Chuyên gia dày dạn cũng kinh ngạc khi giá vàng tăng sốc

Bình Giang,
Chia sẻ

Giá vàng vừa tăng lên mức kỷ lục, một phần nhờ kỳ vọng vào việc nới lỏng chính sách tiền tệ ở Mỹ. Nhưng đó không phải tất cả.

Chuyên gia dày dạn cũng kinh ngạc khi giá vàng tăng sốc - Ảnh 1.

Giá vàng đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại. (Đồ họa: Kitco)

Chiều 6/3 (theo giờ Mỹ), giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 2.145,09 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.152,09 USD trong phiên trước đó. Giá vàng tương lai của Mỹ tăng 0,8% lên 2.158,2 USD. Bạc tăng 1,9% lên 24,15 USD.

Giá vàng tăng sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ ( Fed ) Jerome Powell đưa ra phát biểu về khả năng giảm lãi suất vào cuối năm nay.

Tai Wong, một nhà giao dịch kim loại độc lập tại New York, nhận định: “Giá vàng có thể tăng cao hơn nữa do tâm lý lạc quan vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, vàng thỏi có thể mất thêm một chút thời gian để hấp thụ tác động từ phát biểu của ông Powell cũng như báo cáo việc làm ngày 8/3”.

Giá vàng sẽ giảm khi lãi suất cao của Mỹ làm tăng lợi nhuận cho các tài sản cạnh tranh như trái phiếu và thúc đẩy đồng đô la, khiến vàng thỏi đắt đỏ hơn đối với người mua nước ngoài.

Các nhà giao dịch nhận định khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 7 là 70%.

Giá vàng tăng mạnh gây ngạc nhiên cho cả các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong ngành.

“Rõ ràng là bất chấp việc phương Tây không ưa chuộng vàng, nhu cầu ở Trung Quốc vẫn bù đắp được, khiến một lượng khổng lồ chảy từ Tây sang Đông”, Giám đốc điều hành Metals Daily Ross Norman viết trong một bài đăng trên LinkedIn.

“Do đó, đợt tăng giá này dường như đã khiến các chuyên gia và nhà dự báo phương Tây bất ngờ, cho thấy việc mua vào nằm ngoài tầm nhìn của hầu hết chúng ta", Norman viết.

Theo chuyên gia này, “lời giải thích thông thường” là vàng tăng mạnh nhờ khả năng Fed sắp giảm lãi suất, nhưng thực tế là đô la đã tăng giá so với đầu năm.

Một lời giải thích khác là sự sụt giảm lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy các tổ chức đứng sau đà tăng này vì nhu cầu ETF vẫn mờ nhạt.

Theo Norman, chắc chắn rằng việc mua bán trên thị trường tương lai đã giúp thúc đẩy đà tăng của vàng, nhưng đây không thể đóng vai trò động lực chính, “vì vậy có điều gì đó khác đang diễn ra”.

Chuyên gia này cho rằng một yếu tố quan trọng là nhu cầu mua vàng ở Trung Quốc, với sự tham gia của không chỉ những bà nội trợ mà cả các nhà đầu tư thuộc thế hệ Z.

Norman cũng cho rằng đợt tăng giá sốc này được thúc đẩy bởi lực mua của các ngân hàng trung ương.

“Với việc Mỹ vượt ra khỏi các biện pháp trừng phạt đơn giản và đe dọa tịch thu 300 tỷ USD tài sản của Nga trong ngân hàng, một số ngân hàng trung ương, kể cả không liên quan, sợ hãi và cảnh giác nguy cơ họ có thể rơi vào tình thế tương tự. Do đó, họ có thể muốn đa dạng hóa sang các tài sản không phải đô la”, ông nhận định.

Theo Kitco News, Reuters 
Chia sẻ