Chuyên gia tâm lý chỉ ra cách để trẻ vui vẻ đến trường
Khi trẻ không muốn đến trường sau kỳ nghỉ dài, cha mẹ đe dọa, đánh mắng chỉ làm cho mọi việc tồi tệ hơn mà thôi.
Khi trẻ không muốn đến trường sau kỳ nghỉ dài, cha mẹ đe dọa, đánh mắng chỉ làm cho mọi việc tồi tệ hơn mà thôi.
Bước vào đầu năm học mới hay những ngày đi học lại sau kỳ nghỉ lễ dài luôn là một nỗi sợ trong tâm lý các bạn nhỏ học tiểu học, thậm chí là trung học. Con đã quen với việc ở nhà, được chiều chuộng, thoải mái giờ giấc nên việc bắt con phải thích nghi với khuôn khổ, nề nếp của việc đi học khiến con cảm thấy khó khăn, mệt mỏi. Thậm chí, có trẻ cảm thấy ám ảnh với tiếng chuông báo thức dậy đi học mỗi sáng.
Con chậm chạp, ì ạch với việc đến lớp mỗi sáng. Khi đến trường thì khóc lóc, bất an, thậm chí ăn vạ, không muốn rời xa cha mẹ. Để giải quyết, cha mẹ chỉ còn cách la mắng, hù dọa để trẻ nghe lời ngay lập tức. Tuy nhiên, điều này không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến lịch trình công việc của bố mẹ mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của con trẻ lẫn phụ huynh.
Để giúp các con ổn định tâm lý trước khi đến trường cũng như dễ dàng vượt qua nỗi sợ đi học, nhà tâm lý học, nhà giáo dục người Mỹ - ông Marshall Rosenberg (06/10/1934 - 07/02/2015) đã áp dụng phương pháp “Giao tiếp bất bạo động” đối với những đứa trẻ sợ hãi việc đến trường.
Ông Marshall Rosenberg - nhà tâm lý học, nhà hòa giải, tác giả sách và giáo viên người Mỹ. Ông còn là Giám đốc Dịch vụ Giáo dục tổ chức phi lợi nhuận quốc tế Trung tâm Truyền thông Bất bạo động (NVC). Ảnh: concadoraverlag.de
Bằng cách sử dụng phương pháp “Giao tiếp bất bạo động” này, cha mẹ có thể giúp trẻ “chữa lành” nỗi sợ đến trường và “phá vỡ” những suy nghĩ gây ra cảm xúc tiêu cực như tức giận và trầm cảm bên trong trẻ. Áp dụng phương pháp này, mọi chuyện có thể được giải quyết mà cha mẹ không phải đánh mắng hay đe dọa trẻ.
Phương pháp này được ông Marshall Rosenberg áp dụng như sau:
Bước 1: Cha mẹ phải quan sát kỹ các biểu hiện của con mình
Khi một đứa trẻ nói rằng “con không muốn đi học”, trước tiên cha mẹ có thể âm thầm quan sát biểu hiện của đứa trẻ. Nếu một đứa trẻ tỏ thái độ quá bất mãn, ném sách sang một bên và nhất định không chịu học bài, thậm chí không muốn dậy để đến trường vào ngày hôm sau, hoặc có một số hành vi quá khích khác, điều đó cho thấy rằng trẻ đang rất mệt mỏi với việc học. Với trường hợp này, cha mẹ không còn cách nào khác là nhờ nhà trường hoặc chuyên gia tư vấn tâm lý can thiệp giúp đỡ. Nhưng trường hợp này rất hiếm gặp.
Nhưng, nếu trẻ chỉ nói "Con không muốn đi học" và không biểu hiện bất kỳ hành vi quá khích nào khác, trường hợp này cha mẹ vẫn có thể tự giải quyết. Đối với vấn đề này, cha mẹ có thể cho trẻ thư giãn một chút: cho con dừng việc học trước, sau đó trao đổi với con để tìm hiểu nguyên nhân khiến con chán học. Điều quan trọng, trước hết cha mẹ cần bình tĩnh quan sát và không bình luận, không nên nói những nhận xét chủ quan. Nếu không, mọi thứ sẽ đi theo chiều hướng tiêu cực hơn.
Bước 2: Cha mẹ cần cảm nhận được cảm xúc của con cái
Phương pháp "Giao tiếp bất bạo động" khuyến khích cha mẹ hãy sử dụng lời nói nhẹ nhàng để giúp con bộc lộ cảm xúc một cách trung thực. Cha mẹ hãy khuyến khích con nói rõ cảm xúc của chúng khi con không muốn đi học, và tôn trọng cảm xúc của con mình.
Ví dụ: Khi con nói: “Mẹ ơi, con không học được, con không muốn đi học nữa”, hoặc là “hôm nay học cả ngày mệt quá, con không muốn đi học nữa, con muốn nghỉ học”, cha mẹ cần bình tĩnh và tôn trọng con, không nên nổi giận sẽ phá hỏng mọi chuyện. Từ những câu nói như vậy, chúng ta có thể hiểu được tâm tư, tình cảm của trẻ.
Sau khi lắng nghe được cảm xúc thật của trẻ, cha mẹ có thể thay trẻ bộc lộ cảm xúc thật, tỏ ra đồng cảm với trẻ, chẳng hạn như "Con cảm thấy học cả ngày mệt lắm đúng không? Con muốn nghỉ ngơi một chút phải không?"
Bước 3: Cha mẹ cần thấu hiểu nhu cầu của con và tìm cách giúp đỡ con
Sau khi hoàn thành hai bước trên, cha mẹ hãy khuyến khích con đưa ra nhu cầu của bản thân và xem mình có thể giúp con như thế nào để con bớt mệt mỏi trong việc học.
Ví dụ, khi con nói: “Mẹ ơi, con không hiểu bài này”, “Mẹ ơi, con cảm thấy bài tập rất khó”. Lúc này, phụ huynh nên kiên nhẫn giảng giải cho trẻ một cách nhẹ nhàng để trẻ dễ hiểu và thích nghi với bài vở trên lớp. Khi đã cảm thấy dễ dàng hơn, trẻ sẽ không còn sợ việc học nữa.
Bước 4: Cha mẹ có thể đưa ra yêu cầu với con cái
Trong khi để con trình bày các nhu cầu của mình, cha mẹ cũng nên đưa ra những yêu cầu của riêng mình. Ví dụ, cha mẹ có thể nói với con rằng, cha mẹ hy vọng trong vòng một tuần, con hãy cố gắng thích nghi với trạng thái mới và nhanh chóng bước vào việc học, thay vì chỉ nhớ mãi những ngày nghỉ. Nếu con không làm được, chắc chắn con sẽ không được cha mẹ thưởng vào cuối tuần.
Khi trẻ thỉnh thoảng chán học và nói "con không muốn đi học", điều này là vô cùng bình thường, cha mẹ đừng nên quá lo lắng. Chỉ cần cha mẹ kiên nhẫn, quan tâm đến con cái nhiều hơn thì trẻ sẽ có thể vượt qua nỗi sợ này. Hãy nhớ rằng, việc cha mẹ la mắng con cái chẳng có ích gì, chỉ mang lại sự tiêu cực và mệt mỏi.