Trẻ khoẻ thì ly hương...
Chúng tôi về xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc trong những ngày đầu năm mới để tìm hiểu về cuộc sống của người dân trong ngôi làng mà lâu nay đã nghe đồn rằng trong làng chỉ có người già và trẻ con.
Tưởng là chỉ đồn đoán thế thôi, ai ngờ về rồi mới biết đó là sự thật. Đi suốt trên con đường làng lúc thẳng lúc quanh, rẽ vào các thôn, xóm nhỏ… đi đâu chúng tôi cũng chỉ gặp toàn ông bà già và trẻ nhỏ.
Hỏi ra mới biết, ở làng này, những người có sức lao động, thanh niên mới lớn hay những người trung tuổi đều “mải mê” với cuộc mưu sinh ở những nơi xa; từ Nam chí Bắc, đâu kiếm được tiền là họ đi, để lại ở nhà toàn người già, trẻ con và những người ốm đau bệnh tật.
Ngoài làm ruộng, dân Yên Đồng có thêm mấy nghề truyền thống là làm cốt lõi chăn bông, làm bánh mỳ và đi chợ buôn đồng nát. Tuy có nghề nhưng không mấy ai ở làng làm ăn mà họ chọn con đường ly hương để phát triển nghề và tăng thu nhập. Như thể “lệ làng”, cứ ăn Tết xong, không ai bảo ai, những người trẻ, khỏe ở Yên Đồng lại lên đường. Họ đi quanh năm suốt tháng. Nhiều nhà cứ đóng cửa im ỉm cả năm vì chủ đã đi hết, còn ai mà ở. Ai có con nhỏ thì gửi bố mẹ già chăm nom hộ, mỗi tháng gửi tiền về cho các cụ một lần.
Trong nhà, ngoài ngõ chỉ toàn người già và trẻ nhỏ
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Đồng, cho biết: “Xã có hơn 2.000 hộ dân thì trung bình hàng năm có khoảng 2.000 người đi làm ăn xa. Họ đi khắp nơi, từ năm ngoái dân Yên Đồng lại kéo nhau vào tỉnh Lâm Đồng trong Tây Nguyên đó. Dân vào đó chủ yếu là đi chợ đồng nát, làm công nhân, đi xây, làm mộc, làm thuê làm mướn… Họ đi làm hết năm, có khi là vài năm mới về”.
Ông bà là bố mẹ
Người trẻ đi rồi, ở nhà, từ việc đồng áng, việc nhà cửa đến việc chăm sóc lũ trẻ, tất cả đều đến tay các cụ đã 70, 80 tuổi. Lũ trẻ xa bố mẹ đã quen, cũng ngoan ngoãn quanh quẩn bên ông bà.
Chúng tôi đến nhà bà N.T.L ở thôn Đồng Tâm những ngày ráp rằm tháng giêng. Trong căn nhà cấp bốn cổ có một bà cụ đã ngoài 70 tuổi, một bà cô ốm bệnh và hai đứa trẻ con đang lăng xăng chơi ngoài sân.
Mới 10h sáng, bà cụ đứng ngoài giếng bơm nước vo gạo, rồi vào bếp lo bữa trưa cho một người bệnh và hai đứa trẻ lên 4, lên 5. Cụ bộc bạch: “Bố mẹ nó vừa đi hôm mùng 6 Tết, vào làm ăn tận trong Lâm Đồng cơ, năm nào cũng đi, đến Tết lại về”.
Bà cụ lạc quan: “Vợ chồng nó bàn nhau năm nay làm cố để tháng giêng năm sau cất lại cái nhà cho cao ráo. Chúng nó đã cố thế thì mình cũng chỉ biết động viên và trông con cho nó yên tâm mà làm ăn”.
Đã quen với cảnh trong nhà vắng bóng bố mẹ, 2 đứa bé 1 trai 1 gái lúi húi chơi ngoài sân đến khi biết nắng thì chạy vào nhà. Luẩn quẩn bên bà, bị bà mắng, chúng lại chạy ra cổng đùa với lũ trẻ cùng xóm.
Người làng cho biết, thường bọn trẻ học cấp 1, cấp 2 thì vẫn ngoan ngoãn nhưng cũng chẳng giúp ông bà được gì nhiều. Lên cấp 3 thì nhiều đứa đã không còn nghe lời ông bà, vắng bố mẹ chỉ bảo sinh lêu lổng...
Những vụ việc đáng tiếc!
Cuộc mưu sinh trăm ngả của người dân Yên Đồng cũng có nhiều vẻ. Người tu thân, tu chí làm ăn thì đi vài năm về là xây được nhà tầng, nhưng cũng có những người về làng với 2 bàn tay trắng vì vỡ nợ, lại có những thanh niên khi đi khoẻ mạnh nhưng khi về thì “bủng beo”.
“Đời sống của người dân địa phương ngày càng được cải thiện, hộ đói không còn, hộ nghèo giảm. Nhưng do người dân đi làm ăn xa nên có những người xa ngã và mang về làng, về xóm tệ nạn xã hội như: nghiện ma tuý, trộm cắp… Tuy nhiên trong xã chưa xảy ra vụ hiếp dâm trẻ em nào” - Ông Nghĩa nói về tình hình địa phương.
Thực tế, tệ nạn ở Yên Đồng không chỉ làm ảnh hưởng chung đến môi trường sống vốn yên bình của một làng quê mà nghiêm trọng hơn đã “đe doạ” đến tâm hồn và thể chất của những đứa trẻ đang từng ngày lớn lên mà không có sự chăm bẵm, dạy dỗ của cha mẹ.
Huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 31/1 (tức mùng 6 Tết), bé gái N.T.H 5 tuổi bị một gã đàn ông 40 tuổi hiếp dâm trong lúc chơi đùa ở khu vực gần nhà. Hậu quả, bé bị bầm dập nhiều phần phụ với một vết thương rộng, rách trực tràng, đứt một phần cơ thất và một số vùng lân cận... dẫn đến biến dạng phần phụ; ngoài ra còn một vết thương tinh thần không nhỏ, rất khó chữa trị. Và điều đáng nói là bố mẹ bé H cũng đi làm ăn xa, để bé ở nhà với ông bà. Bố mẹ mải kiếm sống tha hương, mẹ lại mới sinh em nhỏ, nên không thể về ăn Tết. Ngày Tết quanh quẩn chơi một mình, H đã bị hãm hại.
Ở những làng quê nghèo, cuộc mưu sinh, thậm chí phải tha hương, là cần thiết dù không ai muốn. Nhưng tại sao không thể làm giàu trên mảnh đất quê hương bằng chính nghề của mình? Để con trẻ được sống trong vòng tay mẹ cha, để người già được nương tựa con cháu? Câu trả lời có lẽ cần tìm từ chính quyền xã Yên Đồng và huyện Yên Lạc.
Theo Dân trí