Nhiễm Rubella khi mang thai: Bỏ hay giữ?

Theo PNO,
Chia sẻ

Nhiễm Rubella luôn là mối lo của các thai phụ. Họ càng phân vân hơn khi lời khuyên từ các nhà chuyên môn trái ngược nhau. Vì sao có tình trạng này? Những thông tin dưới đây sẽ giúp phụ nữ mang thai hiểu thêm về vấn đề này.

Rubella: những điều cần biết

Tiến sĩ – bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Phó Khoa Sản A, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết, Rubella là bệnh nhiễm trùng gây ra bởi virus thuộc nhóm Rubivirus, đặc trưng bởi sốt phát ban. Rubella còn được gọi là bệnh Sởi Đức (German Measles) hay sởi 3 ngày, vì đặc trưng của bệnh phát ban 3 ngày sẽ hết. Virus Rubella ảnh hưởng đến sự phát triển bào thai, có thể gây thai chết lưu, sẩy thai, sinh non, trẻ mang dị tật bẩm sinh. Bệnh đặc biệt nguy hiểm khi người mẹ mang thai trong 13 tuần lễ đầu bị nhiễm Rubella cấp. Virus gây bệnh có thể qua nhau đến thai nhi gây hội chứng Rubella bẩm sinh (HCRBS). HCRBS gồm các dị tật bẩm sinh quan trọng như: mắt (đục thủy tinh thể), tai (điếc), tim mạch, não (tật đầu nhỏ), gan lách to, viêm não màng não… Độ trầm trọng của các dị tật tùy thuộc vào giai đoạn tuổi thai nhiễm virus, nguy cơ này có thể chiếm đến 90% nếu mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu thai kì.

Vacxin ngừa rubella được chế tạo từ virus gây bệnh Rubella sống, làm giảm độc lực. Do đó, để an toàn cho thai nhi, không nên tiêm ngừa Rubella khi mang thai. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thường được khuyên nên dùng biện pháp tránh thai trong 3 tháng sau khi tiêm ngừa Rubella, hoặc ít nhất 1 tháng sau tiêm ngừa.
 

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp phát hiện có thai ngay sau tiêm ngừa. Cho đến nay, trên thế giới vẫn chưa ghi nhận trường hợp trẻ bị hội chứng Rubella bẩm sinh do mẹ tiêm ngừa Rubella khi mang thai. Vì thế, vẫn nên tiếp tục giữ thai và khám thai định kỳ.

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc, Phòng Khám, Viện Pasteur TP.HCM cho biết ở những người bình thường nếu nhiễm Rubella sẽ không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu đang mang thai, nguy cơ trẻ bị ảnh hưởng nặng nề rất cao. Phụ nữ bị nhiễm virus Rubella trong giai đoạn sớm của thai kỳ, có đến 90% nguy cơ lây truyền virus cho thai nhi. Có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng lên sự phát triển thai như: sẩy thai tự nhiên, thai chết lưu, chậm phát triển hoặc gây hội chứng Rubella bẩm sinh. Trẻ sinh ra với hội chứng rubella bẩm sinh sẽ có những khiếm khuyết nặng nề như điếc (thường nhất), ngoài ra còn có thể khiếm khuyết mắt, tim, não, thần kinh vận động… Các nguy cơ này càng cao nếu nhiễm virus trong tam cá nguyệt đầu, giảm dần vào các tam cá nguyệt sau.

Nhiễm Rubella khi mang thai: bỏ thai hay giữ?

Có bác sĩ khuyên nên bỏ thai khi bị nhiễm Rubella nhưng cũng có bác sĩ khuyên nên giữ thai. Bác sĩ sản phụ khoa Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Phòng khám Quốc tế Victorian cho rằng, lý do có sự trái ngược này vì tùy thuộc vào thời kì thai phụ nhiễm Rubella và thiếu sự cập nhật thông tin giữa bác sĩ với chuyên ngành.

Thai bị ảnh hưởng hay không tùy thuộc vào thời điểm nhiễm rubella. Dựa theo Hướng dẫn thực hành lâm sàng của Hội sản phụ khoa Canada về Rubella và thai kỳ, cho thấy: nếu nhiễm Rubella ở thời kỳ thai dưới 11 tuần tuổi: nguy cơ chiếm 90 %; thai 11- 12 tuần: nguy cơ chiếm 33%; thai từ 13-14 tuần tuổi: nguy cơ chiếm 11%; thai 15-16 tuần: nguy cơ chiếm 24%; thai trên 16 tuần: hầu như chưa ghi nhận có tình trạng nào bị ảnh hưởng từ Rubella.

Y văn thế giới cũng ghi nhận nhiều trường hợp sau khi tiêm ngừa Rubella mới phát hiện có thai. Theo khuyến cáo của thế giới, sau tiêm ngừa rubella ít nhất 1 tháng mới nên có thai. Tuy nhiên, đó là những nguy cơ từ lý thuyết. Y văn thế giới cũng thừa nhận sau khi hồi cứu những trường hợp tiêm ngừa xong mới phát hiện có thai, những đứa trẻ sinh ra đều không bị ảnh hưởng từ vacxin ngừa trên. Vì vậy, các nhà sản phụ khoa thường khuyến cáo theo dõi thai đúng chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không bỏ thai.

Cuối cùng, chuyên gia sản phụ khoa cho rằng, khi có kết quả cho thấy bị nhiễm Rubella trong thai kỳ, thai phụ nên bình tĩnh để nghe tham vấn từ các nhà chuyên môn có hiểu biết và kinh nghiệm đầy đủ rồi mới quyết định. Bên cạnh đó, các bác sĩ đảm nhận tư vấn cũng cần cập nhập thông tin liên tục, khi tư vấn không nên phân tích nửa vời khiến bệnh nhân có quyết định lệch lạc.
 

Nếu bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe tâm sinh lý giới tính cần được tư vấn xin gửi về mail: suckhoe@afamily.vn

Chia sẻ