Chuyên gia tài chính đưa ra 2 phương án sử dụng lì xì sau Tết: Nắm rõ để chọn cách sinh lời an toàn và tốt nhất
Lựa chọn phương án tốt sẽ giúp sinh lời cao cho khoản tiền lì xì của con.
Câu hỏi tư vấn:
Tổng kết tiền lì xì của con xong, nhà mình thống nhất mua 1 chỉ vàng để dành. Cái này theo ý kiến của chồng, để mỗi năm 1 chỉ cho đến khi con 18 tuổi. Cho mình hỏi, nếu so sánh mua vàng và gửi sổ tiết kiệm với lãi kép theo năm thì lựa chọn nào sẽ tối ưu lợi nhuận hơn ạ?
Người hỏi giấu tên
Chuyên gia tài chính tư vấn
Lì xì (mừng tuổi) là nét văn hoa đặc sắc từ thời xa xưa, cho đến nay tục lệ này vẫn được lưu giữ và trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi dịp Tết. Sau Tết, lì xì thường là số tiền lớn của con nên nhiều phụ huynh cũng lưỡng lự tìm cách gửi hoặc sử dụng sao cho hợp lý nhất.
Suy tính tới điều này thì một lần nữa vàng và tiền gửi tiết kiệm là 2 kênh được mang ra cân đo đong đếm: Gửi tiết kiệm hay mua vàng? Lựa chọn nào mới là tối ưu trong giai đoạn sắp tới?
Nhận được câu hỏi của độc giả, chúng tôi đã chuyển tới chuyên gia tài chính Nguyễn Phụng Sang, hiện đang là Financial Planner (Chuyên gia tài chính) tại FiDT. Anh đồng thời cũng đang là hội viên CMA Australia. (CMA là chứng chỉ xác nhận khả năng chuyên môn sâu về Kế toán quản trị và Quản trị tài chính được cấp bởi Hiệp Hội Kế Toán Quản Trị Hoa Kỳ IMA).
Đánh giá bối cảnh của hai kênh gửi tiền này
Đối với kênh tiết kiệm, mức lãi suất điều hành của Việt Nam chỉ mới ngang bằng so với trước dịch. Hơn nữa, Fed (Cục Dự trữ Liên bang) vẫn đang có kế hoạch tăng lãi suất điều hành trong 2023 với mức đỉnh kỳ vọng 5,1%. Các biện pháp thắt chặt tiền tệ dự kiến sẽ không thay đổi trong ngắn hạn. Vì vậy, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong nước nhằm ổn định tỷ giá.
Tương tự đối với vàng, khi hoạt động kinh tế đi vào vùng suy thoái, việc đem tiền đi đầu tư gì cũng sẽ khó sinh lời, khi đó tính khan hiếm sẽ được đánh giá cao hơn dòng tiền tạo ra từ lãi suất. Ngoài ra, khi áp lực về lạm phát vẫn còn đó và chỉ mới bắt đầu có tín hiệu hạ nhiệt cùng với việc lãi suất dự kiến sẽ bình ổn từ giữa năm 2023 thì vàng sẽ vẫn là một kênh được hỗ trợ trong ngắn hạn.
Rõ ràng là với những dự báo tích cực của cả 2 kênh tài sản trong năm tới, việc lựa chọn kênh nào là tối ưu hơn để phân bổ khoản tiền lì xì của con sẽ không chỉ phụ thuộc vào kỳ vọng. Mà các bậc phụ huynh nên xem xét và dựa vào thêm 3 yếu tố cốt lõi sau đây để có thể đánh giá và đưa ra quyết định phân bổ cho hợp lý nhất.
Thứ nhất: Tính thanh khoản
Thanh khoản luôn là yếu tố quan trọng nhất trong việc phân bổ tài sản. Theo lý thuyết kinh tế, tính thanh khoản của một tài sản là khả năng quy đổi ra tiền mặt của tài sản đó. Nếu tài sản không đảm bảo tính thanh khoản, bạn sẽ có nguy cơ mắc kẹt tài chính khi cấp bách, tiếp theo là bỏ dở tiến độ công việc trong kế hoạch, một số trường hợp là bỏ lỡ những cơ hội đầu tư béo bở hay thậm chí là mất tiền.
