Chuyên gia chỉ rõ: 5 kiểu khen quen thuộc của bố mẹ "giết chết" động lực phấn đấu của con
Khen con sai cách có thể dẫn đến những hệ quả khác xa "ngàn dặm".
1. Lời khen hay nhưng không "chất"
Con trai bạn vừa ném trúng quả bóng quyết định trong trận bóng rổ. Ngay lập tức bạn hét lên "Bao công tập tành của con cuối cùng đã được đáp trả rồi" để chúc mừng con. Trong trường hợp này thì bạn chỉ cần nói "Tuyệt vời lắm con" có lẽ là đã đủ. Bạn nói vậy sẽ khiến con chỉ tập trung vào mục tiêu trước mắt (kết quả của trận bóng rổ này) hơn là mục tiêu lâu dài (những trận sau nữa).
Theo tiến sĩ, nhà nghiên cứu Carol Dweck, những trẻ nhận được những lời khen rỗng tuếch sẽ ít có khả khả năng giải quyết những thử thách khó khăn trong những lần sau hơn là những trẻ được nghe những câu như "Con phải thật sự cố gắng". Tuy nhiên dường như các bậc cha mẹ lại đang sự dụng "quá liều" những lời khen "rỗng" như vậy, đó là lý do lại sao trẻ luôn có cảm giác mình đác được tung hô cho mọi thành tựu mà trẻ đạt được, dù lớn hay nhỏ.
2. Khen "Con thông minh lắm"
Lời khen "Con thông minh lắm" mà hầu như ông bố bà mẹ nào cũng dùng khi con đạt kết quả cao hay làm việc gì đó tốt có thể ảnh hưởng tai hại đến sự phát triển của trẻ mà ít ai có thể ngờ tới.
Khi con đạt điểm cao ở trường, chúng ta thường vô tư khen con ngay: "Ôi con thông minh quá!" nhưng vấn đề ở chỗ, đây có thể là điều tệ hại nhất mà bạn nói với con.
Những nhà giáo dục và bác sĩ tâm lý trẻ em hiện nay đều cho rằng lời khen được cho là tích cực này lại đi liền với niềm tin rằng trẻ không được mắc lỗi hay sai sót.
Tờ báo The Atlantis đã nói về xu hướng loại trừ dần lời khen này gần đây: "Khi chúng ta khen ngợi trẻ thông minh thì những đứa trẻ đó sẽ tự nghĩ: "Tốt quá, mình thật thông minh". Và sau đó, khi những đứa trẻ này thất bại, chúng sẽ nghĩ: "Ôi không, hóa ra mình chẳng thông minh tí nào, rồi mọi người sẽ nhận ra là mình chả có gì là thông minh". Từ đó, chúng sẽ tự hiểu đó chính là điều tồi tệ nhất và cũng là một sự nguy hiểm cần phải tránh.
Những đứa trẻ "thông minh" dần dần sẽ đặc biệt ngại mắc lỗi trong khi dám mắc lỗi là điều vô cùng quan trọng trong học tập và thành công".
3. Khen ngợi khả năng tự nhiên
Sẽ là điều bình thường nếu bạn vui mừng khi con gái 5 tuổi của mình đá vào gôn nhiều hơn tất cả các bạn cùng độ tuổi hay con trai 7 tuổi sở hữu tài năng trời phú. Tuy nhiên, trong những trường hợp này bố mẹ lại có xu hướng khen ngợi quá đà như "Con đúng là một ngôi sao", "Con đúng là thiên tài".
Nhưng bố mẹ đã tập trung vào sai chỗ. Khả năng tự nhiên là thứ mà các bé có sẵn, bé chẳng mất gì, hay phải cố gắng gì để có được nó. Ví dụ, những đứa trẻ được khen ngợi về tài năng thể thao thiên bẩm từ khi còn nhỏ sẽ lớn lên mà không tiếp tục phát triển khả năng đó của mình, không nỗ lực và không cùng phối hợp trong một tập thể. Lúc này, những người khác có thể theo kịp họ về kĩ năng và thể lực, khi đó "thiên tài" sẽ không chấp nhận được thực tế, thất vọng nhưng cũng không có khả năng thay đổi tình hình.
