"Đúng là đồ ăn bám!"
Chị đau khổ khi nghe những lời như thế từ miệng anh...
Phận "ăn bám"
Thanh Tùng và Ngọc Huyền yêu nhau từ thời cùng ngồi học trên ghế giảng đường đại học. Tùng xuất thân là một công tử nhà giàu trên phố. Nhưng anh không hề ăn chơi mà rất biết tu chí làm ăn. Có lẽ cũng chính điều này khiến Huyền tin tưởng sự lựa chọn tình yêu của mình là đúng.
Sau khi ra trường, đôi uyên ương tổ chức một đám cưới rình rang trong sự chúc phúc của họ hàng hai bên. Chỉ sau một tháng, Huyền có bầu, Tùng lo lắng và đề nghị vợ nghỉ việc ở nhà để dưỡng thai.
Trước sự kiên quyết của chồng, chị đồng ý. Ở nhà, chị chỉ quanh quẩn bếp núc, thi thoảng đi mua sắm, cà phê một mình vì bạn bè đứa nào đứa nấy đều bận rộn.
Sau khi sinh con rồi chăm con tới hơn 1 năm, chị quyết tâm đi làm trở lại nhưng tìm việc thời buổi này đâu có dễ. Ban đầu, cũng có nơi gọi chị đi làm nhưng khi biết chị đang nuôi con nhỏ, họ lại ậm ừ... từ chối. Rồi có nơi thì trả lương tháng cho chị quá thấp, kén cá chọn canh mãi cuối cùng cũng có nơi chị vừa ý.
Nhưng đi làm được một thời gian ngắn, công ty chị gặp khó khăn, chị lại là người quá thẳng thắn nên sếp không hài lòng. Vậy là chị nằm trong danh sách giảm biên chế.
Chị không muốn làm tỉ phú thời gian với những công việc không tên như thế (Ảnh minh họa)
Thời gian đầu mọi chuyện cũng xuôi chèo mát mái vì chồng chị có thu nhập khá cao. Nhưng thời buổi khó khăn, những đầu tư của anh dần đi vào ngõ cụt, tiền của cứ thế mà ra đi.
Nếu như trước đây thấy vợ rầu rĩ ở nhà, anh sẽ một điều động viên, hai điều an ủi thì giờ cứ “ngứa mắt” cái gì là anh lại tỏ thái độ khó chịu về sự... suốt ngày ở nhà của vợ.
Con khóc nhiều, ị thối, nhà bẩn, quần áo chưa giặt, cơm hơi khô, canh quá nhạt... là anh cũng kêu inh ỏi: “Ở nhà có việc vớ vẩn thế này mà chẳng làm nổi là sao? Đúng là đồ ăn bám”.
Chưa hết, bố mẹ chồng thấy con trai họ mệt mỏi, lăn lưng ra để nuôi vợ con, ông bà lúc nào cũng quay ra cằn nhằn về sự... vô tích sự của con dâu: “To xác mà lười chẩy thây, đến khổ con trai tôi. Không hiểu kiếp trước nó mắc nợ gì cô”.
Mệt mỏi vì phải chăm cậu con đang tuổi ăn tuổi nghịch, ngày ngày đắn đo mua sắm những món ăn đủ chất mà vẫn rẻ tiền, làm vô vàn những việc không tên trong nhà, rồi chị căng thẳng đối đầu với thái độ của nhà chồng... Tất cả làm chị chỉ muốn gục ngã. Chị thấy mình dại khi nghe lời chồng nghỉ việc thời gian đó.
Như trường hợp chị Bình (Nam Định) là một điển hình. Chị học Đại học Công Đoàn nhưng sau khi ra trường, chị nhanh chóng kết hôn rồi có con nên công việc của chị bị dang dở. Chị ở nhà 2 năm để chăm con. Chồng chị làm ở một công ty nước ngoài nên anh đi công tác thường xuyên.
Ở nhà hết ôm con đi ra, lại đi vào, chị sinh buồn chán. Mỗi khi thấy cảnh các chị em khác rạng rỡ váy áo chào con rồi phóng xe đi làm hay khi họ về cả nhà ríu rít, chị lại càng cô đơn và chạnh lòng.
Lên mạng, chị đọc được những dòng tâm sự của một người vợ "Ở nhà chồng nuôi, liệu có sướng?". Chị khóc òa và tự nhủ thầm: "Không sướng tí nào đâu bạn ơi!"
Chị khóc òa và tự nhủ thầm: "Không sướng tí nào đâu bạn ơi!"
Thông cảm cho vợ
Theo chuyên gia tâm lí Nguyễn Giang (TT tư vẫn tâm lý Tình yêu -Tình dục Tp. Hà Nội), khi người vợ chấp nhận ở nhà làm nội trợ, chăm sóc gia đình, chăm con là họ đã có một sự hi sinh rất lớn rồi. Ai cũng có nhu cầu đi làm, quan hệ và khẳng định mình trong xã hội, chẳng ai muốn trở thành tỉ phú thời gian với những công việc không tên trong nhà.
Bởi vậy hơn ai hết, những người chồng nên thấu hiểu tâm tư, tình cảm của người vợ để có những hành động cho đúng, phù hợp.
Người đàn ông nên hiểu rằng người vợ ở nhà nội trợ không có nghĩa là bất tài, lười biếng. Trong trường hợp này, người vợ đã hi sinh công việc, hi sinh mình để giữ mái ấm gia đình hạnh phúc.
Bên cạnh đó, người vợ cũng nên thẳng thắn chia sẻ với chồng những tâm tư, nguyện vọng của mình để cả hai cùng tháo gỡ những vướng mắc.