Chuyên gia nói về yêu cầu các trường học thành lập tổ tư vấn tâm lý: Rất cần thiết!

Hiểu Đan ,
Chia sẻ

Theo chuyên gia Ngô Minh Uy, tư vấn tâm lý học đường không phải để làm cho học sinh tuân thủ 'đạo đức' mà là giúp học sinh vượt qua các trở ngại học tốt và có đời sống an lạc.

Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu trường học phải thành lập, chú trọng phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ tư vấn, trong tình hình ngày càng nhiều học sinh gặp vấn đề tâm lý trong quá trình học hoặc bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Trường học phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư vấn học đường, từng bước tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp, tư vấn tâm lý học đường, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc liên quan đến tâm lý của học sinh, sinh viên. Sở cũng khuyến khích các trường ký hợp đồng với cán bộ, giáo viên hoặc chuyên gia có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp trong việc tư vấn tâm lý. Thông tin này ngay lập tức thu hút sự chú ý và nhận về nhiều sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh, học sinh.

Chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy - Giám đốc Trung tâm tâm lý Welink; Phụ trách Ban đào tạo, Hội khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

Yêu cầu các trường học phải thành lập Tổ tư vấn tâm lý: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy.

Tổ tư vấn tâm lý học đường là cần thiết

- Nhiều người cho rằng, các trường học phải thành lập tổ tư vấn tâm lý cho học sinh sớm hơn, anh nghĩ sao về ý kiến này?

Các vấn đề liên quan đến "tư vấn tâm lý cho học sinh" đã được nêu ra và đã có khá nhiều trường thực hiện trong nhiều năm trước (cũng chừng trên dưới 10 năm rồi), vấn đề là chất lượng và cách thức vận hành vẫn còn là điều đáng bàn. Tôi nghĩ đến giờ này là bàn đến chuyện làm sao cho có hiệu quả chứ không cần phải "tiếc nuối" vì trễ.

Các trường học chú tâm đến việc học tốt của học sinh phải đồng thời với việc hỗ trợ học sinh có được một sức khỏe tâm thần tốt nhất. Nói cách khác, tư vấn tâm lý học đường không phải chỉ chú trọng ngăn ngừa trầm cảm hay bạo lực mà đúng hơn là giúp học sinh đạt tối đa trong việc phát triển tiềm năng của các em và đạt được sự an lạc, và do đó tổ tư vấn tâm lý học đường là cần thiết.

- Bố trí phòng Tâm lý học đường để hỗ trợ cho học sinh được cho là một nhu cầu cấp thiết ở tất cả các cấp học. Tuy nhiên, việc tư vấn học đường không chỉ tư vấn "chay" mà phải có phương pháp chuyên môn, công cụ hỗ trợ. Điều này yêu cầu cần có chuyên gia tâm lý đã được đào tạo bài bản, được trang bị các kiến thức và kỹ năng cũng như công cụ cần thiết. Trong khi số lượng các chuyên viên, chuyên gia tâm lý giáo dục được đánh giá còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Theo anh, đây có phải là trở ngại lớn nhất?

Tôi không chắc trở ngại chính là gì bởi chuyện này liên quan đến nhiều yếu tố, chẳng hạn:

Về chính sách: Cần một sự thống nhất nghiêm chỉnh từ Bộ GD-ĐT và các ban ngành liên quan để triển khai chương trình. Một văn bản yêu cầu mỗi trường cần có tổ tư vấn là rất thuận lợi về cơ chế.

Đội ngũ chuyên gia: Dù là có được đào tạo về tâm lý học; công tác xã hội, giáo dục hay là một giáo viên chưa có nền tảng chuyên môn tư vấn thì cũng cần trải qua một quá trình đào tạo đàng hoàng về tư vấn tâm lý học đường, đó là chưa kể tiếp cận tư vấn tâm lý học đường như thế nào là đúng nền tảng khoa học. Về điểm này tôi nghĩ các hội nghề nghiệp tâm lý có thể đóng góp.

Sự tán thành và đánh giá đúng giá trị của Ban giám hiệu, giáo viên, và cha mẹ học sinh. Tư vấn tâm lý học đường không phải để làm cho học sinh tuân thủ "đạo đức" mà là giúp học sinh vượt qua các trở ngại để học tốt và có đời sống an lạc. Ngoài ra là năng lực phối hợp làm việc đồng bộ của các nhân sự trong tổ tư vấn.

