Chuyện “dở khóc, dở cười” sau mái đầu phi dê sành điệu của các mẹ ngày xưa
Làm đẹp để đi chơi Tết với phụ nữ thời nay có lẽ chỉ mất "một nốt nhạc" nhưng thời bao cấp, chuyện làm đẹp, nhất là làm tóc, là cả một bầu trời kỷ niệm.
Nguồn ảnh: internet
Tết là phải đẹp! Đó là "triết lý" muôn thuở bất chấp thời chiến hay thời bình, bao cấp hay cơ chế thị trường. Và để có được một ngoại hình "khác lạ" so với những ngày thường trong năm, các chị, các mẹ ngày xưa đã "bất chấp" tất cả để "làm mới" mình với kiểu tóc phi dê (uốn xoăn) được xem là mốt nhất những năm 70-80 của thế kỷ trước. Mái đầu phi dê "huyền thoại" vì thế mà gắn với bao nhiêu kỷ niệm thú vị.
Công cuộc làm đẹp ngày xưa quả là vô cùng gian nan. Để có được kiểu tóc phi dê thật ăn chơi, có những người phải chấp nhận xếp hàng từ một giờ sáng để làm đầu. Nhưng với chị em trong các gia đình "khá giả" ở nông thôn, đặc biệt là ở thị thành, nhất định phải để tóc phi dê xoăn tít mới được coi là Tết đến, xuân về.
Mùi thuốc làm tóc từ amoniac mà người ta vẫn hay ví là "khai hơn cả nước đái khỉ" ấy đôi khi khiến cả thợ lẫn khách đều đau đầu, buồn nôn, mấy ngày liền không ăn uống được.
Đó là chưa kể dụng cụ uốn tóc thời bấy giờ khá thô sơ. Đó đó là những trục nhôm có răng cưa. Sau khi bôi thuốc lên tóc, thợ cuốn tóc vào trục nhôm đó. Người thợ càng siết chặt bao nhiêu thì tóc càng được uốn vào nếp bấy nhiêu. Nhưng nguy hiểm ở chỗ, những sợi dây điện có một đầu gắn kẹp mỏ vịt bằng nhôm lót lớp giấy mỏng, kẹp vào trục nhôm trên đầu khách, một đầu thì cắm vào ổ điện. Bởi thế, nếu không cẩn thận, có thể bị điện giật bởi toàn bộ dụng cụ uốn làm bằng nhôm, không có lớp chống giật như bây giờ.
Ấy thế mà các chị em vẫn nhất quyết phải có được mái đầu phi dê sành điệu.
Nguồn ảnh: internet
Nhưng không phải chị em nào cũng có điều kiện để theo trào lưu tóc phi dê ấy. Vậy là, "trong cái khó ló cái khôn". Các chị em nghĩ ra cách tự làm tóc tại nhà bằng phương pháp thủ công. Đêm mùa đông trước khi đi ngủ, các chị, các mẹ chỉ cần lấy chiếc khăn len quấn nhiều vòng chèn sát tóc vào cổ và người để cho tóc được thẳng. Muốn tóc "xù mì" sau khi gội người ta tết tóc thật chặt để tạo nếp dập li ti…
Hoặc họ lấy một chiếc kẹp như cây kéo gắp than bây giờ. Cây kéo có một bên nhỏ, một bên to, bên to có lõi sắt tròn. Rồi họ hơ kéo vào than cháy rừng rực cho đỏ hồng rồi nhúng vào nước lạnh, sau đó cho lên tóc uốn xoăn.
Cũng có người lấy chiếc đũa cả hơ nóng trên lửa để cuốn tóc tạo lọn bồng bềnh. Từ những phương thức ấy, cũng đã nảy sinh ra biết bao chuyện dở khóc dở cười, như chuyện chiếc đũa cả bị hơ nóng đỏ, không để ý vội cuốn tóc vào khiến cho tóc không quăn lại mà cháy xém một mảng đen xì khét lẹt.
Thế mới biết, để có được mái đầu phi dê gian nan đến thế nào!
Đã có đầu phi dê sành điệu thì không thể không diện quần áo mới. Nhưng từ thời bao cấp trở về trước, chị em muốn có quần áo mới cho bản thân và gia đình, họ phải tiết kiệm tem vải hoặc dành dụm vải của cả năm, nếu khá giả thì ra tiệm may áo, không thì chị em nào khéo tay có thể tự may.
Nguồn ảnh: internet
Điều đáng nói là chuyện làm đẹp ngày Tết luôn được phụ nữ xưa quan tâm dù họ rất vất vả mới có thể lo chu toàn mâm cỗ Tết trong bối cảnh hàng hóa thực phẩm còn khan hiếm chứ không phải ra chợ sắm một lửa nửa ngày là xong như bây giờ.
Các chị, các mẹ ngày xưa phải có kế hoạch mua sắm và để dành từng cân hạt bí, mứt Tết từ trước cả tháng trời. Có bà mỗi năm Tết đến phải đi bộ gánh hàng đến chợ bán từ đầu tháng Chạp. Mặt hàng bán chủ yếu là hành lá, khi thì củ su hào, khi là bó rau khoai lang... Sắm Tết không phải một ngày là xong. Có ngày đổi được mấy lạng miến, có ngày được vài lạng măng, cận Tết thì có vài cân thịt. Đúng là có mấy ngày Tết. Bởi chỉ có thời gian này, người ta mới được ăn 'sang'.
Việc chuẩn bị cho Tết đối với phụ nữ xưa mà nói đúng là có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí cả năm trời. Có lẽ vì thế mà Tết lại khiến mọi người càng háo hức hơn.
Đời sống hiện nay khác rất nhiều so với mấy mươi năm trước đây. Ở một khía cạnh nào đó, câu nói "có tiền mua tiên cũng được" đúng trong trường hợp này. Các chị các mẹ chỉ cần ra quán, ra chợ vài tiếng là "xong xuôi" các đồ cho mấy ngày Tết. Các tiệm làm tóc tràn lan với nhiều kiểu tóc, tha hồ cho chị em lựa chọn để làm đẹp. Có thể nói, việc gian nan đi tìm phương thức làm đẹp thời bao cấp xưa trong điều kiện khốn khó khiến người ta trân trọng nhiều thứ xung quanh mình hơn, để thấy rằng dù cuộc sống hồi ấy dù thiếu thốn nhưng đó là một kỷ niệm thật đẹp./.
Ký ức Việt Nam gồm 1.510 phóng sự truyền hình với 6.000 phút phim màu về đất nước, con người Việt Nam những năm 1964-1981. Phim nằm trong kho phim tư liệu khổng lồ thời chiến tranh của Hãng truyền hình Nhật Bản NDN và đã được Đài truyền hình Việt Nam VTV mua bản quyền./.