Chuyện lạ ở Vĩnh Phúc: Thị trấn chỉ được làm đám cưới trong 2 ngày
Thay vì thuê thầy chọn ngày đẹp, ngày tốt, người dân ở thị trấn Yên Lạc, Vĩnh Phúc chỉ được tổ chức đám cưới vào 2 ngày cố định trong tháng.
Với người Việt, chuyện cưới hỏi được xem là trọng đại. Trước ngày cưới, nhà trai thường đi xem ngày để chọn ngày tốt, mong cuộc sống sau này của đôi uyên ương được thuận buồm xuôi gió.
Tuy nhiên tại một vùng quê, chuyện xem ngày dường như vô nghĩa khi tất cả các đám cưới trong thị trấn chỉ được phép diễn ra vào ngày mùng 2 và 16 âm lịch hàng tháng.
Nếu như người địa phương khác ngạc nhiên và cho rằng quy định cứng nhắc, bất tiện thì người dân thị trấn Yên Lạc, Vĩnh Phúc lại rất hài lòng về quy định này. Hơn 20 năm kể từ khi quy định được đưa ra và áp dụng trong đời sống, hàng trăm đám cưới đã diễn ra trong 2 ngày đặc biệt đó.
Một góc thị trấn Yên Lạc, Vĩnh Phúc.
Ông Phùng Đức Tình (SN 1957, thôn Đoài, thị trấn Yên Lạc) chia sẻ: "Theo quy ước của địa phương, đám cưới chỉ được tổ chức vào hai ngày trong tháng (lịch âm) là mùng 2 và 16. Vào các tháng 10, 11 (cao điểm mùa cưới), người dân có thể tổ chức thêm vào hai ngày nữa là ngày mùng 10 và 22".
Ngoài quy định về thời gian, trước đây, trong quy ước của thị trấn còn có thêm các quy định về đám cưới như: Không tổ chức dài ngày, không ăn uống linh đình, không hút thuốc lá, không sử dụng nhạc sống, không sân khấu đèn nhảy, không sử dụng loa có công suất lớn.
"Nhưng quy định ngày cưới này chỉ áp dụng cho các gia đình có con trai. Trường hợp gia đình có con gái cưới người ở địa phương khác thì không bắt buộc theo ngày của địa phương.
Nếu gia đình nhà trai và gái đều ở thị trấn Yên Lạc, hai gia đình đều phải tuân theo quy định của thị trấn", ông Tình nói thêm.
Theo sự hướng dẫn của người dân, chúng tôi tìm gặp ông Phạm Văn Tiệp - nguyên Bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Lạc. Ông Tiệp được xem là ‘cha đẻ’ của các quy định kỳ lạ này ở Yên Lạc.
"Những năm 1996 - 1997, kinh tế địa phương phát triển, người dân đua nhau tổ chức đám cưới linh đình cho con, cháu. Việc này gây tốn kém thời gian, kinh phí.
Người dân nơi đây chủ yếu làm nghề mộc, nếu cho cưới tất cả các ngày, nhà nọ có đám thì nhà kia phải hoãn công việc để đi ăn cỗ liên miên.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình mê tín, khi có đám cưới đua nhau xem ngày đẹp. Bởi vậy chúng tôi nảy ra ý định chọn ngày sẵn là ngày mùng 2 và 16 âm lịch. Những ngày này xưa nay là ngày tốt. Vào các tháng cao điểm mùa cưới, người dân có thêm 2 ngày nữa để tổ chức.
Quy định này được đưa ra bàn bạc, sau đó chúng tôi tổ chức họp dân, xin ý kiến. Đa số người dân đồng ý, thị trấn mới đem ra áp dụng. Thời gian này mất khoảng vài tháng", ông Tiệp cho biết.
Quy định từ khi đi vào áp dụng đã giúp người dân giảm bớt chi phí, thời gian cho việc cưới hỏi. Người dân không còn cảnh nghỉ việc đồng áng, việc cơ quan để đi ăn cưới ảnh hưởng đến công việc, sản xuất.