Yêu cầu các trường học phải thành lập Tổ tư vấn tâm lý: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 2.

Chuyên gia Ngô Minh Uy cho rằng, tổ tư vấn tâm lý học đường là cần thiết. (Ảnh minh họa)

- Trên thực tế, năm 2017, Bộ GD-ÐT đã ban hành Thông tư số 31/2017 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, nhưng tới nay công tác này không có nhiều chuyển biến. Liệu có phải sức khỏe tinh thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên vẫn đang bị xem nhẹ?

Có thể không xem nhẹ nhưng còn khá hời hợt trong việc đề cao sức khỏe tâm thần, bất chấp những cảnh báo từ kết quả nghiên cứu. Kinh nghiệm tiếp xúc của tôi với một số nơi tôi nhận thấy hầu hết các trường chưa đảm bảo đúng những yêu cầu căn bản của việc làm tư vấn tâm lý học đường, thậm chí còn lẫn lộn đủ kiểu.

Cần phải nhìn toàn diện về đóng góp hay yêu cầu của người làm tâm lý, chẳng hạn người làm tâm lý cần tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp để không tạo ra cảm giác không an toàn hay không đáng tin nơi học sinh. Tôi cho rằng chuyện này sẽ khắc phục được nếu các chính sách từ Bộ GD-ĐT được triển khai thực hiện bởi những người am hiểu chuyên môn tư vấn tâm lý học đường.

- Không ít trường đã đi "tiên phong" trong việc thành lập các tổ tư vấn tâm lý cho học sinh. Bên cạnh nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, vẫn có không ít nơi không có tác dụng khi học sinh cần nơi bấu víu. Có những lưu ý nào để đảm bảo việc thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường được đưa vào hoạt động thành công và hiệu quả chứ không chỉ là một lời hứa suông hay để lấy... thành tích?

Đây là câu hỏi mà nếu muốn trả lời rốt ráo là… một kế hoạch hoạt động đầy đủ của tổ tư vấn tâm lý học đường. Sau đây là vài lưu ý căn bản:

Hiểu biết và xác định rõ ràng những nhiệm vụ và công việc phải được thực hiện bởi ai trong tổ tư vấn tâm lý học đường. Ai sẽ làm tham vấn, ai sẽ hỗ trợ giáo dục năng lực xã hội, ai làm công việc hỗ trợ xã hội… Tổ tư vấn tâm lý học đường phải có khả năng làm khảo sát để nhận diện tình hình sức khỏe tâm thần của học sinh và lên kế hoạch hoạt động cho từng năm.

Trường học tôn trọng vai trò và đảm bảo các yêu cầu làm tâm lý học đường. Người đảm nhận công việc tham vấn nên chỉ chuyên tâm làm tham vấn chứ không cộng thêm các việc khác như giám thị hay khảo bài.

Trường học tuyệt đối không có tư tưởng "mọi chuyện là do học sinh hư hỏng" mà đổi sang hướng tìm kiếm những cản trở và nâng đỡ học sinh. Người làm chuyên môn cần được hỗ trợ và tạo điều kiện để tham gia các hoạt động hội thảo hay nhận giám sát chuyên môn từ một cá nhân hay tổ chức đáng tin cậy. Thật sự rất hiếm hoi trong tình cảnh hiện nay để có thể tìm ra một trường có kế hoạch "ngon lành" trong hoạt động tư vấn tâm lý học đường.

Con trẻ và người lớn thường xung đột với nhau về những kỳ vọng

- Nhiều ý kiến cho rằng, khủng hoảng tâm lý trong học sinh ngày một phức tạp hơn xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như từ các mối quan hệ, áp lực học tập, ảnh hưởng của mạng xã hội… Với vai trò là một chuyên gia tâm lý đã tiếp xúc và "gỡ rối" tâm lý cho nhiều trường hợp, anh có đồng tình với ý kiến này? Theo anh, vấn đề lớn nhất mà các em học sinh, nhất là độ tuổi dậy thì hiện nay đang gặp phải là gì?

