Chuyên gia dự đoán về tình hình dịch COVID-19 trong thời gian tới
Chuyên gia khuyến nghị, người dân cần duy trì nguyên tắc 2K, không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác.
Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc COVID-19 trên cả nước đang có dấu hiệu tăng trở lại. Cụ thể, trong ngày 11/4, số ca mắc mới ghi nhận là 183 trường hợp, số ca mắc trong ngày 10/4 là 113 ca và ngày 8/4 là 122 ca. Hà Nội vẫn nằm trong tỉnh thành có số ca mắc COVID-19 cao trong cả nước.
Bên cạnh số ca mắc COVID-19 tăng thì số bệnh nhân phải nhập viện cũng tăng lên. Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) những ngày vừa qua, số bệnh nhân COVID-19 đều tăng.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), số ca mắc COVID-19 tăng giảm là chuyện rất bình thường. Trên thế giới cũng thường xuyên xuất hiện các làn sóng ca mắc COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới vẫn chưa công bố hết dịch do tình hình chưa ổn định. Số ca mắc như hiện nay vẫn chưa phải số liệu thực tế vì người nhiễm bệnh có thể không test hoặc test dương tính nhưng không báo với cơ sở y tế.
Nguyên nhân số ca mắc COVID-19 tăng được chỉ ra là do miễn dịch của vaccine suy giảm, những trường hợp chưa được tiêm vaccine, người suy giảm miễn dịch và chủ quan không đi tiêm nhắc lại.
Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 gia tăng đúng vào thời điểm gần kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5. Do đó, chuyên gia dịch tễ lo ngại số ca bệnh sẽ còn tiếp tục tăng.
PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, hiện nay, thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các virus lây lan, trong đó có SARS-CoV-2. Thời gian nghỉ lễ nhu cầu đi lại gia tăng, vì vậy người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như mang khẩu trang, rửa tay để tránh gia tăng số ca bệnh.
Đặc biệt, người dân cần duy trì nguyên tắc 2K, điều này không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B và các bệnh truyền nhiễm khác.
Nguyên nhân số ca mắc COVID-19 tăng được chỉ ra là do miễn dịch của vaccine suy giảm.
Ngành y tế cần nhận định, đánh giá về các chủng virus mới, có khả năng vô hiệu vaccine hay không để khuyến cáo người dân và có biện pháp đáp ứng phù hợp.
Thời điểm hiện tại, COVID-19 tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ một sự kiện y tế công cộng sang bệnh lưu hành. Vì vậy, các hoạt động phòng chống dịch, giám sát để đánh giá nguy cơ cần phải kịp thời, đáp ứng phù hợp để không bị bất ngờ.
Bộ Y tế đã xây dựng "Phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế" để sẵn sàng triển khai, thực hiện khi dịch có xảy ra.
Bộ Y tế khẳng định luôn phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, các tổ chức quốc tế, cùng các chuyên gia, các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ và thường xuyên đánh giá tình hình dịch COVID-19.
Trong trường hợp tình hình dịch diễn biến ổn định, có thể dự báo và kiểm soát được, các biện pháp phòng chống dịch sẽ được kịp thời điều chỉnh nhằm chủ động đáp ứng với dịch COVID-19 và bảo đảm sức khỏe người dân.