Chuyên gia: "Đậu mùa khỉ khó có thể lây lan thành đại dịch"
Trước diễn biến của dịch bệnh đậu mùa khỉ tại gần 20 quốc gia, ngành Y tế TP. HCM, Bộ Y tế đã có những thông tin cảnh báo, giám sát. Đậu mùa khỉ có nguy hiểm, bùng phát trở thành đại dịch?
PV: Thưa TS.BS Ngô Thanh Hà, dù VN chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, song với diễn biến của dịch bệnh tại hàng chục quốc gia hiện nay, bác sỹ đánh giá như thế nào về khả năng xâm nhập của dịch bệnh vào nước ta?
TS.BS Ngô Thanh Hà Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương: Hiện tại đậu mùa khỉ đã bùng phát tại một số nước châu Âu như Anh, Pháp, Tây Ban Nha kèm theo một số nước các châu lục khác như Úc, Mỹ đều ghi nhận ca bệnh mới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh lây từ động vật sang người, dịch tễ chủ yếu ở Trung Phi và Tây Phi, khi con người đi du lịch đến đấy vô tình tiếp xúc mầm bệnh và nhiễm bệnh này, nó đã tồn tại lâu rồi.
Chúng tôi vẫn gọi đây là bệnh mới nổi, chúng tôi vẫn khuyến cáo người đi du lịch vùng dịch tễ có bệnh đậu mùa khỉ, về nước mà thấy sốt cao, đau mỏi người, sau 1 đến 3 ngày phát ban trên cơ thể thì phải liên hệ với chúng tôi ngay để xác định xem có mắc đậu mùa khỉ hay không, rồi sẽ có chiến lược cách ly và điều trị hợp lý.
PV: Qua các tài liệu y khoa và các đánh giá từ Tổ chức Y tế thế giới thì bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không và đây có phải chủng có thể lây lan bùng phát thành đại dịch như Covid 19 không, thưa bác sỹ?
TS.BS Ngô Thanh Hà: Đậu mùa khỉ có 2 chủng, một chủng nguồn gốc Congo với tỷ lệ tử vong 10% nếu con người mắc phải, còn chủng nguồn gốc Tây Phi là 1%, hiện chủng gây bệnh ở Anh và các nước châu Âu ghi nhận chủng Tây Phi, tỷ lệ tử vong thấp.
Theo tôi dịch bệnh này khả năng lây truyền của bệnh theo y văn ghi nhận không cao, khi tiếp xúc lượng lớn nước bọt mới khả năng lây nhiễm. Ngoài ra niêm mạc, đường máu, tiếp xúc bề mặt chứa virus, nhưng đánh giá khả năng lây nhiễm cũng không cao.
Tuần vừa rồi, Tổ chức Y tế thế giới phải họp khẩn xem tính chất lây nhiễm có thay đổi không, nếu tính chất lây nhiễm thay đổi dịch bệnh đẩy lên tầm cao mới, là bệnh nguy hiểm, nhưng hiện tại chưa ghi nhận, nên rất khó để đậu mùa khỉ có thể lây lan thành đại dịch. Một đại dịch muốn bùng phát thì tốc độ lây lan phải lớn mà đậu mùa khỉ thì lây lan không nhiều.
Theo quan điểm cá nhân tôi bệnh này khó bùng phát thành đại dịch. Theo xu hướng chung các virus đột biến để thích nghi tình hình và làm mọi cách để duy trì nòi virus của nó nên mọi sự đột biến có thể xảy ra trong tương lai mà không biết được, còn hiện tại thì chưa ghi nhận sự đột biến.
PV: Để có thể phát hiện sớm các ca bệnh xuất hiện tại nước ta, người dân cần lưu ý những dấu hiệu nhận diện như thế nào của bệnh đậu mùa khỉ, thưa bác sỹ?
TS.BS Ngô Thanh Hà: Bệnh lý này đầu tiên cũng là bệnh lý của nhiễm virus, giống triệu chứng giả cúm, 1-3 ngày đầu sốt, đau mỏi cơ, kèm theo mệt mỏi chán ăn, sau ngày thứ 3 trở đi bệnh nhân xuất hiện phát ban cơ thể, đầu tiên trên mặt, sau đó xuống tay chân, toàn thân. Ban có dạng nước, tính chất gây tổn thương qua tế bào sinh sản của da, sau khi ban bay đi thì để lại sẹo cơ thể.
PV: Thực tế vaccine đậu mùa đã không được tiêm trong thời gian khá dài rồi, việc chúng ta chưa có vaccine phòng bệnh có khiến nguy cơ lây nhiễm của bệnh cao hơn không, thưa bác sỹ?
TS.BS Ngô Thanh Hà: Đậu mùa khỉ là nhóm virus tương đối đồng nhóm với đậu mùa ở người. Theo nghiên cứu trên thế giới vaccine này vẫn hiệu quả trên đậu mùa khỉ, thậm chí có thể dùng vaccine trong điều trị khi bệnh nhân nhiễm đậu mùa khỉ.
Hiện tại nguồn dự trữ vaccine vẫn còn, trong trường hợp số ca bệnh ghi nhận càng ngày càng lớn thì sẽ có thay đổi trong khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế Việt Nam.
Hiện số ca bệnh tăng nhưng chưa đạt mức có khuyến cáo mới, mình sẽ theo sát diễn biến dịch bệnh và những khuyến cáo tiếp theo. Nên bình tĩnh vì nghiên cứu chỉ ra bệnh này không dễ lây lan như các bệnh khác. Việc lây qua đường không khí cũng có nhưng rất hạn chế.
PV: Xin cám ơn TS.BS Ngô Thanh Hà./.