Chuyện những cổng làng trên con phố cổ Hà Nội, nơi người dân có một nhịp sống "khác lạ"

Hoài Nam,
Chia sẻ

Giữa không gian ồn ào, hối hả ở Hà Nội, có một con đường được mệnh danh là "phố" cổng làng. Cứ đi vài chục mét trên con phố Thụy Khuê (Hà Nội), đan xen giữa những căn nhà hiện đại lại xuất hiện vài cổng làng rêu phong.

Các cổng làng xưa hầu như không còn, nhất là ở các thành phố lớn, thế nhưng đi dọc phố Thụy Khuê, nhất là đoạn cuối gần chợ Bưởi, ta lại dễ dàng bắt gặp những cổng làng xưa cũ trầm mặc. Lòng thấy nao nao mỗi khi bước qua cổng làng.

Thực ra, những ai sinh ra ở nông thôn, nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ thì càng thấy trân quý vẻ đẹp của những chiếc cổng làng. Mỗi chiếc cổng đơn sơ, cổ kính khiến ta người gợi nhớ về nơi sinh chốn quen thuộc, có mẹ cha, họ hàng và những phong tục lễ giáo được bảo tồn. Qua mỗi cổng làng khiến người ta như bước vào một thế giới khác lạ của nông thôn Việt Nam.

ANH1 (1)

Cổng làng Đông Xã, số 444 Thụy Khuê. Theo thời gian, cổng làng đã bong tróc, nhưng vẫn giữ được nét cổ kính của Hà Nội xưa.

ANH2 (1)

Cổng này xưa có 2 cánh gỗ đóng mở vào buổi tối và sáng sớm, sau cánh cổng cũng bị loại bỏ vì bất tiện.

ANH3 (1)

Cổng làng có một kiểu kiến trúc độc đáo và qua cổng làng là như bước vào một thế giới khác của nông thôn Việt Nam.

Trên con phố Thụy Khuê, những chiếc cổng làng có những nét độc đáo riêng biệt bởi lẽ không cổng nào giống cổng nào từ kích thước đến kiến trúc. 

Có những chiếc cổng khá lớn là lối đi riêng rộng rãi như một con phố, lại có những chiếc cổng rất nhỏ chỉ hai xe đi vừa, dẫn vào những cái ngõ dài hun hút. Những cổng làng này mang những cái tên nôm na, dân dã mà chỉ cần đọc lên đã thấy vẻ bình dị, cổ xưa của một thời dĩ vãng: Cổng Giếng, cổng Hầu, cổng Chùa, cổng Đông, cổng Cái, cổng Xanh…

Ngày nay, những chiếc cổng làng xưa được tu bổ, cải tạo nhưng vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cổng làng xưa. Điều này tạo cho phố Thụy Khuê một không gian làng xã ấm cúng, một nét đẹp rất riêng mà không con phố nào khác ở Hà Nội có được.

ANH4 (1)

Cổng làng Yên Thái, số 562 Thụy Khuê. Làng Yên Thái vốn nổi tiếng với nghề làm giấy dó.

ANH5 (1)

Cổng được treo 4 chữ vàng "Mỹ Tục Khả Phong" do triều đình Tự Đức năm thứ 19 (1867) ban. Người dân nơi đây gìn giữ cổng làng như một nét văn hóa. Những cái cổng bình dị ấy mang dấu vết của làng Việt cổ xưa…

ANH6 (1)

Hiện nay, phía dưới chân cổng vẫn còn các bệ đá chạm khắc theo lối cổ. Làng Yên Thái là một trong những ngôi làng nổi bật nhất ở Thụy Khuê với con đường lát gạch nghiêng dài gần 300 mét.

ANH7 (1)

Cách cổng làng Yên Thái không xa, cổng Hầu là cổng dẫn vào làng An Thọ, một ngôi làng truyền thống xưa trông khá hiện đại, được trùng tu năm 1998.

ANH8 (1)

Ngày xưa, cổng làng là nơi trồng cây to, quán nước. Giờ không gian đô thị đông đặc hơn, cổng làng vẫn có những quán hàng nho nhỏ, hàng ăn sáng, quán trà đá và rất đông người đến ngồi nói chuyện.

ANH9

Cổng Xanh, đặc trưng với hai câu đối hai bên. Cổng Xanh là một cổng khác của làng An Thọ, số 514 Thụy Khuê.

ANH10

Dù cuộc sống hối hả nhưng nhịp thời gian sau cánh cổng làng vẫn luôn "trễ" hơn mấy nhịp. Mọi thứ bình yên và dung dị

ANH11

Cổng làng Hồ Khẩu tại ngõ 376. Người dân ở đây cho biết làng có 3 cổng, cổng này là cổng đi lại chính của của người dân.

ANH12

Cổng có tên cổng Giếng, cũng mới được sửa sang lại năm 1996. Đối với nhiều người dân nơi đây, những cổng làng được lưu giữ như một nét hồn quê giữa phố thị sầm uất là niềm hạnh phúc lớn lao.

ANH13 (1)

Cổng làng Hồ có diện tích lớn nhất so với các cổng khác trên con phố Thụy Khuê.

ANH14

Phía trước cổng là 3 bậc đá, thềm lát gạch đỏ phía trên. Trước đây, cổng chính của làng Hồ chỉ được mở vào ngày hội còn hiện nay, cổng làng mở quanh năm.

ANH15

Cổng Chùa, một cổng phụ của làng Hồ Khẩu, số 370 Thụy Khuê. Con phố Thụy Khuê có nhiều cổng làng nhất Thủ đô bao năm rồi vẫn còn giữ được nét độc đáo của văn hóa làng quê. Đi đâu xa có dịp trở lại, người ta vẫn thấy xao xuyến làm sao mỗi khi đưa chân bước qua cổng làng.

Chia sẻ