Chuyên gia tâm lý nói: Nhiều đứa trẻ mất đi động lực sống là do cha mẹ mắc phải sai lầm này trong quá trình nuôi dạy!
Là người lớn, vai trò của cha mẹ không phải là ép buộc con cái đi theo những lộ trình đã vạch ra, mà là giúp chúng phát triển các kỹ năng để tìm ra con đường của riêng mình.
Rất nhiều cha mẹ thế hệ cũ ít được học cao, hoàn cảnh gia đình và điều kiện kinh tế không mấy khá giả nên nuôi dạy con theo kiểu "thả rông". Thế nhưng họ vẫn nuôi dạy ra được những tài năng xuất chúng.
Vậy tại sao thế hệ cha mẹ hiện nay được học hành cao hơn và điều kiện kinh tế tốt hơn lại vướng bận, lo lắng và mất kiểm soát khi tự mình nuôi dạy con cái?
Tiến sĩ William Stixrud, một nhà Tâm lý học thần kinh lâm sàng làm việc tại Trung tâm Y tế Quốc gia Trẻ em và trường Đại học Y khoa - ĐH George Washington (Mỹ) và Ned Johnson, Chủ tịch và nhà sáng lập công ty Prep Matters, tin rằng chúng ta đang nuôi dưỡng một thế hệ mới trong bối rối và lo lắng.
Ngày càng có nhiều "bà mẹ hổ", "bố mẹ trực thăng" kiểm soát con cái theo ý riêng (trên danh nghĩa vì lợi ích của con cái), nuôi dạy con thiếu mục đích và định hướng, tạo nên một thế hệ thiếu tự chủ và không có "nội lực".
Những chuyên gia này cho rằng, chìa khóa để giải quyết vấn đề này chính là cha mẹ ngừng can thiệp, cho trẻ tự do lựa chọn và ra quyết định nhiều hơn.
Hãy là "cố vấn" của trẻ thay vì làm "sếp"
Tiến sĩ William Stixrud cho biết, trẻ em chỉ có thể thực sự phát triển "quyền tự chủ" khi chúng cảm thấy có thể chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình và có được hướng đi mà chúng muốn trong cuộc đời.
Trong hơn ba mươi năm qua, ông đã tư vấn tâm lý cho hàng ngàn gia đình khác nhau. Nhiều phụ huynh phàn nàn: "Tôi ghét khoảng thời gian sau bữa tối ở nhà, vì nó giống như Thế chiến vậy". Ngòi nổ của "chiến tranh" thường là do bài tập ở trường, và những cuộc cãi vã vô nghĩa khiến con cái và cha mẹ đối đầu với nhau.
Tiến sĩ William Stixrud thường khuyên các bậc cha mẹ thay đổi cách diễn đạt: "Bố mẹ có thể giúp gì cho con?" thay vì ra lệnh. Cha mẹ nên ngừng làm "ông chủ" hay "người quản lý" của con cái và thử đóng vai trò "cố vấn". Họ nên tôn trọng trẻ, trao cho trẻ nhiều quyền tự chủ hơn, để trẻ nhận ra đây là bài tập về nhà của chính mình và trẻ phải hoàn thành, còn cha mẹ sẽ chỉ ở bên giúp đỡ.
"Buông tay" là điều rất khó đối với nhiều bậc cha mẹ. Họ cảm thấy rằng thế giới đang nguy hiểm hơn bao giờ hết, vì vậy đứa trẻ phải được giám sát liên tục để đảm bảo không bị tổn thương hoặc đưa ra những quyết định sai lầm. Họ lo lắng về thành tích học tập của con cái, liệu con có thể được nhận vào các trường đại học ưu tú hay không và có thể tìm được một công việc tốt hay không.
