Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu: Mỗi người hãy tự hỏi mình câu này trước khi "mang hộ" bất cứ thứ gì

MINH NGỌC,
Chia sẻ

Trong sinh hoạt hàng ngày tại nơi công cộng, nhất là tại các sân bay, nhà ga… mỗi người đều cần cảnh giác, đừng ngại từ chối trông hộ, giữ hộ, xách hộ người lạ những chiếc vali, túi xách, đồ đạc hàng hóa nếu mình không thể biết được bên trong có gì.

Những ngày qua, tâm điểm dư luận vẫn là vụ 4 tiếp viên Vietnam Airlines xách tay 11,4 kg ma túy trên chuyến bay từ Pháp về nước. Cộng đồng mạng “dậy sóng” bởi việc thẩm lậu ma túy vào Việt Nam thông qua tiếp viên hàng không là chưa từng có tiền lệ.

Sau khi họ được trả tự do, nhiều người đã đặt câu hỏi là làm thế nào để chứng minh sự vô can, ngoại phạm, nếu lỡ thứ hàng hóa mà mình vận chuyển lại thành ra hàng cấm. “Tình ngay, lý gian” là tình huống không ít người đã gặp phải trong đời sống và sự thật không phải lúc nào cũng dễ dàng được tìm ra. Vì vậy, theo Chuyên gia Tội phạm học - Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, cảnh giác cao độ chính là chìa khóa giúp chúng ta tránh khỏi những tình huống không mong muốn.

Từ vụ tiếp viên hàng không "mang hộ" hành lý xách tay: Chuyên gia tội phạm cảnh báo, cảnh giác không thừa - Ảnh 1.

TS. Đào Trung Hiếu (Nhà văn, Nhà báo, Chuyên gia tội phạm học, Cục truyền thông CAND, Bộ Công an)

SỰ VIỆC HY HỮU

Nhắc lại vụ việc trên, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu thông tin, hôm 16/3, khi các tiếp viên trên chuyến bay VN 10 từ sân bay Paris Charles de Gaulle (Pháp) hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất lúc 8h10, chất cấm được nhà chức trách phát hiện trong các vali thông qua soi chiếu bằng các thiết bị chuyên dụng. Hàng trăm tuýp kem đánh răng chứa tổng cộng 11,4kg ma túy tổng hợp nằm trong hành lý của các tiếp viên Võ Tú Quỳnh, Trần Thị Thu Ngân, Nguyễn Thanh Thủy và Đặng Phương Vân.

Cụ thể, valy của các tiếp viên Quỳnh và Thủy đều có 43 hộp kem đánh răng mang nhãn "Signal Expert White", bên trong có 31 hộp chứa nhiều viên thuốc lắc, trọng lượng khoảng 2,18kg; 12 hộp còn lại chứa ketamine, trọng lượng khoảng 1kg. Trong hành lý của Ngân có 780 gram thuốc lắc; hành lý của Vân có hơn 2 kg thuốc lắc, 2 kg ketamine và cocain.

Theo thông tin cơ quan chức năng cung cấp cho báo chí, các tiếp viên này đã khai nhận có một đồng nghiệp làm chung hãng đã trao đổi, thỏa thuận với họ để nhận một lô hàng kem đánh răng này để đưa về Việt Nam với thù lao vận chuyển hơn 10 triệu đồng. Số hàng kem đánh răng sau đó được chia ra cho từng người vận chuyển và bị phát hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất khi hạ cánh.

Cơ quan điều tra cũng đã triệu tập, làm việc với người môi giới đưa số hàng từ Pháp về TP. Hồ Chí Minh, kết quả xác định người này ở Việt Nam và nhận mối từ bên Pháp trước khi liên hệ với một trong số các nữ tiếp viên để vận chuyển. Bên cạnh đó, các tiếp viên cũng cung cấp các đoạn tin nhắn có nội dung phản ánh sự thỏa thuận tiền công vận chuyển hàng.

Từ vụ tiếp viên hàng không "mang hộ" hành lý xách tay: Chuyên gia tội phạm cảnh báo, cảnh giác không thừa - Ảnh 2.

Ma túy ngụy trang trong tuýp thuốc đánh răng mới bị phát hiện

Được biết, thời gian gần đây hàng không đã trở thành tuyến trọng điểm về vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam.

Qua điều tra xác định hầu hết các vụ thẩm lậu ma túy đều nằm dưới sự kiểm soát của người nước ngoài và đã hình thành các tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Các đối tượng đã gửi ma túy qua đường hành lý xách tay của khách nhập cảnh, xuất cảnh, du học sinh, người đi công tác tại nước ngoài. Đặc biệt, có những vụ việc các đối tượng còn lợi dụng người nước ngoài mắc bệnh hiểm nghèo để vận chuyển ma túy nhập cảnh vào Việt Nam...

