Chuyên gia phân tích thách thức trong giải cứu đội bóng Thái Lan
Cứu người mắc kẹt trong hang bị ngập nước có thể là thách thức đơn giản nhất hoặc nan giải nhất. Trường hợp cứu 12 cầu thủ thiếu niên và huấn luyện viên Thái Lan bị mắc kẹt trong hang thuộc dạng khó khăn hiếm thấy.
Nhận định trên là của ông Anmar Mirza, điều phối viên quốc gia của Ủy ban Giải cứu Hang động Quốc gia Mỹ với 30 năm kinh nghiệm xây dựng và giảng dạy kỹ năng giải cứu trong hang động từ năm 1978.
Nguyên tắc giải cứu: Chờ đợi
Ông Mirza khẳng định cuộc giải cứu ở Thái Lan là một trong những thử thách lớn nhất mà ông từng biết tới. Tuy nhiên, cũng có một số hướng dẫn cần thiết đối với một cuộc giải cứu dường như là bất khả thi này.
Theo chuyên gia Mirza, nguyên tắc cơ bản của một cuộc giải cứu trong hang bị ngập nước là: CHỜ ĐỢI. Khi mà người mắc kẹt còn sống và an toàn ở một nơi nào đó trong hang thì việc mạo hiểm vào cứu họ chỉ khiến người giải cứu lâm nguy. Còn với người mắc kẹt đã thiệt mạng thì không có lý do gì phải mạo hiểm vào hang ngay lập tức.
Thợ lặn người Anh và lực lượng cứu hộ ngoài cửa hang. Ảnh: BBC
Với trường hợp ở Thái Lan, một cựu lính đặc nhiệm Hải quân đã tử vong trong quá trình mang bình ô xy vào hang để phục vụ công tác giải cứu đội bóng 12 người.
Để hiểu thêm về khó khăn khi giải cứu người mắc kẹt trong hang, cần phải biết một số thông tin cơ bản về hang động. Phần lớn hang động hình thành dưới sự tác động của nước. Các hang này thường tách ra khỏi đá vôi trong cả thiên niên kỷ.
Không phải hang nào cũng bị ngập nhưng một số hang có thể trở thành một dạng ống thoát nước tự nhiên. Phần lớn hang động trên thế giới nếu có nước thì dễ bị ngập thêm do mưa nhưng nước cũng rút đi tương đối nhanh. Chỉ có một vài khu vực, ví dụ như ở Đông Nam Á, khi mùa mưa kéo dài liên miên thì hang có thể bị ngập trong vài tháng trời. Hang Tham Luang ở Thái Lan là một ví dụ điển hình.
Với những người thám hiểm hang động có tổ chức, với những hang dễ bị ngập hoặc bị ngập trong một giai đoạn dài, họ sẽ tránh vào nếu có khả năng trời mưa. Thông thường người dân nói chung sẽ không được vào những hang như vậy.
Khi nghi có người mắc kẹt trong hang bị ngập, nhân viên cứu hộ có thể giám sát mực nước để biết nhiệt độ, độ sâu, mảnh vỡ hoặc bằng chứng có người mắc kẹt. Họ cũng phải theo dõi thời tiết.
Để cứu người trong hang ra, người ta có thể hạ mực nước bằng cách bơm hoặc loại bỏ chướng ngại vật để nước chảy ra. Nhân viên cứu hộ có thể tìm các lối vào khác hoặc tìm cách mở lối vào mới. Những gì các lực lượng cứu hộ Thái Lan đang làm hiện nay cũng theo hướng này.
Theo ông Mirza, trong phần lớn vụ giải cứu kiểu này, phương án chờ đợi là thường hay được sử dụng. Nhưng với lực lượng cứu hộ, họ vốn quen hành động chứ không quen chờ đợi. Sẽ có áp lực lớn từ gia đình, giới chức và báo chí buộc họ phải hành động. Áp lực này có thể khiến lực lượng cứu hộ thực hiện những biện pháp mạo hiểm.Trong đa số trường hợp ngập nước, nước sẽ sớm rút và câu hỏi sẽ sớm được trả lời: nạn nhân còn sống hay không.
Thách thức giải cứu đội bóng
Tuy nhiên, với trường hợp ở Thái Lan, chờ đợi có thể là không đủ. Đội bóng được tìm thấy còn sống cách cửa hang Tham Luang gần 2km và nước sẽ không rút trong hàng tháng trời. 10 ngày trôi qua lực lượng cứu hộ mới tìm thấy các em. Đây là điều rất bất thường với các vụ mắc kẹt trong hang ngập nước.
Đội bóng Thái Lan may mắn vì hang Tham Luang không quá lạnh, nhiệt độ cao hơn so với nhiều hang động khác và họ có nước từ nhũ đá vôi để uống.
Tuy nhiên, điều không may với họ là không ai biết bơi và lặn trong khi lặn ra ngoài là cách nhanh nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất.
Theo ông Mirza, đội cứu hộ Thái Lan dường như quá mạo hiểm khi dạy các em lặn để ra ngoài hang. Muốn làm được vậy, các em phải có thể chất cực kỳ khỏe mạnh. Bản thân thợ lặn chuyên nghiệp cũng mất vài tiếng mới vào được chỗ các em. Trong khi đó, các em sau 10 ngày hầu như không có gì ăn đã kiệt sức, đứng còn không vững chứ chưa nói tới bơi lặn.
Hơn nữa, các em sẽ phải lặn hàng trăm mét trong một khu vực tối đen, không nhìn thấy gì, vách hang lại chật hẹp. Đó là điều mà chỉ thợ lặn hang chuyên nghiệp được đào tạo hàng trăm giờ lặn mới có thể làm được. Chỉ một khoảnh khắc hoảng loạn hoặc mất dụng cụ trợ thở có thể khiến các cậu bé tử vong, kéo theo nguy hiểm cho chính người đưa các cậu bé ra ngoài.
Còn với phương án khoan lối vào hang, ông Mirza cho biết lực lượng cứu hộ sẽ cần phải đưa thiết bị rất nặng tới khu vực hang. Phải có đường đủ rộng để vận chuyển các thiết bị, phải có bản đồ rất chi tiết về bên trong hang hoặc định vị vô tuyến đặc biệt từ bên trong hang.
Còn tìm một đường mới vào trong hang cũng gian nan không kém, các lực lượng cứu hộ đã tìm đường mới hơn 10 ngày và phát hiện có một con đường mới nhưng cũng mạo hiểm không kém.
Nếu chờ nước rút, 13 người mắc kẹt có thể phải ở trong hang tới hàng tháng. Nếu thời tiết thuận lợi, việc bơm bớt nước khỏi hang tới mức an toàn cũng mất hàng tuần.
Theo ông Mirza, nếu ngập nước thêm mà đội bóng vẫn an toàn và thợ lặn có thể mang thức ăn vào cho các em thì các em có thể sống trong hang một thời gian dài. Tuy nhiên, nếu các em bị dòng nước đe dọa khi mưa rơi trở lại, lựa chọn duy nhất sẽ là lựa chọn đầu tiên và nguy hiểm nhất: lặn ra ngoài.
Trong khi đó, cả thế giới vẫn lo lắng theo dõi và chờ đợi. Những người áp lực nhất vẫn là nhân viên cứu hộ. Nếu tất cả không thoát ra ngoài an toàn, họ sẽ bị dư luận đổ lỗi.