Chuyện những chàng... ế vợ

,
Chia sẻ

Các cụ vẫn nói “ Vợ chồng là cái duyên cái số” nhưng thật sai lầm nếu đổ tội cho ông trời trong khi những anh chàng muộn vợ phần lớn vì những lý do như: kén chọn, mê tín, quá đề cao bản thân mình...

Ở đời không biết mình là ai!

33 tuổi, cái tuổi mà theo bố mẹ Giang nói, nếu có phúc anh đã phải lên chức bố, các cụ cũng có vài ba

 
đứa cháu chạy lăng xăng trong nhà, bi bô gọi ông gọi bà rồi. Song với Giang thì là chuyện "Hãy cứ từ từ, duyên chưa tới!"

Người ta vẫn bảo hôn nhân là do duyên trời sắp đặt. Tuy nhiên, đổ hết lỗi lên đầu ông trời liệu có quá bất công? Phải chăng một phần lí do không nằm ngoài cái sự "ẩm ương" của gã đàn ông "ế vợ" như Giang.

Quả thực, anh chàng kén ghê gớm. Với Giang, tiêu chuẩn đầu tiên là phải "ngon"! Anh chàng mở ngoặc: "Lấy vợ xấu để giữa đêm bất chợt tỉnh dậy tưởng mình nằm cạnh... con ma à?"

Kế đó phải có học, vì cỡ kĩ sư xây dựng như anh, mất bao năm đèn sách lại lấy một cô vợ "lùn văn hóa" thì phí.

Tiếp đến, Giang yêu cầu "đối phương" phải có công ăn việc làm, bởi trong cái thời buổi khủng hoảng kinh tế toàn cầu này, việc phải "nuôi báo cô" ai đó quả là mạo hiểm, hơn nữa anh chúa ghét những cô nàng lêu lổng hoặc quá ù lì. Rồi anh lại còn ra tiêu chuẩn là không lấy vợ sát tuổi mình, vì: "Tầm tuổi này là gái già, gái ế rồi, chả lẽ tao mà lại chịu lấy loại đấy à?". Từ đó suy ra, Giang cần một cô gái vừa xinh, vừa trẻ, vừa giỏi, vừa năng động.

Trong khi đó, ngoài một tấm bằng kĩ sư xây dựng kèm dăm ba chứng chỉ mà giờ nhan nhản như "lợn con", thì Giang chỉ còn một gương mặt điển trai song cũng đến thời kì "nhàu nhĩ" do tuổi tác, cùng quá trình làm việc vất vả tại các công trường thi công xây dựng. Giá trị nhất họa chăng chỉ có ngôi nhà do bố mẹ anh đã phấn đấu cả đời gây dựng được, giờ để lại cho con trai.

Nếu làm phép so sánh mọi người cũng đủ hiểu tại sao đến giờ Giang vẫn "phòng không". Nói thì Giang bảo thủ cho rằng: "Hôn nhân là chuyện quan trọng, không kén chọn thì dễ ân hận cả đời à?". Nhưng đó mới chỉ là phương diện lý thuyết, thực tế còn nhiêu khê hơn nữa.

Ví như lần vừa rồi, đã tìm cho Giang cô giáo viên hội tụ đầy đủ mọi điểm anh yêu cầu. Tưởng vụ mai mối này không thể không thành, ai ngờ Giang chê người ta... quá ngoan. Anh nói: "Không thích cái lối ngoan ngoãn thái quá theo kiểu nhà giáo của cô ta. Nếu lấy về chắc suốt ngày nghe cô ấy dạy dỗ, giáo huấn, mệt lắm!". Vậy là thêm một tiêu chuẩn nữa: "Không lấy gái quá ngoan".

Hay như một cô gái khác cũng được "dí dẩm" cho Giang, ai ai đều ca ngợi cô này hết lời, chỉ riêng Giang vẫn moi móc ra nhược điểm: "Em này lãng mạn lắm, sống không thực tế, đã vậy còn có vẻ "chảnh" và tiểu thư, e là không hợp làm dâu nhà ta!".

