Chuyện người may cờ Tổ quốc nơi ranh giới hai miền Nam Bắc
Trong mưa bom bão đạn, khi đất nước tạm chia thành hai nửa, có một chàng trai tuổi đôi mươi đã lặng lẽ giữ lá cờ Tổ quốc tung bay trên cột cờ vĩ tuyến 17.
Chàng trai năm ấy là ông Nguyễn Đức Lãng, nay đã gần 90 tuổi, ở TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Ông Lãng dành gần 15 năm cuộc đời để may và bảo vệ những lá cờ Tổ quốc trên cột cờ Hiền Lương - vĩ tuyến 17. Với ông, lá cờ là niềm tin, là hy vọng miền Nam sẽ được giải phóng, vì vậy "bằng mọi giá phải giữ cho cờ được tung bay nơi giới tuyến".

Ông Lãng ký tặng lá cờ tự may cho một bạn trẻ (Ảnh: Dế Mèn Du Ký)
Khi tuổi trẻ chọn ở lại dưới bóng cờ Tổ quốc
Đôi bàn tay chai sạn với nhiều nếp nhăn của ông Lãng khẽ mở ngăn tủ, ông lấy ra một lá cờ Tổ quốc đã bạc màu, dường như được may từ mấy mươi năm trước.
Nâng niu lá cờ trên tay, ông Lãng vẫn nhớ như in ngày mình nhận nhiệm vụ đặc biệt này: "Hồi đó thấy bạn bè đi chiến đấu chỗ nọ chỗ kia, tôi cũng ưng đi bươn chải chứ có ưng ngồi một chỗ đâu. Nhưng mà sau nghĩ lại, mình may cờ ở Hiền Lương thì bà con miền Nam, miền Bắc đi qua đều thấy được. Lá cờ này là biểu tượng linh hồn của Tổ quốc, vẫy gọi đồng bào miền Nam và cả nước vươn lên đấu tranh thống nhất nước nhà".
Thế là, chàng trai mới độ 20 tuổi khi ấy, đều đặn mỗi tháng 5 lần, đạp xe vượt cả ngàn cây số từ Đặc khu Vĩnh Linh (Quảng Trị) ra tận thủ đô Hà Nội nhận vải về may cờ. Ông Lãng cùng bà con đào hầm, đêm đêm ngồi may cờ dưới ánh nến mập mờ để sáng đem ra treo ở Kỳ đài Hiền Lương.

Cầu Hiền Lương từng là ranh giới tạm thời chia cắt hai miền Nam – Bắc suốt hơn 20 năm (Ảnh: Nhật Minh)
Những năm tháng lịch sử, cột cờ Hiền Lương và lá cờ Tổ quốc trở thành mục tiêu của nhiều cuộc tấn công. Bom đạn từ phía bên kia sông liên tục nhắm vào, khiến cột cờ nhiều lần hư hỏng, lá cờ bị rách nát.
Tính từ ngày 19/5/1956 đến ngày 28/10/1967, đã có 267 lá cờ được treo ở cột cờ Hiền Lương. Trong đó, năm 1967 có 11 lần thay cột cờ, 42 lần thay lá cờ vì bị bom và pháo phá hỏng.
Với lòng kiên định, ông Lãng cùng đồng đội luôn nhanh chóng sửa chữa, thay thế cờ. "Có lần đang đưa cờ đến treo, tôi gặp máy bay Mỹ thả bom, phải quẳng xe đạp nhảy xuống ruộng ẩn nấp. Sống chết trong gang tấc là thế, nhưng chúng tôi không thể nào để cờ Tổ quốc ngừng tung bay", ông Lãng kể lại.
Cuộc "chọi cờ" quyết liệt giữa hai bờ
Sau Hiệp định Geneva năm 1954, giới tuyến quân sự tạm thời được vạch ra tại sông Bến Hải - cầu Hiền Lương. Suốt hơn một thập kỷ, nơi này diễn ra một cuộc "đọ sức" đặc biệt - không bằng súng đạn, mà bằng những lá cờ.
Ở mỗi bên bờ Nam - Bắc, người ta không ngừng nâng cao cột cờ, làm lớn hơn từng tấc lá cờ đỏ sao vàng phía Bắc hay lá cờ ba sọc phía Nam. Hễ một bên dựng cột cờ cao hơn, bên còn lại tìm cách vươn cao hơn nữa.

Vĩ tuyến 17 - khát vọng hòa bình (Ảnh: Nhật Minh)
Theo ông Lãng, có lần phía bên kia xây hẳn một kỳ đài bằng xi-măng cốt thép cao 30 mét, trên đỉnh treo cờ Việt Nam Cộng hòa có đèn neon nhấp nháy đủ màu như một lời khiêu khích. "Sau đó hơn 1 năm, chúng tôi lắp đặt cột cờ cao hơn bằng ống thép, 32 mét, trên đỉnh gắn ngôi sao năm cánh bằng đồng cùng 15 bóng điện loại 50W", ông Lãng thuật lại.
Về sau, cột cờ bờ Nam nâng lên 35 mét thì bờ Bắc cũng dựng trụ cờ mới cao 38,6 mét. Lúc này, phía bờ Nam đành chịu thua vì "không đủ can đảm để leo lên treo cờ ở một độ cao lớn như thế", ông Lãng kể. Vì vậy, cả hai cột cờ cùng dừng lại ở 2 độ cao đó.
Ông Lãng tự hào cho hay: "Ngắm lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên cao vút, đồng bào đôi bờ Nam Bắc ôm nhau reo mừng, ai cũng chảy nước mắt. Lá cờ là biểu tượng của lòng tự tôn, của tinh thần bất khuất giữa thời chiến. Đây cũng là điểm mốc để đồng bào miền Nam trông về".
Những ngày tháng tư, sức khỏe của ông Lãng không còn được tốt. Ông phải thường xuyên ra vào bệnh viện, đôi lúc không còn đủ hơi để kể trọn một câu chuyện xưa. Thế nhưng trong trái tim của người giữ cờ năm ấy, ngọn lửa yêu nước vẫn chưa bao giờ thôi cháy.
Với ông Lãng, khi lá cờ Tổ quốc còn tung bay, thì hồn nước vẫn còn đó, vẹn nguyên và bất diệt.

Lá cờ Tổ quốc bên bờ Hiền Lương tung bay trong gió (Ảnh: Minh Thư - Nhật Minh)
Lá cờ "để tang"
Vào một đêm đầu tháng 9/1969, ông Lãng bất ngờ được gọi lên Ban chỉ huy. Ngồi chờ khoảng 2 tiếng thì ông hay tin Bác Hồ đã mất. Ông được cấp trên giao nhiệm vụ may một dải khăn tang để đeo lên cờ Hiền Lương.
"Đó là kỷ niệm tôi nhớ nhất, là ký ức đau buồn nhất trong đời may cờ của tôi. Khi đó, tôi vừa may vừa khóc. Vào thời khắc lá cờ rủ đeo tang được kéo lên, tất cả bà con hai bờ đều ra đứng nhìn và không ai kìm được nước mắt", ông Lãng rưng rưng.