Ông Tiệp cũng phân tích thêm: "Việc chỉ tổ chức đám cưới trong các ngày quy định cũng giúp các gia đình tính toán được số khách mời sẽ tham dự. Ví dụ họ định mời anh A. nhưng vì cùng thị trấn, họ biết hôm đó anh A. cũng có đám cưới của người nhà, không thể dự đám cưới của mình nên số mâm cỗ sẽ được giảm xuống, nhằm tiết kiệm chi phí cho gia đình".
Nguyên Bí thư Đảng ủy thị trấn nói thêm: "Trước kia, nơi đây còn có quy định cô dâu mặc áo tân thời thay cho váy cưới. Quy định này là do áo tân thời sau đám cưới có thể dùng trong các việc đi họp hội phụ nữ, đi chơi…
Trong khi đó, cô dâu thuê áo cưới mất từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng hoặc việc may váy cưới còn tốn kém hơn nhưng chỉ mặc 1 lần.
Nhiều cô dâu lấy chồng trong thị trấn do yêu thích vẫn thuê váy cưới mặc chụp ảnh nhưng trước khi đón dâu, họ cởi ra, mặc áo tân thời về nhà chồng.
Quy định không thuê nhạc sống, loa đài… cũng vì mục đích tránh ồn ào, lãng phí cho người dân. Tuy nhiên sau này, do nhu cầu của các gia đình nên một số quy định đã được lược bỏ.
Hiện, chỉ còn quy định tổ chức trong 2 ngày cố định của tháng còn được người dân thực hiện". Ông Tiệp có 3 con trai và các con ông đều tổ chức đám cưới theo 2 ngày mà thị trấn quy định.
Việc này cũng dẫn đến chuyện "chạy sô" ăn đám cưới ở thị trấn. Vào 2 ngày trong tháng, thị trấn Yên Lạc như có hội khi đường làng, ngõ xóm nhộn nhịp với các đám cưới.
Ông Ngô Văn Cường, tổ trưởng tổ dân phố 3, thôn Đoài, thị trấn Yên Lạc.
"Cao điểm có những đợt chúng tôi nhận được thiệp mời của 7, 8 đám cưới diễn ra cùng một ngày. Gia đình tôi có bao nhiêu người đều phải chia ra đi đám cưới. Trường hợp không đi được, chúng tôi gửi tiền mừng. Gia chủ đều rất thông cảm", ông Ngô Văn Cường (SN 1966) - tổ trưởng tổ dân phố 3, thôn Đoài, thị trấn Yên Lạc chia sẻ.
Vị tổ trưởng này cho biết thêm, các con của ông đều tổ chức đám cưới theo tục lệ của thị trấn. Quy định này được người dân ủng hộ, chỉ những người kinh doanh loa đài, rạp cưới áo cưới… bị ảnh hưởng.
Ví dụ 1 tháng, người kinh doanh dịch vụ cưới hỏi có thể phục vụ khoảng 18 - 20 đám cưới nhưng nay cưới trong 2 ngày, họ chỉ làm được 2 đám cưới.
Về phía người dân, họ lại không gặp khó khăn trong việc thuê rạp cưới, bát đĩa… bởi có thể thuê mượn ở các xã, huyện lân cận.
"Hầu hết các gia đình đều tuân thủ. Một số ít gia đình tổ chức chệch 1, 2 ngày so quy định sẽ bị loa truyền thanh của địa phương nhắc nhở và có thể bị phạt một khoản tiền nhỏ", ông Cường nói thêm.
Ông Nguyễn Thái Dũng - PCT UBND thị trấn Yên Lạc, cho biết: "Việc tổ chức đám cưới 2 ngày trong tháng được người dân hưởng ứng. Vào hai ngày này, thị trấn vui như trẩy hội. Trước đây, quy ước này có cấm mặc váy cô dâu trong ngày cưới nhưng năm 2010, do cuộc sống ngày càng khá giả hơn và bà con cho rằng, cả đời cô dâu chỉ cưới 1 lần, cần phải mặc đẹp, lộng lẫy nên chúng tôi đã sửa đổi và bỏ quy định cấm mặc váy cưới". |