Chuyện những anh chồng "yếu" mà... sĩ

,
Chia sẻ

Anh Dương hơi kém 'khoản đó' nhưng vợ có mua rượu tắc kè tẩm bổ thì anh nhất định không uống. Nhưng sau lưng vợ, anh lén dốc hầu bao, mua chai rượu bìm bịp để ‘cải thiện tình hình’.

Hôm vợ anh dọn tủ mới tá hỏa phát hiện ra chai rượu “bảo bối” được bọc báo cũ cẩn thận, giấu sau những chồng bát đũa mới mua. Hiền – vợ anh Dương hỏi thì anh chối quanh, nói là rượu của người bạn đi du lịch mang cho nhưng không dùng. Khi vợ băn khoăn: “Chai rượu này đã vơi đi quá nửa rồi?” thì anh mới “cứng lưỡi” đáp “ừ ừ” rồi chuyển qua gắt gỏng: “Chuyện của người ta, hỏi gì mà lắm thế”.

Biết chồng xấu hổ nên Hiền cũng không vặn vẹo thêm. Công việc duy nhất của Hiền là ngồi chờ vì cô nghĩ, đàn ông anh nào chả sợ bị vợ chê “yếu”, có đi khám hoặc dùng thuốc thì cũng lén lút, chứ không dám thừa nhận mình “kém”. Nếu Hiền càng thúc đẩy, động viên, tìm thuốc nọ, chỉ thầy kia thì chồng càng “lủi” nhanh và cáu bẳn vì “không yếu sao cứ bảo yếu”.

Anh Tuấn (Đông Anh, Hà Nội) diện mạo khá “ngon lành”. Anh cao trên 1,7m, do luyện tập thể hình nên có cơ có bắp; thế nên chẳng ai biết anh “chưa ra gió đã xìu”, ngoài vợ anh. Mỗi lần chuông điện thoại từ hội “buôn dưa” của vợ đổ inh ỏi, anh lại được một phen giật mình. Anh Tuấn lý luận rằng, nếu các bà vợ chuyện nọ, chuyện kia thì thể nào cũng có lúc, các cô “đá” sang “chuyện mặn”. Biết đâu sau đó, cái sự “yếu” của anh sẽ là chủ đề để “đám đàn bà” than thở, trách móc, giận hờn. Một đồn mười, mười đồn trăm nên cũng không biết chừng, vài ngày tiếp theo, anh Tuấn sẽ “nổi” như cồn khắp khu phố vì cái “khoản yếu”.
 

Cũng ví cái ám ảnh ấy mà mỗi khi tivi có mục “tráng dương, tăng cường sức khỏe” là anh Tuấn vớ vội lấy điều khiển, đổi kênh xoành xoạch. Ngay cả những tiết mục quảng cáo thuốc hỗ trợ sinh lực đàn ông, với anh cũng chẳng đáng quan tâm. Đấy là trước mặt vợ, anh “ra oai” vậy thôi chứ sau lưng, thấy chỗ nào có thuốc hay, thầy tốt là anh ghi ghi, chép chép, đánh dấu đỏ rất cẩn thận.

Ánh Lam (nhân viên văn phòng, Đà Nẵng) không khỏi tức vì chồng “yếu” nhưng luôn lấy cớ khi cô “đòi hỏi”: “Anh sợ em mệt. Thôi, ngủ sớm để mai còn đi làm. Sức của em, công việc căng thẳng cả ngày, chắc cũng mệt rồi”.

Cả tháng trời “ngủ chay” không thấy chồng có ý kiến, Lam quyết định chọn lúc vợ chồng vui vẻ nhất để thổ lộ nỗi lòng. Cô động viên chồng có vấn đề gì thì nên cởi mở để cả hai cùng bàn bạc, tìm cách giải quyết nhưng chồng vẫn khăng khăng: “Anh không sao cả”.

Ấm ức vì chồng không hợp tác trong khi anh xã vì sĩ diện nhất định không chịu nói ra, thành thử chuyện chăn gối bỗng dưng nguội lạnh không rõ nguyên nhân khiến Lam hoảng hốt. Hàng trăm câu hỏi như “anh ấy có bồ?”, “anh ấy chê mình xấu”; thậm chí, “anh ấy bị gay” được Lam tự chất vấn trong lòng. Cuối cùng, thời gian trôi đi mà đáp án vẫn chưa sáng tỏ.

Ứng xử khi "phong độ" của chồng tụt dốc

Chuyện nam giới im lặng, không thừa nhận mình “yếu” là tâm lý phổ biến và cũng không có gì khó hiểu. Không phải các anh chồng không biết “bệnh” của bản thân mà vì sợ hình ảnh của mình sẽ “suy yếu” đi trong mắt vợ. Điều này khiến nam giới mất tự tin, căng thẳng, hoang mang và giải pháp nhiều anh chọn là “coi như không có chuyện gì” mặc nỗi tủi hờn, ấm ức của vợ.

Phụ nữ luôn xem xét tình cảm vợ chồng trong sự cảm thông. Do đó, nếu người chồng hợp tác, chia sẻ nỗi lòng và tìm cách khắc phục với vợ thì người vợ sẽ thấy được chồng tin tưởng, tôn trọng, thương yêu. Ngược lại, khi người chồng im lặng, người vợ có cảm giác bị chồng bỏ rơi, bị chồng xúc phạm và coi thường. Người vợ càng muốn khám phá, làm sáng tỏ nguyên nhân thì chồng càng cố giấu kỹ. Mâu thuẫn tâm lý trái ngược giữa hai giới, nếu không biết cách dung hòa sẽ khiến vợ chồng xa cách, lạnh nhạt với nhau.

Đàn ông luôn muốn mình nhất về mọi thứ. Chính vì thế, họ sẵn sàng che giấu với người bạn đời mọi thất bại xảy đến với bản thân. Không riêng gì chuyện phòng the, chuyện thất bại trong công việc hay gây ra lỗi nào đó cũng được các anh “giấu nhẹm”. Hiểu được tâm lý này, chị em không nên vì chuyện chồng “yếu” mà chê bai, trách móc nặng lời; cũng tránh thúc ép chồng phải ăn món này, gặp thầy nọ… Hãy để cho anh ấy có thời gian để tìm cách giải quyết rắc rối, trừ khi, đối phương cần trợ giúp, người vợ mới nên tham gia. Còn không, chỉ cần gợi ý, không dè bỉu, cố gắng thông cảm, đừng động vào “điểm yếu” của chồng… đã là cách giữ hạnh phúc tốt nhất.

Theo Mevabe

Chia sẻ