Chuyên nghiệp như... cò tàu dịp Tết
Do nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết, nhiều nhà xe ở TP HCM phải tăng cường xe về các điểm nóng như Quy Nhơn, Bình Định, Đà Nẵng nhưng vẫn không đủ phục vụ người dân.
Vé xe gần hết
Hãng xe Phương Trang cho biết đã phải tăng cường 104 xe, trong đó 34 xe giường nằm đời mới, cộng với 70 xe ghế ngồi cao cấp. Số xe giường nằm sẽ ưu tiên những tuyến đi miền Trung như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang.
Theo ông Nguyễn Công Đỉnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải và du lịch Phương Trang, ngoài 500 xe đang hoạt động trên 30 tuyến từ Đà Nẵng trở vào, hãng sẽ tăng cường thêm xe từ ngày 20 tháng chạp đến rằm tháng giêng. "Do lượng khách đi vào dịp Tết tăng 2-3 lần so với ngày thường nên đa phần tuyến đi miền Trung đã hết vé kể cả vé xe đã tăng cường. Hiện nay chỉ còn vé đi Nha Trang và một số tỉnh miền Đông, miền Tây", ông Đỉnh nói.
Công ty TNHH vận tải Hoàng Long cho hay đã tăng 50 xe đò vào chở khách tuyến bến xe miền Đông (TP HCM) đi Hà Nội. Hiện còn nhiều vé ghế ngồi đi từ 24 tháng chạp đến giáp Tết, riêng vé giường nằm đã hết.
Còn Công ty Kumho - Samco đã tăng thêm ba xe đi tuyến TP HCM - Quảng Ngãi nhưng đến nay chỉ còn ít vé cho tuyến đường này.
Một hãng xe thương hiệu khác là Mai Linh hiện cũng không còn vé đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Theo ông Nguyễn Đỗ Phương, trợ lý chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh, năm nay Mai Linh đã cắt giảm một số tuyến hoạt động không hiệu quả và bán bớt lượng xe đường dài đã cũ nên không có xe để tăng cường cho dịp Tết.
Cò tàu hoành hành
Từ cổng Ga Sài Gòn, dễ dàng nhận ra đội “cò” vé ngay ở cửa bán vé của ga. Người phụ nữ gầy gò, da rám nắng nhanh miệng: “Em muốn đi ngày nào, bao nhiêu vé chị cũng có hết”. Thấy chúng tôi có vẻ lưỡng lự, người này bồi thêm: “Vé có sẵn ở chỗ chị rồi, mua là có liền, không phải đợi ngày lấy”. Chúng tôi thử hỏi mua 2 vé đi Quảng Ngãi vào ngày 22 tháng Chạp thì được ra giá 660.000 đồng/vé, trong đó 412.000 đồng là tiền vé, còn 250.000 đồng là tiền công, nếu mua 2 vé thì tiền công sẽ là 500.000 đồng.
Quanh khu vực Ga Sài Gòn, cò vé có mặt ở khắp nơi, từ quán cà phê đối diện ga, cổng ga, cho đến cửa bán vé, với đủ thủ đoạn chèo kéo khách. Anh Hải, làm nghề tự do, cầm chiếc vé từ Sài Gòn đi Đà Nẵng ngày 25 tháng Chạp, hớn hở bước ra từ quán cà phê đối diện ga, cho chúng tôi biết, từ ngày 10/12 đến nay, anh đã dùng đủ cách để mua vé. Bắt đầu từ mua qua đăng ký trực tuyến, đặt vé qua điện thoại đến tới tận ga để mua, nhưng cả tuần anh vẫn không với tay được đến chiếc vé để về quê ăn Tết. Trong khi đang lóng ngóng ở phòng vé, anh gặp “cò”. “Sau khi thỏa thuận, tôi được ra giá, ngoài tiền vé phải trả thêm tiền công 450.000 đồng, sau đó theo người thanh niên ra quán cà phê để giao dịch. Mất oan 450.000 đồng, nhưng bù lại có vé và không phải chầu chực mất thời gian nữa. Tôi hoàn toàn bất ngờ trước những “cò” vé quá chuyên nghiệp. Họ cho tôi xem bảng giá vé, lịch chạy tàu không khác gì trong phòng bán vé của ga”, anh Hải nói.
Anh T., một tài xế taxi, bức xúc: “Nhà ga nói dẹp nạn cò vé, nhưng vé chợ đen năm nào cũng nhộn nhịp. Mất công chờ đợi mà không mua được vé nên rất nhiều người đành bấm bụng bỏ thêm vài trăm nghìn để mua vé qua “cò” cho… chắc ăn".
Chỉ mặt một vài “cò” vé, anh nói tiếp: “Ngày nào từ sáng sớm họ cũng túc trực, không hoạt động riêng lẽ mà các “cò” chia thành từng nhóm có phân công công việc rõ ràng, từ người mồi chài khách đến người tư vấn bán vé, rồi người thu tiền giao vé, có khi còn tốt hơn cả phòng bán vé trong ga nữa”.
Vì mua vé tàu Tết Quý Tỵ quá vất vả, nhu cầu vé chợ đen cao, nên xe ôm, hàng nước, hàng rong cũng tham gia môi giới vé chợ đen. Những người này đều có mối quan hệ với các phe vé khác nhau và được chia từ 20 -30 % tiền môi giới. Đáng nói là với đa số khách hàng, sau thời gian mệt mỏi vì phải chờ đợi đã tìm đến với vé chợ đen. Song không ai biết những chiếc vé này đâu sẽ là vé thật, đâu sẽ là vé giả.
Cách phân biệt vé tàu thật- giả
Tội phạm thường sử dụng vé thật, cạo sửa, đánh bay chữ rồi dập chữ mới lên vé tàu. Mức độ chuyên nghiệp của chúng “siêu” đến nỗi phải nhìn thật kỹ và sờ vào mặt vé mới thấy dấu hiệu khác thường. Nếu thấy tấm vé tàu có vết cạo nhám ở các ô có thông tin quan trọng: ngày giờ đến và đi, số ghế thì hành khách phải đặt dấu hỏi và kiểm tra lại ngay.
Vé tàu Tết giả có màu nhạt hơn vé thật; mặt sau tấm vé giả có đóng dấu mộc vuông của một đại lý bán vé tàu còn vé thật thì không.
Theo đại diện Ga Sài Gòn, nhằm hạn chế vé chợ đen lộng hành, nhà ga đã có qui định ghi số chứng minh nhân dân và tên người đi tàu lên vé. Vào dịp cao điểm Tết, Ga Sài Gòn sẽ kiểm tra triệt để, những vé nào không đúng theo tên và chứng minh nhân dân của người đi tàu đều không hợp lệ.