Chuyện chưa kể về những gánh hát bội truân chuyên còn ở Sài Gòn: Ăn gạo chợ, uống nước sông
Đã từ lâu rồi sự xuất hiện của những gánh hát bội không còn được người ta háo hức chờ đợi, những nghệ sĩ lặng lẽ đến rồi âm thầm ra về khi vở diễn kết thúc.
Ở Sài Gòn hiện nay muôn vàn hình thức nghệ thuật mới được du nhập từ nước ngoài và phát triển rầm rộ, giới trẻ ít có cơ hội tiếp xúc với những bộ môn nghệ thuật cổ truyền. Thế nhưng ít ai biết rằng những gánh hát bội vẫn lặng lẽ tồn tại giữa lòng thành phố, sân khấu của họ là sân đình, sân miếu. Ngọn lửa nghề chưa bao giờ tắt, với họ dù chỉ còn 1 khán giả thì vẫn còn hát.
Nhưng khi tấm màn nhung khép lại là lúc cánh cửa cuộc đời mở ra, những ông hoàng bà chúa uy nghi vội trút bỏ lớp xiêm y lộng lẫy để trở về với những lo toan cơm áo gạo tiền. Với họ vở diễn cuộc đời đôi khi còn khắc nghiệt hơn những đao gươm trên sân khấu, bởi cái nghèo vẫn luôn khiến con người ta ám ảnh. Ấy vậy mà có ai bỏ được đâu, vì đã trót yêu, trót thương nghiệp cầm ca mất rồi!
Nghiệp cầm ca chưa bao giờ trải đầy hoa hồng.
Đời nghệ sĩ: ăn gạo chợ, uống nước sông
Chiều muộn, những tia nắng héo hắt rơi chậm rãi trên sân đình, trong chánh điện cánh đàn ông trong đoàn hát bội Ngọc Khanh tất bật dựng sân khấu cho buổi diễn trong lễ Kỳ Yên vào ngày mai. Phía khoảng sân trống gần đó những người phụ nữ tranh thủ sắp xếp hành lý tư trang, tìm chỗ mắc võng, trải chiếu để tối nay có chỗ ngả lưng. Bà bầu gánh hát đi một vòng ngắm nghía để tìm một vị trí đẹp nhất đặt bàn thờ tổ.
Những nghệ sĩ đoàn hát bội Ngọc Khanh cũng như rất nhiều đoàn hát bội khác ở Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn để duy trì công việc. Họ buộc phải tiết kiệm rất nhiều chi phí để có thể sống với nghề.
Đã thành thông lệ, mỗi năm vào dịp lễ Kỳ Yên của Lăng Ông Bà Chiểu thì các thành viên trong gánh hát bội Ngọc Khanh lại tề tựu về đây để cùng biểu diễn. Mỗi người mỗi nơi, có người ở Vũng Tàu, người ở Đồng Nai, người thì Tiền Giang... họ chở nhau trên những chiếc xe gắn máy để về đây gặp mặt.
Màn diễn tại lễ Kỳ Yên ở Lăng Ông.
Khi thời hoàng kim của hát bội đã trở thành dĩ vãng, những người nghệ sĩ yêu nghề nằm níu lấy nhau để được hát, được đứng trên sân khấu. Họ đã thôi mộng tưởng về những tán dương của khán giả, hay vinh hoa của nghề. Với họ còn được hát thì đã là hạnh phúc, dẫu tiền lương nhận được chẳng đủ tiền son phấn, xe cộ. Và dù phải ngủ lay lắt sân đình, ăn vội vàng phần cơm bụi.
Thời hoàng kim của hát bội đã kết thúc, giờ đây giới trẻ không còn mặn mà với bộ môn nghệ thuật này.
Theo nghề hơn 45 năm, nghệ sĩ Thái Hoà (61 tuổi) chứng kiến những thăng trầm của hát bội, đã có lúc ông tưởng chừng chẳng bao giờ còn được đứng trên sân khấu nữa. Nhưng rồi hát bội sống lại dù chỉ như ngọn đèn trước gió. "Khi cha tôi mất, ông không để lại cho tôi một món vật chất nào, chỉ để lại cho tôi cái nghề. Nghề hát đã trở thành nghiệp của gia đình, là điều quý giá và thiêng liêng nhất mà chúng tôi có được, thế nên chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện từ bỏ nghiệp hát" - ông tâm sự.
Tài sản lớn nhất mà cha mẹ đã để lại cho họ chính là nghiệp hát.