Theo Tiến sĩ William Stixrud, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng không có mối liên hệ nào giữa việc học đại học của trẻ với thành công về tài chính hoặc nghề nghiệp trong tương lai, hoặc thậm chí là sự hài lòng và hạnh phúc trong cuộc sống sau này của trẻ. Ông cho rằng thật sai lầm khi các bậc cha mẹ nghĩ rằng con cái họ phải vào những trường đại học ưu tú nhất để có tương lai bằng bất cứ giá nào. Thực tế là chúng ta không thể ép con hóa rồng, chỉ có thể bồi dưỡng dần tính chủ động và chọn hướng làm việc theo sở thích của trẻ.
Tiến sĩ Stixrud đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu khi các con của ông còn học tiểu học: Điểm số ở trường có rất ít hoặc không có mối tương quan nào với thành công sau này. Ông nói với đứa trẻ:
"Bố muốn xem học bạ của con, nhưng không coi trọng nó. Bố đánh giá cao những nỗ lực của con để phát triển bản thân và quan trọng hơn, để phát triển và mở rộng ranh giới của cuộc đời mình. Nếu con muốn trở thành một vận động viên hay một nhạc sĩ, hoặc bất cứ điều gì khác mà con cho là quan trọng, thì bố sẽ coi trọng những lý tưởng đó của con, bởi vì nó là động lực từ nỗ lực tự phát của chính con, sẽ giúp con thành công thay vì chạy theo điểm số".
Theo Tiến sĩ Stixrud, hãy dạy trẻ rằng có nhiều con đường dẫn đến thành công và những thất bại tạm thời không sao cả. Dưới sự nuôi dạy như vậy, con gái của Stixrud nhận bằng Tiến sĩ kinh tế tại một trường đại học danh tiếng.
Tương tự, con trai của Tiến sĩ Stixrud có thành tích ở tiểu học không tốt, thậm chí còn gặp khó khăn khi tốt nghiệp. Stixrud cũng khuyến khích con mình theo cách tương tự. Ông tin rằng trẻ nên được truyền cảm hứng về cách học, hạn chế mạng xã hội và game, tận dụng thời gian ở nhà và tiếp thu kiến thức từ nhiều kênh. Sau đó, con trai ông nhận bằng Tiến sĩ tâm lý và trở thành một người thành đạt.
Reed Larson, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu động cơ học tập và tập trung của thanh thiếu niên, đã kết luận rằng nếu trẻ em cống hiến hết mình cho những điều chúng thích, chúng sẽ phát triển trí não, cải thiện khả năng tập trung và không có áp lực. Vì vậy, trao cho trẻ quyền tự chủ, để trẻ tìm được ngành học yêu thích và định hướng học tập phù hợp, tạo môi trường học tập vui vẻ cho trẻ mới có thể nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc.
Trao lại "quyền kiểm soát" cho con
Stixrud và Johnson đã phát hiện ra trong nghiên cứu của họ rằng ngay cả những đứa trẻ học giỏi cũng thiếu động lực học tập thực sự. Nhiều người phàn nàn rằng họ không kiểm soát được cuộc sống của mình. Một số người vào được một trường đại học danh tiếng rồi bỏ học hoặc tốt nghiệp một trường đại học tốt và không thể tìm thấy con đường của mình trong cuộc sống.
Học khu Palo Alto ở Hoa Kỳ là một trong những học khu tốt nhất ở Thung lũng Silicon. Hai trường trung học công lập ở đây là Palo Alto High School và Gunn High School rất nổi tiếng. Đặc biệt về xếp hạng STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), trường Trung học Gunn đứng trong top 10 ở Hoa Kỳ và hơn 30 học sinh tốt nghiệp được nhận vào Stanford mỗi năm. Nhiều bậc cha mẹ chi hàng triệu đô la để mua những khu nhà đắt tiền xung quanh trường, tham vọng gửi con vào các trường Ivy League, Stanford hay MIT.
Vào thời điểm mà các bạn cùng trang lứa vẫn đang chơi trò chơi của tuổi vị thành niên, những đứa trẻ ở khu học chánh hàng đầu Thung lũng Silicon này chỉ muốn nổi bật trong các môn học và hoạt động ngoại khóa vì sợ không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ, sợ trượt các trường danh tiếng sẽ bị gán mác "thất bại".