Đối với yếu tố thanh khoản, cả vàng và tiền gửi đều được đánh giá tích cực ngang nhau.
Thứ hai: Về hiệu suất
Với việc nhu cầu vàng năm 2022 đã vượt xa bất kỳ năm nào trong 55 năm qua, cùng với thực tế giá vàng thế giới được giao dịch quanh ngưỡng 1.840 USD/ounce trong những phiên đầu năm 2023, cao nhất trong vòng 6 tháng qua. Giới quan sát nhận định, xu hướng chung đối với giá vàng là tích cực, đặc biệt khi sức mạnh của USD được dự báo sẽ suy giảm trong 2023.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tiền gửi đầu năm 2023 vẫn đang ở mức cao và chỉ được dự báo sẽ bình ổn dần từ Quý 2/2023 cũng sẽ không tạo nhiều dư địa cho giá vàng trong nước.
Thứ ba: Tính rủi ro
- Đối với vàng:
Việc đầu tư vàng tại Việt Nam bị hạn chế bởi nhiều yếu tố, hình thức đầu tư vàng khả dĩ nhất ở nước ta hiện tại chính là mua vàng vật chất. Mua ít thì chẳng giải quyết được vấn đề gì về tổng thể tài sản. Mua nhiều mà mang về nhà cất giữ trong két thì quá nguy hiểm. Chưa kể đến, việc cất giữ vàng tại nhà luôn tiềm ẩn những rủi ro như trộm cắp, cháy, nổ.
Dịch vụ gửi vàng cho ngân hàng đảm bảo được rủi ro trộm cướp hay mất mát, tuy nhiên dịch vụ này có mức phí tính theo tháng, tùy vào việc bạn muốn giữ có kỳ hạn hay không kỳ hạn. Tính cả phí rút vàng giữ hộ thì mức phí vào khoảng 0.21% - 0.27%/năm.
- Đối với tiết kiệm:
Rủi ro tín dụng: Là khi mà một ngân hàng bạn gửi tiền tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, rủi ro này ở Việt Nam là rất khó để có thể xảy ra vì đặc thù nền tảng kinh tế chính trị hiện tại.
Rủi ro tác nghiệp: So với rủi ro tín dụng thì rủi ro tác nghiệp là đáng quan ngại hơn rất nhiều. Đấy là khi nhân viên ngân hàng tác nghiệp không theo chuẩn mực (đã có tiền lệ nhân viên ngân hàng lừa đảo) dẫn đến số tiền tiết kiệm của bạn bị rút trái phép ra khỏi hệ thống ngân hàng.
Với những phân tích bên trên thì chúng ta có thể tổng hợp lại nhận định cho gia đình bạn xem xét 2 kênh này như sau:
- Vàng và tiền gửi đều là những tài sản nên có. Tuy nhiên, cần giới hạn ở mức độ phù hợp (nên là dưới 15% với vàng) để đa dạng hóa danh mục, kiểm soát rủi ro.
- Với mặt bằng lãi suất vẫn cao trong giai đoạn quý 1/2023, tiền gửi kỳ hạn 6 tháng sẽ là lớp tài sản ưu tiên. Phụ huynh có thể dùng để phòng thủ trong thời gian chờ đợi dấu hiệu phục hồi khả quan hơn từ các kênh đầu tư khác.
Với những thông tin hữu ích này, gia đình bạn và các bậc phụ huynh có thể xem xét và đưa ra lựa chọn hình thức mà mình cho là phù hợp. Chúc mọi người sẽ lựa chọn được cách sinh lời an toàn và tốt nhất!
Bài viết ghi lại từ sự tư vấn của chuyên gia tài chính Nguyễn Phụng Sang