Chuyên gia nói gì về virus gây bệnh hô hấp ở Trung Quốc từng xuất hiện tại TP HCM?

Tin, đồ hoạ: Hải Yến,
Chia sẻ

Virus Human Metapneumovirus thường gây sốt nhẹ và các triệu chứng hô hấp như chảy mũi, đau họng, ho, thở rít.

Trước thông tin virus gây bệnh hô hấp ở Trung Quốc từng xuất hiện tại TP HCM, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng Khoa Y tế công cộng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP HCM, về vấn đề này.

Chuyên gia nói gì về virus gây bệnh hô hấp ở Trung Quốc từng xuất hiện tại TP HCM? - Ảnh 1.

PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng Khoa Y tế công cộng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP HCM, chia sẻ thông tin về virus HMPV

* Phóng viên: Mới đây, thông tin về virus Human Metapneumovirus (HMPV) gây bệnh hô hấp ở Trung Quốc gia tăng. Đáng chú ý, virus này từng được ghi nhận tại TP HCM, xin PGS-TS-BS cho biết virus này có gì mới?

- PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng: HMPV không phải là một loại virus mới. Virus này đã được các nhà khoa học phát hiện vào năm 2001 tại Hà Lan khi họ truy tìm tác nhân gây bệnh trong dịch tiết hô hấp của 28 trẻ em bị nhiễm khuẩn hô hấp. Tuy nhiên, qua phân tích di truyền học, các nghiên cứu cho thấy HMPV đã xuất hiện và gây bệnh cho con người từ khoảng 120 đến 130 năm trước.

Từ khi được phát hiện, HMPV đã được xác định là tác nhân gây bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính phổ biến thứ hai, chỉ sau RSV (virus hợp bào hô hấp), ở trẻ em dưới 5 tuổi tại các phòng khám ngoại trú ở Mỹ. Hầu hết các quốc gia tiên tiến ở Bắc Mỹ, châu Âu và Úc đều đã phát hiện virus này gây bệnh viêm hô hấp cấp tính cho trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn tuổi. Bệnh do HMPV cũng đã được phát hiện ở Ấn Độ, Pakistan, Hồng Kông và gần đây là ở Trung Quốc (từ giữa tháng 12-2024). Tuy nhiên, tại Việt Nam, virus này vẫn chưa được phân lập, có thể do thiếu phương tiện nghiên cứu chứ không phải là chưa xuất hiện tại đây.

* Virus HMPV có khả năng gây dịch bệnh như COVID-19 hay không? Nếu mắc bệnh thì có những triệu chứng nào? Đối tượng nào đáng lo ngại trước virus này?

HMPV và SARS-CoV-2 đều là virus RNA chuỗi đơn nhưng HMPV là chuỗi đơn âm, trong khi SARS-CoV-2 là chuỗi đơn dương. Do đó, chúng thuộc hai ngành sinh vật khác nhau và có sự khác biệt rõ rệt.

Về mặt dịch tễ học, HMPV ít lây lan hơn SARS-CoV-2. Tỉ suất tái tạo căn bản của HMPV là 2, trong khi đối với SARS-CoV-2, con số này có thể lên đến 5 hoặc cao hơn nữa đối với biến chủng Delta. Vì vậy, HMPV có mức độ lây lan hạn chế hơn và thường xuất hiện vào cuối mùa Đông, trong khi SARS-CoV-2 có thể xuất hiện bất kỳ thời điểm nào trong năm và lây lan nhanh chóng, tạo thành đại dịch.

HMPV thường gây sốt nhẹ và các triệu chứng hô hấp như chảy mũi, đau họng, ho, thở rít, trong khi COVID-19 có thể gây các triệu chứng nghiêm trọng hơn như sốt cao, mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu và các triệu chứng hô hấp có thể diễn tiến nặng thành suy hô hấp, thậm chí gây tử vong.

Tóm lại, HMPV có mức độ nguy hiểm thấp hơn đáng kể so với COVID-19. Virus này chỉ đáng quan ngại khi xảy ra ở bệnh nhân nhỏ tuổi, người già hoặc người có bệnh nền, trong khi COVID-19 có thể gây tử vong ở bất kỳ lứa tuổi nào.

* Virus HMPV có đáng lo ngại và mọi người cần có những biện pháp phòng ngừa ra sao, thưa ông?

Mặc dù hiện nay chưa có vắc-xin phòng ngừa HMPV nhưng do virus này ít gây bệnh nặng và mức độ lây lan thấp nên người dân không cần quá lo lắng về dịch bệnh này. Biện pháp phòng ngừa HMPV tương tự như các bệnh lý hô hấp khác như cảm lạnh hay cúm. Cụ thể, mọi người nên rửa tay thường xuyên, đặc biệt là rửa tay với xà phòng hoặc chất sát khuẩn, hạn chế sờ tay lên mặt, giữ cho không khí trong các phòng ốc thông thoáng, tránh tập trung ở những nơi đông người, đeo khẩu trang và không nên đứng quá gần với người khác. Nếu có triệu chứng hô hấp, người dân nên ở nhà và đi khám nếu có nguy cơ bị bệnh nặng (như người lớn tuổi, người có bệnh nền hoặc trẻ em).

Mặc dù hiện nay đã có các nỗ lực phát triển vắc-xin phòng ngừa HMPV, như thử nghiệm vắc-xin mRNA-1653 của Công ty Moderna và vắc-xin IVX-A12 của Công ty AstraZeneca song cho đến nay chưa có vắc-xin nào được thử nghiệm đầy đủ và cấp phép sử dụng để phòng ngừa HMPV.

Chia sẻ