Theo đào Ngọc Khanh thì hơn 30 thành viên trong đoàn đều được tiếp xúc với hát bội từ khi còn trong bụng mẹ. Nghĩa là cha mẹ họ theo chân gánh hát lang bạt khắp các miệt Nam kỳ, rồi sinh con trong đoàn hát. Những đứa trẻ lớn lên bên cánh gà, đêm đêm nghe lời ca tiếng hát, nhịp trống điều kèn, riết rồi hát bội ngấm vào máu lúc nào không hay.
Họ - những đứa trẻ lớn lên bên cánh gà sân khấu, nên hát bội đã ngấm vào trong máu tự lúc nào không hay.
Cũng chính những năm tháng lang bạt trên những chiếc ghe bầu xuôi theo con nước đi khắp nơi biểu diễn, những năm tháng "ăn gạo chợ, uống nước sông" khiến người nghệ sĩ dần quen với gian khổ. Người ta nói đùa ở miết trong cái khổ cũng thành quen. Minh Tài (28 tuổi) cười bảo: "Nhiều khi ở nhà có phòng riêng, có nệm nằm êm ái lại khó ngủ, nhưng tới đình nằm võng lại ngủ ngon lành. Ở nhà ăn cơm đầy đủ cũng không ngon bằng ăn cơm với đoàn chỉ đơn sơ cá khô, nước mắm. Vậy đó một khi đã yêu một điều gì đó, thì dù tốt hay xấu, dù sang hay hèn cũng yêu".
Lên sân khấu làm vua, bước xuống lại... chạy xe ôm, bán vé số
Buổi sáng đoàn hát vở Ngọc Huỳnh Lân, chiều diễn vở Hồ Nguyệt Cô hoá Cáo. Mỗi suất diễn kéo dài 4 tiếng đồng hồ, người nghệ sĩ chẳng kịp ngả giấc nghỉ trưa, lúc diễn xong mệt lả người cũng chẳng màng ăn uống. Nhìn những giọt mồ hôi lăn dài trên lớp son phấn dày cộm mới thấu hiểu họ yêu nghề đến nhường nào.
Nghệ sĩ Minh Dương (40 tuổi) ngồi thu lu một góc tẩy trang, ông tâm sự: "Ở trên sân khấu mình làm ông tướng quyền quy, gọi một tiếng quân sĩ dạ đều rang, nhưng thằng nhỏ 9 tuổi đứng dưới sân khấu chỉ lên kêu ông này bán kẹo kéo thì mình cũng phải chịu, đó là cuộc sống của mình. Khi tấm màn nhung khép lại là lúc mình phải đối diện với những khó khăn của cuộc sống".
Phía sau tấm màn nhung là những phận đời cơ cực của người nghệ sĩ khi phải cố gắng đứng vững với nghề.
Bầu Ngọc Khanh buồn rầu bảo anh em trong đoàn còn nhiều khó khăn, để sống được với nghề hát mọi người phải tìm một công việc khác để kiếm thêm thu nhập. Hay nói như nghệ sĩ Thái Hoà thì họ phải lấy nghề nuôi nghiệp. "Mỗi suất hát kéo dài 4 tiếng đồng hồ mỗi diễn viên chính lãnh được 500-600 ngàn đồng, còn diễn viên vai người hầu hay quân sĩ chỉ được 150 - 200 ngàn. Trừ hết tiền son phấn, xăng xe đi lại thì còn lại bao nhiêu để đem về cho vợ cho con. Thành ra chúng tôi phải kiếm thêm nghề khác mà sống".
Những đồng tiền thưởng ít ỏi nhưng là nguồn động viên rất lớn để người nghệ sỹ cháy hết mình trên sân khấu.
Trên sân khấu kép Thái Hoà là ông vua quyền uy thét ra lửa, nhưng về đời thực ông lại cần mẫn với công việc chạy xe ôm. Ông cười chua chát bảo may mắn là đủ trang trải cuộc sống, không thiếu nợ ai đồng nào. Hay như nghệ sĩ Minh Tài (28 tuổi) ngoài những lúc đi diễn anh chàng ở nhà bán tạp hoá kiếm thêm thu nhập. Là vậy, mỗi người đều phải tự bươn chải người chạy xe ôm, người buôn bán, người làm móng dạo, có người đi bán vé số... nhưng dù vất vả thế đâu họ không bao giờ có ý định bỏ nghề hát.
Cởi bỏ chiếc long bào, họ là là những con người bình thường và khốn khó.
"Ăn cơm tổ thì theo nghề tổ. Nói vậy chứ ở nhà lâu không được đi hát là buồn chân buồn tay, nhớ sân khấu, nhớ khán giả lắm. Hễ mà nghe bầu kêu đi hát háo hức, bồn chồn mong đếm từng ngày" - Minh Tài hóm hỉnh nói.
Ăn cơm tổ thì theo nghề tổ.
