Chuyên gia WHO chỉ ra nguyên nhân dịch Covid-19 tăng theo “chiều thẳng đứng” ở Ấn Độ
Biến thể mới với khả năng lây lan nhanh chóng cùng các dấu hiệu ban đầu bị bỏ qua đã khiến số ca mắc và số ca tử vong tăng theo “chiều thẳng đứng” ở Ấn Độ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang dấy lên cảnh báo về biến thể virus SARS-CoV-2 đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ, hiện đang lan rộng ra toàn cầu. Biến thể B.1.617 "có thể là biến thể gây lo ngại bởi nó có chứa một số đột biến làm tăng khả năng lây nhiễm", nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan nhận định.
Những đột biến này có nguy cơ khiến biến thể mới "chống lại các kháng thể do vaccine tạo ra hoặc các kháng thể tự nhiên", bà Soumya Swaminathan cho hay.
Một giàn hỏa táng bệnh nhân tử vong vì Covid-19 tại Ajmer, Rajasthan, Ấn Độ ngày 8/5. Ảnh: Getty
Tuy nhiên, thậm chí cả khi các vaccine hiện tại không hoạt động hiệu quả trước biến thể B.1.617 so với các chủng virus ban đầu thì việc tiêm nhiều vaccine hơn vẫn sẽ giúp giảm sự lây lan của dịch bệnh và khiến các ca bệnh này nhẹ hơn. Các nhà khoa học đều nhất trí rằng đây là một lý do mà Ấn Độ cần nhiều vaccine hơn.
Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ đã gọi B.1.617 là một biến thể "đáng quan tâm" nhưng cho tới nay chưa đưa vào "biến thể gây lo ngại" như đối với biến thể B.1.1.7 (được phát hiện lần đầu ở Anh), biển thể B.1.351 (được phát hiện ở Nam Phi) và biến thể P.1 (được phát hiện ở Brazil). Tuy nhiên, gần đây CDC đã khuyến cáo hạn chế đi lại từ Mỹ tới Ấn Độ, đồng thời dẫn ra mối lo ngại về khả năng lây nhiễm của các biến thể ở đây. Nhà Trắng đã dừng hầu hết việc đi lại từ Ấn Độ tới Mỹ ngày 4/5.
"Đây là một biến thể có tốc độ lây lan vô cùng nhanh chóng", chuyên gia Swaminathan đánh giá.
Dù vậy, biến thể B.1.617 không hoàn toàn là nguyên nhân cho đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 hiện nay ở Ấn Độ mà còn có một số nhân tố khác dẫn đến sự tăng vọt số ca mắc và số ca tử vong ở Ấn Độ, trong đó có "các hoạt động xã hội và sự tập trung đông người".
"Những dấu hiệu ban đầu đã bị bỏ lỡ cho tới khi số ca tăng theo chiều thẳng đứng. Ở thời điểm này, rất khó để đối phó và ngăn chặn khi dịch bệnh liên quan đến hàng chục nghìn người và lây lan theo cấp số nhân".
Mặc dù biến thể B.1.617 dễ lây lan hơn các chủng virus trước đó nhưng việc tiêm vaccine có thể khiến tình trạng bệnh của những người nhiễm biến thể này ở mức độ nhẹ hơn.
Hiện các nhà khoa học về virus hàng đầu thế giới lo ngại rằng nếu thế giới không được tiêm đủ vaccine, các đột biến mới gây lo ngại khác có thể tăng lên và vaccine có thể không hiệu quả nữa. Khi virus lan rộng, nó sẽ có nhiều cơ hội hơn để thoát khỏi sự bảo vệ miễn dịch mà chúng ta có.
Ấn Độ chỉ mới tiêm vaccine đầy đủ cho 2,6% dân số trong khi Mỹ đã tiêm vaccine đầy đủ cho 1/3 dân số nước này.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ cho biết hôm 9/5 rằng, các nhà sản xuất vaccine cần nhanh chóng gửi hàng trăm triệu liều vaccine tới Ấn Độ.
"Hồi kết cho dịch bệnh này là khi mọi người đều được tiêm vaccine", ông Fauci nhận định với chương trình This Week của ABC.