Điều mà các em có không phải là động lực từ trái tim, mà là sự lo lắng, bất lực và thất vọng, rồi dẫn đến tuyệt vọng. Chúng phải chịu những áp lực vượt xa những gì mà lứa tuổi có thể chịu đựng, nhưng không có cách nào giành lại quyền "kiểm soát" từ cha mẹ mình.
Trong mười năm qua, tỷ lệ tự tử ở Khu học chánh Palo Alto cực cao. Năm 2009-2010, Học khu Palo Alto có 5 học sinh trung học tự tử trong khoảng bảy tháng. Các nhà chức trách đã làm rất nhiều việc để ngăn chặn, nhưng trong năm 2014-2015 đã có một loạt các vụ khác ở học sinh trung học. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 80% học sinh tại các trường trung học ở Thung lũng Silicon mắc chứng lo âu và trầm cảm từ trung bình đến rất nặng.
Tại sao nhiều sinh viên xuất sắc lại đi vào ngõ cụt? Tiến sĩ Stixrud tin rằng khi trẻ cảm thấy bất lực và choáng ngợp, trẻ trở nên thụ động hoặc bỏ cuộc... Khi bị tước đi khả năng đưa ra những lựa chọn có ý nghĩa, trẻ rất dễ trở nên lo lắng, thiếu phản ứng, đầy giận dữ và thay đổi bản thân theo hướng tiêu cực.
Mặc dù có rất nhiều nguồn lực và cơ hội mà cha mẹ cung cấp, nhưng trẻ không phát triển được vì thiếu ý thức kiểm soát cái tôi của mình. Áp lực học hành có thể không phải là lý do duy nhất khiến những học sinh trung học này tự tử, nhưng áp lực học hành có thể là giọt nước tràn ly, bóp nát thần kinh vốn đã mong manh của các em.
Căng thẳng mãn tính có thể tàn phá não bộ, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nó giống như khi ta cố gắng trồng một cái cây lớn trong một cái chậu nhỏ, áp lực của không gian nhỏ có thể làm suy yếu sự phát triển của cây và gây ra những hậu quả có hại.
Tất cả chúng ta đều muốn cảm thấy rằng chúng ta đang kiểm soát vận mệnh của chính mình. Con cái chúng ta cũng vậy. Nhiều bậc cha mẹ sẽ nói với con cái rằng chúng phải tự chịu trách nhiệm về việc học tập và cuộc sống của mình, tự quản lý tốt bản thân. Nhưng sau đó, họ bắt đầu quản lý bài tập về nhà, các hoạt động sau giờ học và những người bạn mà con cái mình nên có.
Theo thời gian, trẻ sẽ thấy rằng chúng không cần phải chịu trách nhiệm về việc học tập và cuộc sống của chính mình. Thiếu kiểm soát và cảm giác bất lực có thể gây khó chịu và căng thẳng, không chỉ gây tổn hại cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái mà còn gây nguy hiểm cho sức khỏe tâm thần của chúng trong tương lai.
Trong 6 thập kỷ qua, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ được "chịu trách nhiệm" có nhiều cảm xúc tích cực hơn, động lực bên trong lớn hơn và khả năng kiểm soát hành vi tốt hơn. Đây là những điều giúp cải thiện kết quả học tập và thành công trong sự nghiệp.
Là người lớn, vai trò của cha mẹ không phải là ép buộc con cái đi theo những lộ trình mà chúng ta đã vạch ra, mà là giúp con phát triển các kỹ năng để tìm ra con đường của riêng mình, hình thành thói quen, lối sống và suy nghĩ lành mạnh để tiếp tục phát triển. Khi mọi thứ không diễn ra như kế hoạch, chúng sẽ tự điều chỉnh hướng đi, trở thành "người điều khiển" của chính mình.