Chuyên gia thung lũng Silicon: Ép con học nhiều lợi đâu chưa thấy, chỉ khiến cha mẹ “méo mặt” vì LÝ DO này
“Cảm giác cơ thể kiệt quệ” là điều mà nhiều bậc cha mẹ than phiền trong hành trình nuôi dạy con.
Có kinh nghiệm nhiều năm trong nghiên cứu tâm lý, cựu Giáo sư Kinh tế của Đại học Brown, đồng thời là nhà Kinh tế học, nhà Khoa học dữ liệu ở Thung lũng Silicon, Nate Hilger cho biết: “Cảm giác cơ thể kiệt quệ” là điều nhiều bậc cha mẹ than phiền trong hành trình nuôi dạy con.
Từ việc chọn trường, chọn lớp, theo dõi các bài kiểm tra, tìm hiểu sở thích và lập kế hoạch cho con khiến các ông bố bà mẹ rơi vào "stress". Ông Nate Hilger không ngừng đặt câu hỏi: Điều gì khiến việc nuôi dạy con trở thành công việc đòi hỏi cường độ cao về thể chất và tinh thần? Điều này có cần thiết không? Nếu phải làm, cha mẹ có thể giảm bớt gánh nặng cho mình không?
Là một nhà kinh tế, ông thích nhìn giáo dục từ góc độ đầu tư: Nếu chúng ta coi giáo dục trẻ em như một "ngành công nghiệp", thì cha mẹ có 2 nhiệm vụ quan trọng là chăm sóc con cái và phát triển các kỹ năng của chính bản thân. Việc nuôi dạy trẻ không giống như mua chiếc ô tô, bạn trả tiền và nhận được xe. Nó không chỉ đòi hỏi đầu tư tài chính mà còn đòi hỏi cả sự kiên trì.
Khi việc nuôi dạy con ngày càng phức tạp thì yêu cầu về tính chuyên nghiệp ngày càng cao. Ông Nate Hilger tin rằng điều cha mẹ cần làm không phải là gánh thêm trách nhiệm mà là thoát khỏi những kỳ vọng vô lý để nuôi dạy con một cách khoa học.
Để nuôi dạy con tinh tế, cha mẹ bắt buộc phải thành chuyên gia trong mọi lĩnh vực
Ngoài cha mẹ, trẻ cần nhiều chuyên gia giúp phát triển các kỹ năng khác nhau: Giáo viên, cố vấn, huấn luyện viên và đôi khi là bác sĩ, y tá,...
Tuy nhiên, ông Nate Hilger nhận thấy, trường học - môi trường trẻ gắn bó chưa thực sự giải quyết hiệu quả vấn đề này. Ông quan sát các trường công ở Mỹ và thấy trẻ em chỉ dành 10% thời thơ ấu ở trường, và 90% thời gian ngoại khóa đều do cha mẹ giám sát, tổ chức và quản lý. Do đó, cuộc đấu tranh thực sự diễn ra bên ngoài khuôn viên trường.
Với trẻ em từ các gia đình có điều kiện kinh tế tốt, cha mẹ thường có trình độ học vấn cao để hỗ trợ con làm bài tập về nhà hoặc đăng ký cho con chương trình ngoại khóa chất lượng, chưa kể đến các trại hè, thể thao và các nguồn tài nguyên khác. Nếu cha mẹ không muốn con kém cỏi thì chỉ có thể lựa chọn mua dịch vụ hoặc tự mình làm. Với gia đình không có điều kiện tốt, cha mẹ gần như phải làm mọi thứ, họ đã trở thành những siêu nhân toàn năng.
Nhiều ông bố bà mẹ phải thức trắng đêm nghiên cứu chương trình học của con, nắm vững giáo trình mới có thể kèm con được. Đối với họ, công việc này áp lực không kém gì khi đi làm ở công sở. Rồi khi con khôn lớn, cha mẹ tiếp tục phát triển bản thân để trở thành chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục, bậc thầy giao tiếp,... nhằm hỗ trợ con một cách tốt nhất.
Annette Lareau - Giáo sư Xã hội học tại Đại học Pennsylvania (nước Mỹ) đã quan sát thấy rằng, việc nỗ lực nuôi dạy con trở nên hoàn hảo khiến cha mẹ rơi vào gánh nặng lớn về mặt cảm xúc và thể chất.