Chẳng hạn, ngày 28/11/2022, tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Cục Hải quan TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Công an TP Hà Nội kiểm tra 2 lô hàng được vận chuyển qua đường hàng không, phát hiện khoảng 7,8kg nghi ma túy tổng hợp.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên phát hiện ma túy được chính tiếp viên hàng không cầm theo hành lý xách tay về nước. Sau khi sự việc được phát hiện, các tiếp viên vi phạm và số ma túy tang vật đã được cơ quan Hải quan bàn giao cho Phòng CSĐT tội phạm về ma túy - Công an TP Hồ Chí Minh để thụ lý theo thẩm quyền.

CÂU CHUYỆN PHÁP LÝ

Quá trình điều tra đến ngày 22/3 cả 4 tiếp viên đã được trả tự do. Đây là tình huống vận dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong Tố tụng hình sự Việt Nam. Theo đó, nếu chứng cứ buộc tội chưa chắc chắn, rõ ràng thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải suy đoán theo hướng có lợi cho chủ thể.

Khoa học điều tra tội phạm đã chứng minh nguyên lý đối với người bình thường về thể chất, trí tuệ thì cái xảy ra bên trong (tâm lý nội tâm) sẽ được thể hiện ra bên ngoài bằng hành vi. Vì vậy, việc làm rõ hành vi bên ngoài sẽ xác định được điều gì bên trong đã thúc đẩy và dẫn dắt hành động.

Từ vụ tiếp viên hàng không "mang hộ" hành lý xách tay: Chuyên gia tội phạm cảnh báo, cảnh giác không thừa - Ảnh 3.

Các hãng hàng không cần khẩn trương rà soát lại các biện pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tăng cường bồi dưỡng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên.(hình tư liệu)

Trong trường hợp này, cả 4 tiếp viên đều khai không biết số hàng do mình vận chuyển là ma túy vì được ngụy trang dưới hình thức kem đánh răng. Lời khai của họ phù hợp với tài liệu, chứng cứ khác, đó là tin nhắn phản ánh nội dung giao dịch nhờ chuyển hàng từ Pháp về Việt Nam với tiền công hơn 10 triệu đồng, cùng với lời khai của nhân viên cùng hãng đã thuê họ vận chuyển số hàng này.

Với các tình tiết trên, có cơ sở để nhận định về ý thức chủ quan của số tiếp viên này, đó là họ không biết số hàng do mình vận chuyển là ma túy.

Luật hình sự Việt Nam không chấp nhận “quy tội khách quan”, nghĩa là xử lý hình sự một người chỉ vì người đó có hành vi nguy hiểm cho xã hội, mà không xét đến yếu tố lỗi.

Trong mọi vụ án hình sự, việc xác định yếu tố lỗi là bắt buộc. Một người được coi là có lỗi, nếu hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ thực hiện, là kết quả của sự lựa chọn trong điều kiện tự do về ý chí và bình thường về thể chất, lý trí (có năng lực pháp luật và năng lực hành vi). Nghĩa là trong điều kiện hoàn toàn có thể lựa chọn một cách xử sự phù hợp với đòi hỏi của pháp luật, nhưng họ vẫn lựa chọn cách gây nguy hại cho xã hội.

Căn cứ để xử lý hình sự một người phụ thuộc vào yếu tố lỗi, ngoài hành vi nguy hiểm và các điều kiện khác về chủ thể, khách thể của tội phạm.

Đối với tội "vận chuyển trái phép chất ma túy" quy định tại Điều 250 – BLHS năm 2015 thì người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp, nghĩa là họ nhận thức được số hàng hóa mà mình vận chuyển là ma túy và mong muốn thực hiện được hành vi vận chuyển đó.

Vì vậy, nếu những người vận chuyển hoàn toàn không biết được hàng nhờ xách tay là ma túy và có đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh là mình không biết, không cố ý thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Do đó, việc cơ quan CSĐT – Công an TP Hồ Chí Minh vận dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội” để trả tự do cho 4 tiếp viên là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, cần hiểu rằng nếu sau này hoạt động điều tra mà thu thập được những tài liệu, chứng cứ chứng minh ý thức chủ quan của họ biết số hàng đó là ma túy, thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ sẽ được thực hiện.

Từ góc độ nghiên cứu tội phạm học, chúng tôi cho rằng khi nhận lời vận chuyển số hàng hóa kem đánh răng về nước, rất có thể các tiếp viên đã chịu sự chi phối của các yếu tố tâm lý như: tưởng số hàng đó là “vô hại”; tham chút tiền công; bản thân và đồng nghiệp đã từng vận chuyển hàng xách tay (trốn lậu thuế) trước đây mà không hề hấn gì nên coi xách hàng như một cách gia tăng thu nhập, dù biết trái với quy định, kỷ luật lao động của ngành hàng không; thiếu hiểu biết, chưa trải sự đời, không lường được những éo le trong cuộc sống.

HÃY TỰ ĐẶT CÂU HỎI VỚI CHÍNH MÌNH

Hiện nay thủ đoạn vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy rất tinh vi, ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng túi trà, thực phẩm chức năng, đồ uống... nên rất khó nhận biết bằng mắt thường. Bọn tội phạm thường lợi dụng phương thức giao hàng công nghệ; nhờ trông giữ, xách tay hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.