Nghiệp cầm ca xưa nay vẫn thường bị dè bỉu là "xướng ca vô loài". Đôi khi người nghệ sĩ cũng cảm thấy tủi thân. Bởi người ta chẳng thể nào thấu hết những điều mà người nghệ sĩ phải hi sinh để được cống hiến cho nghệ thuật. Sân khấu bạc, khán giả bạc, nhưng nghệ sĩ thì không bạc. Ở hát bội, người ta không tranh nhau một vai diễn hay hơn thua nhau mấy đồng tiền lương. Cùng một cảnh ngộ họ thương nhau nhiều hơn. Như chiều nay, sau suất diễn cuối mọi người trích một ít tiền công để quyên góp tiền phúng điếu cho một nghệ sĩ nghèo ở Bình Phước vừa qua đời. Số tiền ít ỏi chẳng đáng là bao nhưng chứa đựng cả cái tình nghệ sĩ.
Bầu Ngọc Khanh đứng ra quyên góp tiền phúng điếu cho một nghệ sĩ nghèo vừa qua đời.
Chỉ mong giây phút cuối đời được nằm trên sân khấu
Chuyện kể rằng ở làng Trung Định có người con gái xinh đẹp tên Lành. Cô nàng mê xem hát bội rồi xin mẹ cho theo nghề hát, làm đào cho gánh hát của ông Bầu Chẩm ở trong làng. Mẹ cô là bà Hai Đẩu quyết không cho con gái mình theo nghề hát bội, đánh đòn và đòi "từ" cô mà vẫn không ngăn được con gái mình. Từ khi cô Lành đi theo hát bội, bà Hai Đẩu như người tâm thần, ra đường gặp con gái nhà ai xinh như con bà, bà liền chỉ vào mặt mà mắng:
"Trồng trầu thả lộn dây tiêu
Con theo hát bội, mẹ liều con hư
Ngó lên hòn núi Mù U
Con theo hát bội xuân - thu mẹ buồn".
Má ơi đừng đánh con đau, để con hát bội làm đào má coi!
Đời hát bội lang bạt, chẳng thấy tương lai. Thế nên chẳng bậc cha mẹ nào muốn con mình khổ. Chính như nghệ sĩ Ba Út là một nghệ sĩ hát bội nổi tiếng, nhưng bà lại không đồng ý cho con gái theo nghiệp hát. Đào Ngọc Khanh (con gái của nghệ sĩ Ba Út) nhớ lại: " Hồi 9 tuổi tôi đã đòi mẹ cho đi hát, nhưng bà quan niệm 'lão lai tài tận', khi quá lứa 40 là bắt đầu bị đào thải, nên không cho tôi theo nghề. Bà muốn tôi học chữ, đặng có tương lai. Nhưng một khi đã đam mê thì chạy đi đâu cũng không tránh được".
Kể cũng đúng, cuộc sống con người nếu không có đam mê, không có điều gì đó để ta cố gắng thì liệu có còn ý nghĩa. Hát bội bây giờ không đem đến cho người nghệ sĩ vinh hoa, hay sự nổi tiếng nhưng cho họ một cuộc đời đầy ý nghĩa, ít nhất là những giây phút được đứng trên sân khấu và nghe những tiếng vỗ tay. "Tôi chỉ mong sao ngày cuối cùng của cuộc đời được nằm trên sân khấu. Lúc đó tôi nhắm mắt sẽ không còn gì hối hận" - nghệ sĩ Thái Hoà nói rồi vội lên xe chạy về Tiền Giang khi gương mặt chỉ được tẩy trang một nửa.
Với họ sân khấu là cả cuộc đời.
Nhớ lại tai nạn xe máy vào năm 2007 khi đang trên đường đi diễn, đào Ngọc Khanh những tưởng đã chết. Các thành viên trong đoàn mỗi người một ít gom góp tiền để chạy chữa cho bà. Giờ đây khi sức khoẻ đã ổn định đào Ngọc Khanh nguyện rằng còn sống được ngày nào thì sẽ cống hiến cho sân khấu ngày đó.
Còn sống ngày nào sẽ cống hiến cho sân khấu ngày đó.
Thế nhưng nhiều lần có những bạn trẻ đến tìm gặp đào Khanh để xin học nghề, bà đều lắc đầu từ chối. "Có thực mới vực được đạo, tiền lương không nuôi nổi bản thân thì làm sao gắn bó với nghề. Đời chúng tôi khổ đủ rồi". Nói là vậy chứ lớp nghệ sĩ lớn tuổi ấy vẫn luôn cánh cánh một nỗi niềm: Liệu khi thế hệ của họ nằm xuống thì hát bội có còn hay không!?