Chuyện chỉ toàn đắng cay ở phòng thụ tinh nhân tạo

,
Chia sẻ

Con cái được coi như “chất kết dính”, yếu tố đảm bảo và duy trì hạnh phúc gia đình. Thế nhưng, những cặp vợ chồng bị vô sinh dường như có xu hướng ngày càng tăng lên.

Thiếu “nến hồng”, hạnh phúc khó lung linh

Có đến các trung tâm điều trị hiếm muộn, vô sinh một lần, người ta mới thấu hiểu đối với nhiều cặp vợ chồng, khát khao có được một đứa con lớn lao như thế nào.

Gia đình thật khó hạnh phúc nếu thiếu những cây "nến hồng"! (Ảnh Google - Imegine)

Tại những trung tâm chữa vô sinh có uy tín ở Hà Nội hay TP.HCM, mỗi ngày vẫn có hàng chục cặp vợ chồng đến thăm khám và điều trị. Trong khi ở bên ngoài còn hàng trăm gia đình khác vẫn lặng lẽ sống trong cảnh không con cái, không tiếng cười trẻ thơ.

Chính vì không có con cái nên cuộc sống nhiều gia đình đã rơi vào bi kịch. Nhiều người khi lấy nhau, yêu nhau là thế, nhưng sau nhiều năm không có con, họ đã lặng lẽ chia tay trước sự nuối tiếc của gia đình và bạn bè.

Bác sỹ Tô Minh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Trưởng khoa hỗ trợ sinh sản, người đã hơn 20 năm chữa trị hiếm muộn, vô sinh kể: Cách đây không lâu, Khoa Hỗ trợ sinh sản có đón nhận một cặp vợ chồng đã ngoài 40 tuổi, không thể có con do lần điều trị chửa ngoài dạ con trước đó, chị vợ bị di chứng dính buồng tử cung.

Trước khi đến Khoa hỗ trợ sinh sản, BV Phụ sản Hà Nội, cặp vợ chồng này đã chạy chữa ở rất nhiều bệnh viện. Có nơi, cặp vợ chồng này đã chạy chữa hàng năm trời, tốn rất nhiều tiền, nhưng không thấy một tia hy vọng nào.

Không thể sinh con cho nhà chồng, chị vợ rất buồn nên không ít lần viết đơn đòi ly dị để chồng đi lấy vợ mới. Song, vì quá yêu vợ nên anh chồng không chịu, vẫn đưa vợ đi chạy chữa khắp nơi. 

Những đứa trẻ luôn là "chất kết dính" kết nối quan hệ vợ chồng và duy trì hạnh phúc gia đình (Ảnh Google - imegine)

Ngoài 40 tuổi mà chưa có con cái nên cuộc sống của vợ chồng này cũng rất lặng lẽ. Họ luôn phải đóng cửa ở nhà, không dám đi chơi với bạn bè, họ hàng nhiều. Bởi, đi đến đâu họ cũng sợ có người hỏi chuyện con cái thì rất tủi, không biết ăn nói thế nào.

Mới đây, cũng tại Khoa hỗ trợ sinh sản, một phụ nữ quê ở Hà Nam, do hiếm muộn đường con cái, đã chữa ở nhiều nơi không thành, cứ nắm lấy tay bác sỹ Phương nói trong nước mắt: “Chị cứu em với. Chồng em đã ra tối hậu thư rồi. Nếu lần này mà không thành công thì sẽ chia tay!”.

Theo lời người phụ nữ, thì sau mấy lần đi làm thủ thuật khá tốn kém nhưng không thành, anh chồng đã ra “tối hậu thư”, rằng: nếu tiếp tục một lần nữa không thành thì phải chia tay. Chi phí chữa trị hết bao nhiêu, khi ra tòa, hai người phải chia đôi.

Bác sỹ Tô Minh Phương: Nam giới thường rất dễ bỏ vợ, nếu biết vợ vô sinh. Nhưng nếu chồng vô sinh thì người phụ nữ sẽ không bao giờ bỏ chồng mình. (Ảnh Nguyễn Tuyến).

