Chuyên gia nhận định tình hình đại dịch COVID-19 trong 6 tháng tới

Hà Anh,
Chia sẻ

Theo các nhà khoa học, đại dịch COVID-19 không thể kết thúc trong vòng từ 3 đến 6 tháng tới, thậm chí con người có nguy cơ phải đối phó với dịch bệnh ở cấp độ lớn hơn những gì đã diễn ra.

 - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, có nguy cơ xảy ra các đợt bùng phát mới.

Chứng kiến những đợt bùng phát mới

Các chuyên gia đều đồng ý rằng đại dịch chỉ có thể kết thúc khi hầu hết mọi người đều bị nhiễm bệnh hoặc được chủng ngừa, hoặc có thể cả hai. Thậm chí một số người không may mắn có thể sẽ bị nhiễm virus nhiều hơn một lần. 

Ông Michael Osterholm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota ở Minneapolis (Mỹ), đồng thời là cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden - cho biết: "Tôi cho rằng những đợt bùng phát mới sẽ tiếp tục xảy ra trên khắp thế giới. Sau đó, chúng sẽ giảm xuống. Tôi nghĩ, sẽ có thêm một đợt bùng phát khác diễn ra vào mùa thu và mùa đông năm nay".

Theo các chuyên gia, các đợt bùng phát sẽ khiến trường học lại phải đóng cửa, các lớp học bị huỷ bỏ. Các cụ già trong viện dưỡng lão dù đã được chủng ngừa đầy đủ sẽ phải đối mặt với nỗi lo nhiễm trùng mới. Người lao động sẽ cân nhắc việc đến làm tại văn phòng, các bệnh viện có thể lại bị rơi vào tình trạng quá tải.

Hàng tỷ người trên thế giới vẫn chưa được tiêm phòng nên không có cơ hội để loại bỏ virus, nguy cơ xảy ra các đợt bùng phát mới tại các lớp học, ở các phương tiện giao thông công cộng, công sở trong những tháng tới là rất cao, đặc biệt khi các nền kinh tế mở cửa trở lại. 

Ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, sẽ luôn có những đối tượng dễ bị nhiễm virus như trẻ sơ sinh, những người không thể hoặc không được tiêm chủng...

Vài tháng tới sẽ khó khăn, các chuyên gia đồng nhận định. Một trong những lo ngại là xuất hiện biến thể mới kháng vaccine.

"Chúng ta sẽ thấy số ca bệnh tăng lên và giảm xuống, ít nhất là trong vài năm tới khi chúng ta có nhiều vaccine hơn. Việc tiêm chủng sẽ giúp chống lại virus. Vấn đề quan trọng là các đợt bùng dịch sẽ lớn như thế nào và cách nhau bao lâu. Chúng tôi không thể biết được. Chỉ có thể biết rằng, coronavirus sẽ giống như trận cháy rừng, chỉ dừng khi đã đốt cháy tất cả" – ông Osterholm cho hay.

 Dự đoán tương lai COVID-19

 - Ảnh 3.

COVID-19 có thể giống như bệnh cúm, cần phải tiêm phòng vaccine thường xuyên để duy trì hiệu quả khi virus tiến hóa.

Nhà dịch tễ học Lone Simonsen - Giáo sư khoa học sức khỏe dân số tại Đại học Roskilde (Đan Mạch), cho biết đã nghiên cứu sâu diễn biến của 5 đại dịch cúm diễn ra trong 130 năm qua và đưa ra một số dự đoán về diễn biến COVID-19. 

Theo bà Simonsen, các đại dịch cúm toàn cầu dài nhất thường kéo dài 5 năm, chủ yếu bao gồm 2-4 đợt lây nhiễm trong thời gian trung bình từ 2-3 năm. COVID-19 đã và đang được định hình là một trong những đại dịch nghiêm trọng hơn, khi năm thứ hai của nó kết thúc mà thế giới vẫn đang ở giữa đợt lây nhiễm thứ ba và chưa có dấu hiệu kết thúc.

Có thể loại virus được gọi là SARS-CoV-2 sẽ không đi theo con đường của các đại dịch trong quá khứ. Rốt cuộc, nó là một mầm bệnh khác, mới lạ và có khả năng lây truyền cao hơn. Với con số tử vong là hơn 4,6 triệu người cho đến nay, số người chết đã cao hơn gấp đôi so với số người chết trong bất kỳ dại dịch cúm nào trong lịch sử, kể từ sau dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.

Bất chấp những biện pháp phòng ngừa gắt gao và tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao, các quốc gia bao gồm Mỹ, Anh, Nga và Israel vẫn đang phải đối mặt với tỉ lệ nhiễm bệnh cao ngất ngưởng. Bởi tiêm chủng đang giúp giảm thiểu tỷ lệ ca bệnh nặng và tử vong, song sự lây nhiễm gia tăng có nghĩa là virus đang nhắm đến những người trẻ tuổi và những người vẫn chưa được tiêm chủng, dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh nặng trong những nhóm này tăng lên. Các quốc gia nơi tiêm chủng còn thưa thớt - bao gồm Malaysia, Mexico, Iran…, số ca nhiễm mới tăng lên bởi chủng delta dễ lây lan. 

Bà Simonsen nói rằng lịch sử cho thấy virus sẽ tự động yếu đi theo thời gian, để tránh xóa sổ hoàn toàn quần thể vật chủ. Tuy nhiên, đây là một quan điểm sai lầm bởi các biến thể mới không phải lúc nào cũng nghiêm trọng hơn các biến thể trước đó của chúng. "Trên thực tế, các đại dịch gây chết chóc nhiều hơn trong thời kỳ đại dịch, vì khi đó virus đang tìm cách xâm nhập và thích nghi với vật chủ mới" – bà Simonsen phân tích.  

Vì vậy, có lý do chính đáng để hy vọng rằng vaccine COVID-19 sẽ cung cấp được sự bảo vệ lâu dài, giống như những mũi tiêm ngừa thời thơ ấu để ngăn chặn các bệnh như bại liệt.

Coronavirus có cơ chế "đọc bằng chứng" để sửa các lỗi bẩm sinh gây ra khi virus nhân bản, giảm khả năng xuất hiện các biến thể khi virus truyền từ người này sang người khác. Tuy nhiên, khi số lượng ca nhiễm mới toàn cầu rất lớn, các biến thể vẫn xuất hiện.

COVID-19 có thể giống như bệnh cúm, cần phải tiêm phòng vaccine thường xuyên để duy trì hiệu quả khi virus tiến hóa.

Lo ngại nhất là trong những tháng tới, có thể xuất hiện một loại virus cúm mới hoặc một loại coronavirus khác lây từ động vật sang người. 

Theo Fortune, Bloomberg

Chia sẻ