Chuyện nữ bác sĩ di truyền: Từ cảm xúc vỡ òa vì 2 tiếng "mẹ Hoa" của nhiều đứa trẻ “chờ đợi mòn mỏi” đến những nỗi buồn day dứt

Tiểu Nguyễn,
Chia sẻ

"Em giữ thai được rồi, em giữ con được rồi đúng không chị?", trong chục năm làm nghề bác sĩ di truyền, đó là câu nói mà TS.BS Bùi Thị Phương Hoa nhớ mãi.

Vào một buổi sáng dịu nhẹ đầu hạ, khi tiếng trẻ con cười vang ở khu hành lang Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, chúng tôi gặp TS.BS Bùi Thị Phương Hoa - người phụ nữ có nụ cười như ánh nắng, bước đi vội vàng nhưng ánh mắt lại luôn dừng lại dịu dàng trước từng bệnh nhân.

Chị là bác sĩ Di truyền, đồng thời giữ chức Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Đào tạo của Bệnh viện Nam học Hiếm muộn Hà Nội. Trong suốt hơn 10 năm làm nghề, chị đã góp phần thay đổi số phận của hàng ngàn cặp vợ chồng. Những đứa trẻ chào đời sau nhiều năm mong ngóng, chính là những chứng nhân sống động cho trái tim ấm áp và khối óc kiên định của nữ bác sĩ này.

Chuyện nữ bác sĩ di truyền: Con 2 tháng tuổi đã "xách" đi du lịch, là “mẹ” của nhiều đứa trẻ sinh ra sau hàng chục năm chờ đợi mòn mỏi - Ảnh 1.

TS.BS Bùi Thị Phương Hoa.

Chuyện bác sĩ di truyền: Từ cảm xúc vỡ òa vì 2 tiếng "mẹ Hoa" đến những nỗi buồn day dứt nhiều năm...

BS Hoa kể, có một cặp vợ chồng tiền sử lưu sảy thai 7 lần. Khi tìm được nguyên nhân do bất thường gen bệnh hiếm, lòng chị như được thắp lên một đốm lửa nhỏ. Cuối cùng, họ có thai và sinh đẻ thành công. Ngày đưa con đến viện thăm bác sĩ, cả ba ôm nhau khóc. Đứa trẻ cất tiếng gọi "mẹ Hoa", cả cảm xúc như vỡ òa trong chị.

Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng toàn niềm vui. Chị có người thân quen, sinh 3 đứa con đều mắc bệnh di truyền, đã gửi mẫu đi khắp nơi, trong nước cũng như nước ngoài để hội chẩn, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. "Mình giúp được bao nhiêu người, nhưng người thân thì vẫn chưa. Điều này khiến mình cảm thấy áy náy", ánh mắt BS Hoa đượm buồn.

Là phụ nữ, là người mẹ, chị hiểu sâu sắc cảm xúc của những người phụ nữ vô sinh hiếm muộn. Chị cũng từng trải qua một thai kỳ vất vả: Dọa sảy, dọa sinh non, nằm yên trên giường suốt 2 tháng để giữ con. 

Chuyện nữ bác sĩ di truyền: Con 2 tháng tuổi đã "xách" đi du lịch, là “mẹ” của nhiều đứa trẻ sinh ra sau hàng chục năm chờ đợi mòn mỏi - Ảnh 8.

BS Hoa rất bận rộn nhưng luôn dành thời gian ở cạnh con để con có những trải nghiệm tuyệt nhất từ khi còn nhỏ.

"Chị học làm mẹ từ chính trải nghiệm của mình, từ những phút lắng nghe con kể: Hôm nay ở trường con ăn gì, chơi gì", BS Hoa kể.

2 con của chị được rèn tính tự lập từ nhỏ, ảnh hưởng từ nếp sống kỷ luật mà bố mẹ rèn giũa. Nhưng tuổi thơ thì chỉ có một, nên chị luôn dành thời gian để con trải nghiệm. "Tuổi thơ con ngắn lắm. Chị muốn con có thật nhiều ký ức đẹp để sau này nhớ về". Bởi vậy, khi con mới 2 tháng tuổi, cả nhà chị đã "xách" nhau lên Cao Bằng du lịch. Đến nay, gia đình chị gần như đã đi hết 63 tỉnh thành và cũng đi nhiều nơi ở nước ngoài.

Chuyện nữ bác sĩ di truyền: Con 2 tháng tuổi đã "xách" đi du lịch, là “mẹ” của nhiều đứa trẻ sinh ra sau hàng chục năm chờ đợi mòn mỏi - Ảnh 5.

"Chị học làm mẹ từ chính trải nghiệm của mình, từ những phút lắng nghe con kể: Hôm nay ở trường con ăn gì, chơi gì".

Định mệnh làm bác sĩ từ một lần ốm nặng

Ngày còn bé, BS Hoa từng trải qua một trận ốm rất nặng. Đó là lần đầu tiên chị đối diện với ranh giới sinh tử mong manh. Sự tận tâm và kỳ diệu của những người bác sĩ năm ấy đã gieo vào tâm hồn non nớt một hạt giống, rằng: "Làm bác sĩ là một việc thật sự có ý nghĩa".

Một cặp vợ chồng đưa con qua chào hỏi, cảm ơn BS Hoa.

Lớn lên, chị lại đặc biệt say mê và học rất giỏi môn Sinh học. Người truyền cảm hứng cho chị là cô giáo dạy Sinh - một người phụ nữ nổi tiếng tận tâm, có nhiều học sinh đỗ vào trường Y. Chính cô đã giúp chị tin rằng: "Mình có thể đi xa với thế mạnh này".