Rốt cuộc, 33 tuổi đầu rồi, Giang chưa một lần tìm được ai ứng ý để gọi là "người yêu", khiến gia đình và bạn bè chán nản, họ đều đi đến kết luận: "Như thế gọi là ở đời không biết mình là ai đấy!"

Lấy vợ cho... mẹ

Tương tự như Giang nhưng anh chàng Hoàng Nam (32 tuổi, Minh Khai, Hà Nội) lại "ế" vì một lí do khác. Bạn bè cũng khẳng định, Nam không phải tuýp "quá kén cá chọn canh", song sự bế tắc nằm ở chỗ anh quá "tôn thờ" mẹ. 

Bố mẹ Nam ly dị từ khi anh còn nhỏ, mẹ một mình nuôi dưỡng anh trưởng thành nên Nam tự hứa với bản thân, sẽ làm mọi việc để đền đáp công ơn mẹ. Bởi vậy, chuyện hôn nhân anh chàng càng chẳng thể để mẹ phật ý.

Tuy nhiên, khoảng cách tuổi tác khiến quan điểm hai mẹ con khó tương đồng. Giả dụ có lần Nam quen cô gái bằng tuổi thì mẹ anh nói: "Lấy vợ bằng tuổi chỉ sau 5 năm kết hôn, mày phải gọi nó là chị à?". Một câu nói vu vơ cũng khiến Nam chán nản rồi "bỏ của chạy lấy người".

Thời gian sau, Nam dẫn về ra mắt một bạn gái nhỏ nhắn xinh xắn, trẻ trung hơn, nào ngờ mẹ anh chê: "Mặt xinh nhưng người thấp nhỏ quá. Phụ nữ vậy thường khó sinh nở, sức khỏe yếu", làm Nam tưng hửng, cụt hứng.

Hay dạo gần đây, Nam "nhắm" được một người mà mẹ anh đã rất ưng. Song, đến khi hỏi tuổi, bà phát hiện ra "mạng" cô này khắc với Nam. Theo bà, "vợ khắc chồng sẽ khiến chồng làm ăn lụn bại".

Cứ như vậy, dần dần thành ra Nam kén vợ cho... mẹ. Nên ngoài 30 tuổi, anh đã bỏ qua bao người trong mộng chỉ vì mẫu thân. Và hiện tại vẫn đang trên đường đi tìm "một nửa" sao cho phù hợp với cả hai mẹ con anh.

Chưa "công thành danh toại" chưa kết hôn

Khác với hai trường hợp trên, Quốc Huy (35 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) không đòi hỏi nhiều ở bạn đời, song lại quá kì vọng vào bản thân mình.

Với Huy, việc quan trọng nhất của người đàn ông phải là sự nghiệp. Nhà có đông anh em, lại là con trưởng , Huy tự giao cho mình trách nhiệm phải làm trụ cột trong gia đình. Nên anh cho hay: “Khi nào công thành danh toại, mua được nhà anh mới nghĩ đến chuyện kết hôn”.

Tuy nhiên, tính Huy bộc trực, nóng nảy nên dù giỏi giang, hơn chục năm làm việc Huy vẫn chưa được cất nhắc lên chức vụ cao, mãi vẫn đì đẹt với mức lương tầm tầm. Nếu muốn đủ tiền xây nhà, có lẽ Huy phải mất thêm 10 năm nữa.

Nhiều bạn bè cũng khuyên Huy đừng quá nguyên tắc, rất nhiều cặp vợ chồng phải kết hôn, sinh con xong mới gây dựng nên cơ nghiệp. Song Huy đều gạt đi hết, nhất mực bảo thủ: “Nếu kinh tế chưa vững chắc, tôi quyết không lấy vợ. Không có tiền, không thể hạnh phúc được!”.

Kết quả, đã hơn một lần Huy phải hát bài “người yêu đi lấy chồng”. Anh chàng cứ lần lượt tiễn hết cô này đến cô khác lên xe hoa. Đơn giản vì chẳng cô gái nào chờ đợi được đến ngày Huy “công thành danh toại”.

Theo Hoàng Nhi
Zing
Chia sẻ