Nhiều năm làm công tác tư vấn và chữa vô sinh, tiếp xúc với hàng nghìn người bệnh, BS Phương đã gặp không ít trường hợp tương tự. Thậm chí, có trường hợp, ngày mới đi chữa trị còn rất yêu nhau, tưởng không gì có thể chia rời. Nhưng vì chạy chữa mãi không thành nên hạnh phúc vì thế cũng hao mòn dần.

Những lần đến khám và điều trị sau này, họ chỉ có thể đến viện cùng nhau, có tỏ ra còn tình cảm trước mặt mọi người, nhưng khi ra bên ngoài cổng viện thì mỗi người bắt xe đi mỗi hướng.

Không có con thì ly dị

Cũng là người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực chữa hiếm muộn, vô sinh, bác sỹ Lê Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ Trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (BVPSTW) cũng được chứng kiến vô số những câu chuyện gia đình vừa cảm động, vừa rất đau lòng.

Bác sỹ Lan kể, mới đây, có trường hợp một đôi vợ chồng nông dân ở Nam Định đến khám chữa vô sinh. Nhưng sau khi biết người vợ không thể có thai tự nhiên, mà phải dùng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, chi phí hết 40-50 triệu đồng một ca, anh chồng đã tuyên bố: Sẽ về quê lấy vợ khác chứ nhất định không chịu mất ngần ấy tiền mà kết quả thì chưa chắc đã biết có con hay không.

Đứa con là khát khao cháy bỏng của những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn (Ảnh Google - Imegine)

Để giữ gia đình cho người phụ nữ này, người thân của chị đành phải góp tiền, mỗi người một chút để giúp chị vợ thử vận may với việc làm thụ tinh ống nghiệm.

Cách đây không lâu, một cặp vợ chồng ngoài 30 tuổi, người ngoại thành Hà Nội, là trí thức cũng đến BVPSTW chữa vô sinh.

Tại đây, dù các bác sỹ đã xác định được nguyên nhân vô sinh do lượng “tinh binh” của anh chồng quá yếu, không thể có con tự nhiên, song anh chồng lại khăng khăng đổ lỗi cho vợ. Rồi anh thẳng thừng tuyên bố: Chữa thì cứ chữa. Nếu thành công thì chung sống. Còn không thành công thì sau này ra tòa ly dị.

Nghe anh chồng nói vậy, cô vợ đau khổ lắm, nước mắt ngắn dài. Bởi lúc này, chị đã nghe đuợc thông tin anh chồng đang ngoại tình với một cô gái khác để mong kiếm được một đứa con.

Đến trung tâm hỗ trợ sinh sản để tìm kiếm một đứa con, không chỉ có những cặp vợ chồng trung niên, trẻ tuổi. Tại đây, có nhiều cặp vợ chồng đã ở độ tuổi, mà theo dân gian hay nói là đã… hết tuổi đẻ cũng tìm đến để mong có thêm con.

Theo bác sỹ Lan, những cặp vợ chồng tuổi đã cao vẫn tìm đến trung tâm mong được tiếp tục có con, nhiều trường hợp do đứa con duy nhất của họ đã bị chết vì tai nạn giao thông.

Mặc dù rất thông cảm với nỗi đau của bệnh nhân, nhưng vì tuổi tác họ đã cao, các bác sỹ vẫn phải khuyên họ không nên tiếp tục mang bầu. Bởi, nếu tiếp tục mang bầu, đứa con của họ khi sinh ra sẽ đối diện với rất nhiều nguy cơ, như: bị down, bị đa dị dạng hay chậm phát triển trí tuệ…

Bác sỹ khuyên là thế, nhưng, với nhiều người, một đứa con, dù con như thế nào cũng được và mất bao nhiêu tiền họ cũng chấp nhận. Vì vậy, nhiều cặp vợ chồng vẫn cứ chấp nhận mạo hiểm để có một đứa con, có “chất kết dính’ – ngọn nến hồng sưởi ấm hạnh phúc gia đình trong những ngày còn lại của cuộc đời...
 
Theo Vietnamnet
Chia sẻ