Sau khi tốt nghiệp đại học, chị sang Anh một thời gian, suy nghĩ về con đường nghề nghiệp. Khi đang ở xứ người, mẹ chồng chị, một người không học y, nhưng hiểu con dâu sâu sắc, đã khuyên rằng: "Mẹ thấy thế mạnh của con như thế, lựa chọn ngành di truyền là rất hợp với con". Lời nói của mẹ như ánh sáng soi đường. Chị quyết định học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ về Di truyền tại Anh, trước khi trở về Việt Nam và gắn bó với ngành từ đó.

Một người, 2 vai - bác sĩ và nhà nghiên cứu

Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, BS Phương Hoa đảm nhiệm song song 2 vai trò. Thứ nhất là bác sĩ di truyền, chuyên tiếp nhận, phân tích các kết quả xét nghiệm di truyền và tư vấn chuyên sâu cho các trường hợp vô sinh, hiếm muộn hoặc có tiền sử bệnh lý thai kỳ. Thứ hai là trưởng phòng nghiên cứu khoa học và đào tạo, phụ trách triển khai các đề tài, tổ chức đào tạo nội bộ, hợp tác các nghiên cứu đa trung tâm. Ngoài ra, chị còn là giảng viên của 2 trường đại học.

Chuyện nữ bác sĩ di truyền: Con 2 tháng tuổi đã "xách" đi du lịch, là “mẹ” của nhiều đứa trẻ sinh ra sau hàng chục năm chờ đợi mòn mỏi - Ảnh 3.

Tưởng chừng khô khan, nhưng chị nói, làm khoa học lại là cách để đi sâu hơn vào từng câu chuyện bệnh nhân. Mỗi nghiên cứu mới mở ra những hy vọng, một phương pháp điều trị mới, một liệu pháp có thể giúp họ về đích.

Chị đang ấp ủ một đề tài thử nghiệm về liệu pháp điều trị mới, nếu được phê duyệt, sẽ có thể áp dụng cho những ca vô cùng khó khăn. Chị gọi đó là "hành trình đi tìm điều mình chưa biết".

Chuyện nữ bác sĩ di truyền: Con 2 tháng tuổi đã "xách" đi du lịch, là “mẹ” của nhiều đứa trẻ sinh ra sau hàng chục năm chờ đợi mòn mỏi - Ảnh 4.

Đại gia đình hạnh phúc của BS Hoa.

"Em giữ thai được rồi, em giữ con được rồi đúng không chị?"

Trong chục năm làm nghề bác sĩ di truyền, đó là câu nói mà chị nhớ mãi.

Chị kể, có những người đến với chị trong tuyệt vọng. Thai lưu không rõ nguyên nhân, đình chỉ thai 3 lần vì dị tật não nặng... Họ gặp chị với ánh mắt mất niềm tin vào tương lai. Chị, trong vai trò bác sĩ di truyền, là "chiếc phao cuối cùng", là người cầm tay họ đứng dậy giữa đổ nát của hy vọng.

"Có bệnh nhân đến gặp bác sĩ khi thai đã to, tiền sử nhiều lần đình chỉ thai ở mốc 18 tuần, 25 tuần vì bệnh hiếm. Gặp mình, bạn ấy lo sợ chuyện cũ lặp lại. Mình quyết tâm tìm ra nguyên nhân. Khi phát hiện ra rồi, bạn ấy quyết định can thiệp hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp IVF, xét nghiệm phôi. Giờ bé đầu 2 tuổi rồi, hiện tại bạn ấy lại đang bầu bé thứ hai", chị cười hạnh phúc.

Chuyện nữ bác sĩ di truyền: Con 2 tháng tuổi đã "xách" đi du lịch, là “mẹ” của nhiều đứa trẻ sinh ra sau hàng chục năm chờ đợi mòn mỏi - Ảnh 6.

Chị bảo, niềm vui trong nghề không phải là những lời khen mà là khoảnh khắc được nói với bệnh nhân: "Em có thể giữ thai rồi". Một câu nói tưởng bình thường, nhưng với người từng phải "bỏ con", nó là phép màu, là giấc mơ được chạm vào.

Ngày của Mẹ đang đến gần. Khi được hỏi muốn nói gì với những người phụ nữ đang trên hành trình tìm con, BS Hoa mỉm cười nhẹ nhàng nói: "Phép màu cũng cần thời gian. Mong những người phụ nữ dũng cảm, nếu chưa thành công, hãy cho bác sĩ và cho chính mình thêm thời gian, thêm cơ hội. Các bác sĩ sẽ luôn đồng hành, cùng đi đến cuối con đường".

Chị cũng cho biết, mỗi năm đều cùng bệnh viện tổ chức chương trình Tuần Lễ Vàng, với mong muốn trao cơ hội, tiếp thêm niềm tin, hy vọng cho những người phụ nữ đang mong mỏi 2 tiếng con yêu.

Chuyện nữ bác sĩ di truyền: Con 2 tháng tuổi đã "xách" đi du lịch, là “mẹ” của nhiều đứa trẻ sinh ra sau hàng chục năm chờ đợi mòn mỏi - Ảnh 10.

Nữ tiến sĩ tài tâm vẹn toàn đã trở thành niềm tin của nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, là niềm tự hào của các đồng nghiệp, là điểm tựa ấm áp trong gia đình. Một người phụ nữ giỏi giang, cống hiến với nhiều vai trò cả trong gia đình và ngoài xã hội, nhưng chị chưa từng phai nhạt sự dịu dàng của một người phụ nữ với trái tim yêu thương là thế…

Chuyện nữ bác sĩ di truyền: Con 2 tháng tuổi đã "xách" đi du lịch, là “mẹ” của nhiều đứa trẻ sinh ra sau hàng chục năm chờ đợi mòn mỏi - Ảnh 11.

Chia sẻ