Bên cạnh đó, những người vận chuyển hàng hóa (shipper) cũng thường xuyên đối diện với nguy cơ vô tình vận chuyển các đơn hàng mà khi bị kiểm tra mới phát hiện ra đó là chất cấm như ma túy, chất nổ, vũ khí...

Khi bị cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện đang vận chuyển chất cấm hay hàng hóa cấm lưu hành, rất khó khăn cho người vận chuyển chứng minh sự vô tình, ngoại phạm của mình. “Tình ngay, lý gian” đó là tình huống đã nhiều người gặp phải.

Khi đó, để chứng minh sự trong sạch, vô can của mình đối với số hàng hóa là ma túy hay chất cấm khác, thì người vận chuyển phải xuất trình được các tài liệu, chứng cứ như thông tin liên hệ của người gửi hàng và người nhận hàng; thông tin trao đổi về việc gửi hàng; chứng cứ chứng minh về việc nhận tiền công vận chuyển; chứng cứ xác định về việc đã kiểm tra hàng hóa trước khi vận chuyển; tài liệu, chứng cứ về hóa đơn, chứng từ của hàng hóa...

Khi được nhờ cầm hộ hay vận chuyển hàng hoá, mỗi người cần đề cao cảnh giác và đặt ra câu hỏi nếu chẳng may đây là hàng cấm thì cần làm gì để chứng minh ngoại phạm cho mình.

Từ vụ tiếp viên hàng không "mang hộ" hành lý xách tay: Chuyên gia tội phạm cảnh báo, cảnh giác không thừa - Ảnh 4.

Cảnh giác không thừa khi có người nhờ mang hộ hành lý (Ảnh tư liệu minh họa)

Để phòng ngừa tình huống bị lợi dụng để vận chuyển hàng cấm, trước khi đồng ý cần làm rõ người gửi hàng là ai, nhờ chuyển cho ai. Cần yêu cầu ghi rõ, cụ thể họ tên, số điện thoại, địa chỉ, số CCCD; làm rõ lý do gửi mình chuyển hàng hộ; đặt câu hỏi vì sao lại nhờ mình, quan hệ các bên có đủ độ tin cậy, thân thiết để nhờ vả hay không.

Quá trình trao đổi, giao dịch nhất thiết phải ghi âm lại các đối thoại, chụp ảnh điện thoại người gửi hàng, lưu lại các tin nhắn nhờ vả (nếu có).

Tiếp theo cần kiểm tra tận mắt, tận tay xem đó là loại hàng hoá gì. Không dễ tin vào lời trình bày của người gửi, cần nhớ rằng sự nể nang có thể mang đến những rủi ro.

Với những hàng hóa mà bằng mắt thường khó có thể xác định chủng loại, chất lượng thì có thể yêu cầu xuất trình tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Nếu vẫn không yên tâm thì từ chối vận chuyển. Mọi người không nên vì tham chút lợi ích vật chất mà tự đẩy mình vào các rủi ro pháp lý.

Với những lời đề nghị càng hấp dẫn, chẳng hạn như tiền công vận chuyển cao bất thường thì càng phải cảnh giác.

Trong sinh hoạt hàng ngày tại nơi công cộng, nhất là tại các sân bay, nhà ga… cần cảnh giác và nên từ chối trông hộ, giữ hộ, xách hộ người lạ những vali, túi xách, đồ đạc hàng hóa nếu mình không thể biết được bên trong có gì.

Bởi vì khi đi qua các cửa kiểm soát an ninh, việc phát hiện mang theo hàng cấm sẽ đem đến rất nhiều rủi ro pháp lý, bởi vì chủ nhân thực sự của số hàng đó đương nhiên sẽ phủ nhận mọi sự liên quan.

Đối với các hãng xe khách, xe vận tải hàng hóa, khi tiếp nhận hàng hóa gửi theo xe, cần yêu cầu người gửi ghi rõ các thông tin cá nhân, số CCCD của người gửi, người nhận, số điện thoại. Đồng thời nên ghi âm lại các cuộc giao dịch, trao đổi với khách hàng.

Đối với nghề phi công, tiếp viên hàng không, do đặc thù nghề nghiệp thường xuyên di chuyển đến các quốc gia, vùng lãnh thổ, nên mỗi người phải nghiêm túc chấp hành kỷ luật công tác, tuyệt đối không vận chuyển hàng hóa xách tay với bất kỳ lý do nào.

Các hãng hàng không cần khẩn trương rà soát lại các biện pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tăng cường bồi dưỡng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên.

Công tác kiểm soát tổ bay cần phải được tăng cường bằng các biện pháp kiểm tra nội bộ, kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất hành lý của tổ bay trước khi bay và sau khi kết thúc chuyến bay, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định. Khi có vụ việc xảy ra, hãng hàng không phải chủ động đánh giá, rút kinh nghiệm và phổ biến rộng rãi tới tất cả cán bộ, nhân viên để làm bài học cảnh tỉnh.

Qua đó nâng cao ý thức chấp hành quy định về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, đồng thời rà soát, bổ sung các quy định, kế hoạch để bịt kín các lỗ hổng nếu có.

Chia sẻ