Chuyện chiếc xe đẩy siêu thị
Xe đẩy trong siêu thị bây giờ là một điều quá đỗi bình thường, chẳng có gì đáng chú ý. Thế nhưng hành trình phát triển và cải tiến của những chiếc xe đẩy này đều ẩn chứa các “mánh khóe” kinh doanh.
“Cha đẻ” của xe đẩy siêu thị là Sylvan Goldman. Ông được cấp bằng sáng chế vào năm 1939.
Trước đó, các siêu thị chưa có dịch vụ tự lựa hàng. Người mua đa số chỉ đưa một danh sách các món hàng cho thu ngân, rồi người này sẽ tự chọn các món hàng sau quầy. Đến năm 1916, Piggly Wiggly, cửa hàng tạp hóa tự phục vụ đầu tiên ra đời, thì người mua sắm mới làm quen với cảm giác xách giỏ hàng, tự đi chọn hàng. Nhưng lúc đó thứ đồng hành với họ mới chỉ là các giỏ hàng xách tay.
Sau đó Piggly Wiggly mở rộng ra thành chuỗi. Hai thập niên sau, Sylvan Goldman sở hữu một vài cửa hàng ở Oklahoma. Đến những năm 1930, tủ lạnh gia đình dần phổ biến (đầu thập niên chỉ có 8% gia đình có tủ lạnh, đến cuối thập niên có đến 44%). Điều này cho phép người tiêu dùng một lần có thể mua nhiều đồ hơn mà không lo bị hư hỏng.
Chính vào lúc này, Goldman phát hiện ra rằng mỗi khi giỏ hàng đầy, thì người mua sẽ nhanh chóng đưa đến thu ngân, dù rằng họ vẫn còn nhiều thứ muốn mua. Vậy nên Goldman nhận thấy cần một thứ gì đó để người mua có thể đựng được nhiều đồ hơn khi lựa hàng.
Ý tưởng đã có, và đến năm 1936, từ một chiếc ghế gấp, ông sáng tạo ra một giỏ hàng có thể di chuyển bằng những bánh xe ở bên dưới.
Lúc mới đưa ra triển khai, mọi người không đoái hoài gì đến những chiếc xe mới lạ này, có lẽ do chiếc xe to hơn các giỏ hàng rất nhiều. Thế là Goldman tung ra một chiêu độc. Ông thuê một vài phụ nữ ở mọi độ tuổi đẩy xe đẩy đi quanh các cửa hàng của mình khiến người mua hàng chú ý và dần làm quen với nó. Mọi chuyện dần được đi lên.
Sau đó ông thành lập công ty Folding Carrier để sản xuất và bán những chiếc xe đẩy hàng này. Thiết kế của ông được cấp bằng vào năm 1939.
Đến năm 1946, nhà sáng chế Orla Watson nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho thiết kế xe đẩy không gấp, nhưng có các tấm phía sau được gắn bản lề, giúp xe đẩy có thể lồng gọn vào nhau, tiết kiệm không gian. Watson được cấp bằng sáng chế năm 1949, còn Goldman thiết kế thêm bản lề vào sản phẩm xe đẩy của mình sau khi trả tiền bản quyền cho Watson.
Những chiếc xe đẩy trở thành mặt hàng rất phổ biến kể từ năm 1940, thậm chí nó còn xuất hiện trên trang bìa The Saturday Evening Post. Theo một nghiên cứu của America's Research Group, người mua sử dụng xe đẩy trong siêu thị mua trung bình 7,2 món hàng, cao hơn so với 6,1 món hàng của nhóm không dùng xe đẩy.
Thế nhưng theo thời gian, những chiếc xe đẩy dần bị lãng quên. Theo một nghiên cứu năm 2020 của Tạp Chí Business Research, trong siêu thị chỉ có 18,8% người mua dùng xe đẩy, còn 35% dùng giỏ, trong khi có đến gần một nửa chẳng dùng thứ gì để đựng đồ cả.
Mặc dù vậy, đây không phải là dấu hiệu lụi tàn của những chiếc xe đẩy. Bởi các siêu thị tìm cách biến những xe đẩy truyền thống thành xe đẩy thông minh.
Xe đẩy thông minh hiện diện trong rất nhiều chuỗi siêu thị lớn, chẳng hạn Kroger, Albertsons hoặc Whole Foods. Với “phương tiện này”, người mua mỗi lần đặt hàng vào xe đẩy thì món hàng sẽ tự động được quét mã và tự thanh toán. Không chỉ vậy, một vài xe đẩy còn có tính năng gợi ý và tìm các phiếu mua hàng.
Đối với những đơn vị vận hành cửa hàng, dữ liệu từ xe đẩy là nguồn thông tin quan trọng để họ hiểu rõ khách hàng.
Thế nhưng xe đẩy cũng có một số khuyết điểm.
Chẳng hạn một nghiên cứu năm 2011 từ 85 tay cầm xe đẩy ở bốn tiểu bang cho thấy có 72% chứa vi khuẩn trong phân. Mức này còn cao hơn cả trong nhà tắm. Một nghiên cứu khác từ năm 2017 cho thấy có đến 19.000 vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi liên quan đến xe đẩy siêu thị, hầu hết (12.000 vụ) là do ngã từ xe đẩy.
Mặc dù vậy, “văn hóa” dùng xe đẩy khi đi siêu thị đã có từ rất lâu, ăn sâu vào tiềm thức người dùng. Ngoài ra ở siêu thị cũng có nhiều xe đẩy nhỏ cho trẻ em, và theo các chuyên gia giáo dục sớm, thì đây là một bài học rất tốt cho trẻ em, giúp chúng học được cách lựa chọn, thương lượng, lên kế hoạch và cư xử tử tế.