Giáo dục ngày càng chuyên sâu, cha mẹ càng khó đưa ra quyết định đúng đắn
Từ giáo dục mầm non được quan tâm ngay từ khi sinh ra, đến việc quản lý sự phát triển thể chất, quản lý dinh dưỡng, thói quen học tập và kỹ năng xã hội của trẻ ngày càng xuất hiện nhiều phương pháp và hướng dẫn chuyên nghiệp. Khi tiếp nhận nhiều nguồn thông tin, cha mẹ vẫn khó thực hiện được hoặc phải chật vật trong thời gian dài.
Hơn thế, việc nắm chính xác tình trạng học tập của trẻ không phải là điều dễ dàng. Cha mẹ không có kinh nghiệm như giáo viên trong việc giảng dạy trẻ nên rất khó truyền tải kiến thức một cách dễ hiểu. Nhiều cha mẹ lại không chú ý đến sức khỏe tinh thần của trẻ, chỉ theo đuổi thành tích học tập.
Điều kiện kinh tế cũng ảnh hưởng lớn đến giáo dục. Đặc biệt gần đây, nhiều công ty sa thải nhân viên khiến không ít phụ huynh phải lập lại kế hoạch đầu tư cho việc học của con . Nếu cha mẹ bị sa thải, kế hoạch học tập trong tương lai có thể bị hạ cấp hoặc tổn hại. Tuy nhiên, ngay cả khi họ bất ngờ trúng vé số hàng triệu USD, họ cũng khó thay đổi ngay cách giáo dục con của mình.
Ông Hilger mô tả hoàn cảnh hiện tại của các bậc cha mẹ - một CEO phải quản lý mọi công việc: Giúp con học tập, giúp con xin việc, giải đáp mọi thắc mắc của con,... Hàng ngày, họ phải giải quyết nhiều việc và thường xuyên phải đưa ra những quyết định quan trọng mà chưa qua bất kỳ một khoá đào tạo chuyên môn nào.
Giáo dục không nên là cuộc cạnh tranh chỉ có một người chiến thắng
Đối mặt với thời đại nuôi dạy con cái khắc nghiệt ngày nay, ông Hilger đưa ra nhiều gợi ý. Điều các bậc cha mẹ thiếu là sự trợ giúp chuyên nghiệp, nên việc cung cấp các dịch vụ là điều đương nhiên. Chẳng hạn như: Dịch vụ dạy kèm sau giờ học chất lượng cao cho trẻ em, khoá học theo sở thích với mức chi phí hợp lý,...
"Giáo dục là một trò chơi chỉ có một người chiến thắng, nếu không thành công sẽ thất bại", từ xưa đến nay, khái niệm này không chỉ làm tăng gánh nặng cho cha mẹ và con cái mà còn làm giảm cơ hội để trẻ phát triển các kỹ năng khác. Thay vì bỏ hết trứng vào một giỏ, ông Hilger tin rằng việc đầu tư công sức và tiền bạc hơn vào bản thân cha mẹ và con cái sẽ hiệu quả hơn thay vì gây áp lực trong chuyện học tập.
Chuyên gia Kinh tế học khuyên các bậc phụ huynh hãy tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp bất cứ khi nào có thể bởi chúng ta sẽ thiếu kiến thức chuyên môn về nhiều mặt. Ngoài ra cần có sự thay đổi trong nhận thức của chính các bậc cha mẹ.
Nhiều ông bố bà mẹ lo lắng con cái đến tuổi nổi loạn, con không muốn hình thành thói quen sinh hoạt tốt và thậm chí không muốn nói chuyện với cha mẹ... Bài học đầu tiên mà ông Nate Hilger hướng dẫn phụ huynh là hãy nói với con: "Cha/mẹ yêu con". Việc này đơn giản nhưng mang hiệu quả vô cùng lớn.
Mặt khác, việc đầu tư cho trẻ cũng cần được sắp xếp hợp lý trong học tập, sinh hoạt để trẻ có thời gian nghỉ ngơi và phát triển. Điều này giúp trẻ không gặp những mối nguy hại như: Béo phì, thiếu tập trung, trầm cảm, các vấn đề về giấc ngủ,...