dù chính phủ nước này đã cho xóa bỏ chính sách một con vào năm 2016 và cho phép các cặp vợ chồng sinh 3 con.
Cụ thể, theo số liệu thống kê chính thức, 10,62 triệu trẻ ra đời vào năm 2021, giảm 11,5% so với con số 12 triệu trẻ trong năm 2020.
Tỷ lệ sinh con trên toàn lãnh thổ Trung Quốc giảm còn 7,52 trẻ/1.000 người. Đây là mức thấp nhất kể từ khi Trung Quốc tiến hành thống kế. Và con số này cũng đã giảm so với mức 8,52 trẻ/1.000 người vào năm 2020.