Chuyên gia chỉ ra hai điểm yếu của ChatGPT
Theo chuyên gia Đặng Thái Hòa, Giám đốc Công ty Rikkei AI, độ sâu và độ tin cậy là hai vấn đề của ChatGPT. Tuy nhiên, ứng dụng này có khả năng tác động đến nhân sự của một số ngành nghề trong tương lai.
Tỉnh táo trước câu trả lời
Về ứng dụng ChatGPT đang làm mưa làm gió, ông Đặng Thái Hòa nhận định, sản phẩm này được quan tâm đặc biệt bởi người dùng cảm thấy chưa công cụ chatbot (trả lời tự động) nào trả lời tốt như vậy. So với mô hình chatbot truyền thống, ChatGPT có ưu điểm về mặt công nghệ huấn luyện, cũng như mức độ đầu tư về mặt dữ liệu và đầu tư dùng người để huấn luyện.
Ông Hòa cho rằng, ChatGPT sẽ còn phát triển. Người dùng có thể khó phân biệt giữa kết quả từ ChatGPT trả về hay là kết quả của người thật. Vì thế, việc tác động về mặt nhân sự vào một số nhóm ngành nghề là điều có thể xảy ra. “Trước đây, các chatbot truyền thống cũng đã được dùng để hỗ trợ chăm sóc khách hàng. ChatGPT này còn có thể tác động vào những công việc đơn giản như dịch thuật ở mức thấp, hoặc lập trình ở mức cơ bản. ChatGPT cũng có thể tác động tới những người tạo ra nội dung. Một số trang báo quốc tế đã thử nghiệm ChatGPT để viết báo”, ông Hòa nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, có hai vấn đề cần lưu ý về ChatGPT là độ sâu và độ tin cậy. “Kết quả của chatbot này trả về là kết quả từ trí tuệ nhân tạo (AI) sinh ra, dựa trên những gì được huấn luyện từ trước. Vì vậy, không thể hoàn toàn tin cậy công cụ này. Còn về độ sâu, một chatbot mà hỗ trợ cho tất cả các lĩnh vực thì chắc chắn không thể sâu như những chuyên gia dành nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu về vấn đề đó”, ông Hòa nói.
Trước lo ngại ChatGPT có thể thay thế một số nhân sự trong tương lai, ông Hòa cho rằng, trong thời đại công nghệ đang phát triển vượt bậc và có tác động đến thế giới như hiện nay, thay vì có tâm lý “thay thế mình”, chúng ta nên thử ChatGPT, để hiểu xem công cụ này có thể làm tới đâu và không thể làm được những gì. Từ đó, bản thân có thể thay đổi, cập nhật những cái mới mà ChatGPT mang lại. “Tất nhiên là phải luôn giữ sự tỉnh táo, kiểm tra lại thông tin khi sử dụng ChatGPT như công cụ hỗ trợ”, ông Hòa nói.
Câu văn tiếng việt gây cười
Là giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội, chị Thu Hà khá lo ngại trước tác động của ChatGPT với việc dạy và học trong tương lai. Vì vậy, chị dành nhiều thời gian để “ra đề” với ChatGPT và nhận được kết quả khá bất ngờ.
Chị Hà kể, điểm đặc biệt của ChatGPT là có thể “làm bài tập” một cách rất nhanh trong vài giây, câu chữ mượt mà, xuôi tai. Nhiều bài văn sinh động, hấp dẫn. Ví dụ, khi được yêu cầu “Viết một bài văn tả con chó”, Chat GPT trả lời “Con chó là một động vật ưa thích của rất nhiều người. Chúng ta thường xem chúng như một thành viên của gia đình và yêu thương chúng như một con người…”.
Tuy nhiên, chị Hà cho rằng điểm yếu lớn nhất của ChatGPT là tính chính xác của nội dung thấp, nhiều câu văn gây cười. Ví dụ, khi chị Hà ra đề “viết một bài văn tả con gà trống”, ChatGPT cho ra kết quả “các con gà trống còn có khuôn mặt hấp dẫn với một cái mắt to và nụ cười dễ thương”.
Đặc biệt, theo chị Hà, nhiều kiến thức khoa học, văn hóa, xã hội, lịch sử của ChatGPT có độ tin cậy thấp, ngay cả với những thông tin cơ bản. Như khi nhận câu hỏi “Tết Trung thu là gì”, ChatGPT trả lời: “Trung thu là một lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam, tổ chức vào mùa thu hoạch. Tết Trung thu là một dịp để tôn vinh sức mạnh và năng lực của trời và đất, và để cảm tạ sự biết ơn đối với những điều tốt đẹp mà họ đem lại”.
Với câu hỏi “Mưa đá là gì”, ChatGPT viết: “Mưa đá là một loại mưa nước cục bộ với các tia mưa nước rất to và chảy nhanh. Nó thường gặp phải khi có một trận mưa tấn công mạnh và có thể gây hại cho tài sản và cản trở giao thông”.
Chị Hà cho rằng, ChatGPT chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc dạy và học nói chung, trong đó có cả bậc tiểu học nói riêng. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều thời gian và trải nghiệm để đánh giá được tác động sâu hơn của ứng dụng này với việc dạy và học.