Sự phức tạp ngày càng nhiều hơn có vẻ là sự thật, nhất là những vấn đề của giới trẻ được nhìn dưới con mắt của người… lớn (khác thế hệ, khác cách tiếp cận). Tuy nhiên cần nhớ vấn đề mỗi thời mỗi khác nhưng căn nguyên của phản ứng thì khá giống nhau. Nhiều cha mẹ và thầy cô giáo đang lo lắng và đẩy sự lo lắng của mình thành sự không tin tưởng và kìm kẹp trẻ quá nhiều khiến tình hình phát triển của trẻ bị tắc nghẽn.

Cho đến này, tuổi dậy thì luôn là quá trình tìm kiếm và khẳng định bản sắc cá nhân (identity). James Marcia tiếp nối công trình của Erikson đề cập đến hai yếu tố quan trọng cho quá trình định hình bản sắc: Một là các cơ hội để trẻ khám phá thế giới (các vai trò, các nghề nghiệp…). Hai là cơ hội để thể hiện sự cam kết theo những gì trẻ hứng thú. Tôi tin rằng người lớn hiện đại cần nỗ lực để dừng lại việc muốn trẻ làm theo ý họ, tôn trọng và hỗ trợ trẻ đạt được điều chúng muốn.

Yêu cầu các trường học phải thành lập Tổ tư vấn tâm lý: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 3.

- Có trường hợp nào khiến anh ấn tượng hay day dứt trong quá trình làm nghề của mình?

Câu chuyện thì muôn vàn chuyện khác nhau, nhưng nhìn chung tôi thấy nổi lên những câu chuyện hay tình huống mà con trẻ và người lớn xung đột với nhau về những kỳ vọng.

Tôi muốn dẫn theo ý tưởng của các nhà tâm lý học hiện đại, "mỗi người có trách nhiệm cho chính những lựa chọn và quyết định của mình" và điều quan trọng là người lớn hỗ trợ con trẻ khả năng ra quyết định và tập luyện khả năng tự chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời của chúng. Khi được tin tưởng và tôn trọng, hầu hết đứa trẻ sẽ trưởng thành khỏe mạnh trở nên tự lập.

Tổ tâm lý học đường là lực lượng đi sau cha mẹ và các giáo viên

- Với những vấn đề tâm lý của học sinh, theo anh, liệu chỉ trông chờ vào tổ tư vấn tâm lý của trường học có "đủ"? Anh đánh giá vai trò của gia đình trong vấn đề này ra sao?

Hẳn nhiên là tất cả mọi chuyện không bao giờ được giải quyết bởi một hướng tác động, thậm chí tổ tâm lý học đường là lực lượng đi sau cha mẹ và các giáo viên. Theo nhà tâm lý học Steinberg, cha mẹ mới là yếu tố có tính chất quyết định cho sự trưởng thành của con trẻ. Do đó những người trong tổ tư vấn tâm lý học đường có thể tăng cường việc giúp đỡ cha mẹ hướng giáo dục con cái đúng đắn. Hiện nay tôi biết có những chương trình dạy làm cha mẹ trên thị trường nhưng rất tiếc có rất ít chương trình được dựa trên chứng cứ khoa học.

- Ngoài tổ tư vấn tâm lý, theo anh, có cần trang bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết để trẻ ứng phó với khó khăn về cảm xúc bằng cách xem tâm lý là một môn học "phụ" được giảng dạy đều đặn ở các cấp học?

Đây là công việc của tổ tư vấn tâm lý học đường, huấn luyện cho học sinh năng lực cảm xúc và xã hội. Có hẳn một chương trình mà chúng ta có thể tham khảo và thích ứng cho từng trường học có tên SEL (tham khảo trên www.casel.org). Và còn điều nữa, đây là chương trình hay môn chính chứ không phải môn phụ.

Dù sao ước muốn của nhiều anh chị em làm tâm lý như chúng tôi là trường học cân nhắc làm nhẹ đi chút phần kiến thức và tăng lên phần giáo dục năng lực xã hội cho học sinh. Đó chính là dạy con trẻ đạo đức hay lối sống dựa vào chứng cứ khoa học.

- Cảm ơn anh!

Chia sẻ