4. Khen nhưng vẫn so sánh
Khái niệm "con nhà người ta" luôn là cơn ác mộng và áp lực đối với những đứa trẻ. Đôi khi, phụ huynh cho rằng mình đang khen ngợi con nhưng đồng thời vẫn bao hàm sự so sánh với những đứa trẻ khác.
Những câu nói điển hình như "Bài thi này con làm khá tốt nhưng ráng học theo bạn A để điểm cao như bạn nhé". Kiểu khích lệ này không đem lại niềm vui và động lực cho con mà còn khiến trẻ thêm áp lực, tủi thân hoặc sinh ra tâm lý ganh ghét bạn cùng trang lứa.
5. "Dán nhãn" cho con
Đôi khi lời khen phát ra ngay cả khi chúng ta không có ý định nói. Ví dụ, khi các bố mẹ nói chuyện về con mình, bố mẹ sẽ tình cờ khen ngợi con, hay thậm chí chê bai con mà chẳng hề nhận ra. Chúng ta đã vô tình gán con mình vào những "danh hiệu" như con tôi là: "một đứa trẻ khỏe mạnh", "một đứa trẻ hài hước", "một đứa trẻ nhút nhát" mà không hề nhận ra. Chúng ta đã nhấn mạnh vào khả năng của con thông qua việc so sánh, và "gói" tất cả những đứa trẻ của chúng ta trong một cái hộp chật hẹp.
Hay tệ hơn, bố mẹ còn tạo nên những đứa trẻ gắn với những nhiệm vụ cụ thể. Ví dụ bố mẹ sẽ hay có kiểu khen con là "chuyên gia bê bát", "chuyên gia dọn đồ chơi". Bằng những lời khen như vậy, bố mẹ đã vô tình áp đặt con, khiến con không thể kiểm soát được con là ai hay con làm gì.
Bố mẹ nên khen con thế nào?
Lời khen bao giờ cũng cần đi cùng giải thích, nếu không sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Bạn không nên khen chung chung: "Con ngoan lắm", "Con giỏi lắm" mà có thể là: "Con làm mẹ thấy rất vui vì…". Hãy cho trẻ biết tại sao bé lại được khen. Như vậy bé mới hiểu đúng mẹ đang khen mình cái gì để lần sau nỗ lực làm tốt hơn.
Trong cuốn sách "Cha mẹ Nhật dạy con tự lập" tác giả Sugarhara nói rằng: Nếu cha mẹ nào lấy việc khen ngợi con làm động lực cơ bản khiến trẻ hành động. Nguy cơ trẻ chỉ làm việc khi được cha mẹ khen ngợi. Nhưng khi trẻ làm được việc gì, thay vì nói những câu "Con mẹ giỏi quá", "Con mẹ quả là người lớn", thì cha mẹ hãy nói những lời cảm ơn với việc con đã làm giúp bằng cảm xúc vui sướng và chân thành với trẻ như "Cảm ơn con", "Con đã giúp mẹ được rất nhiều việc", "Mẹ rất vui". Bởi vì khi giúp đỡ cha mẹ, trẻ rất muốn biết cha mẹ cảm nhận gì về hành động ấy.
Khi có thể hãy nói cho trẻ biết cảm xúc của mình, và càng truyền tải cụ thể từng việc làm của trẻ đã đem đến cho mình những niềm vui và lợi ích gì càng tốt. Thừa nhận hành động của con bằng cách nói ra cảm xúc của bản thân về hành động ấy cũng chính là một cách khen ngợi.
Khen con đúng cách chính là vẫn động viên con ngay cả khi trẻ không đạt kết quả bạn mong đợi. Hãy cho trẻ thấy thất bại không đáng trách, cũng không đáng sợ mà nên là động lực để trẻ phấn đấu hơn ở lần sau. Điều này cũng giúp trẻ xây dựng sự tự tin, ý chí kiên cường khi trưởng thành.