"Chuyến bay đêm" với "phi công" không phải chồng mình
Khi biện minh cho chuyện ấy, chị nói rằng đó là cách “để thêm sức chịu đựng hôn nhân”.
1. Anh A. đồng nghiệp của người viết bài này là người luôn luôn có bồ. Anh là kẻ ngoại tình chuyên nghiệp. Khi cô này khi cô khác, chưa bao giờ anh ở trong “tình trạng” chung thủy. Anh tuyên bố: “Chỉ đổi bồ chứ không đổi vợ”. Một anh trong nhóm nghe thế “chỉnh lý” thành “Đổi bồ để khỏi đổi vợ”. Anh khác diễn giải: “Bản chất của tình dục luôn đòi hỏi sự mới mẻ. Trong đó, không gì bằng có đối tượng mới. Hôn nhân thì ngược lại, cũ và nhàm, quá nhiều bổn phận trách nhiệm mà quá ít những giây phút thăng hoa nên dễ rơi vào tình trạng chết cảm xúc. Ngoại tình thì nghiêm trọng quá, nhưng những cuộc vượt thoát nho nhỏ như ăn bánh trả tiền, tình dục trao đổi (mang tính đột xuất khi gặp đối tượng phù hợp), hoặc tình ảo, ngoại tình tư tưởng... có thể là những cuộc “cấp cứu” kịp thời khiến người ta hồi sinh và phục hồi cảm hứng với tình dục, với cuộc sống”.
2. Người viết bài này có một bà chị họ sống ở Mỹ, đã có chồng và một con gái nhỏ 5 tuổi. Mỗi năm chị đều về Việt Nam thăm gia đình một lần, nhưng không lần nào đưa người chồng Mỹ về cùng.
Về nước, chị thường để con cho mẹ đẻ trông, một thân một mình đi du hí khắp nơi. Trong những cuộc du hí đó, bao giờ chị cũng kiếm được một người bạn đường nam giới, là một khách du lịch cô đơn đẹp trai nào đấy. Thậm chí, về tới Sài Gòn, đi bar thôi, chị cũng có trai để qua đêm. Mà chị chỉ “cặp” với đàn ông Việt, vì theo lời chị thì ở bên đó chị thiếu tình đồng hương. Và bảo, đấy là những dịp chị “nạp năng lượng để tiếp tục vận hành trơn tru cỗ máy hôn nhân Việt - Mỹ trong suốt một năm tới”.
Khi tôi hỏi nếu ở bên đó, người chồng Mỹ của chị cũng tranh thủ dịp chị vắng mặt dài ngày như vậy để vui thú với một hay vài “cô em đồng hương” nào đấy thì sao, chị phẩy tay: “Thì phải chấp nhận thôi. Mình có hơn gì mà đòi hỏi. Coi như đó là món quà Giáng sinh hai vợ chồng tặng nhau, món quà tự do ngắn hạn”.
Những điều trên, nghe qua về mặt lý thuyết thì có vẻ ổn. Nhưng những con số thống kê xuất phát từ thực tế thì lại không cho là như vậy.
Các chuyên gia tư vấn tâm lý tình yêu - hôn nhân thừa nhận, ngoại tình luôn là lý do chính (chiếm tỷ lệ cao nhất) dẫn đến ly hôn trong bất cứ xã hội nào, dù là ở Anh, Trung Quốc hay Việt Nam. Nguyên do: đặc tính cơ bản của tình yêu là sự chiếm hữu, không chấp nhận chia sẻ. Thế nên, khi điều này xảy ra, kẻ bị cắm sừng thà chịu mất hẳn chứ không đồng ý duy trì tình trạng “có mà không đủ”.
Để tăng độ bền cho một cuộc hôn nhân đang ở trong nguy cơ muốn đứt, sắp đứt, thì sự hợp tác tích cực giữa hai vợ chồng một cách kiên trì, hiểu biết mới là phương thuốc cứu vãn và cải thiện “nhiệt độ sống” của hôn nhân. Lúc này, dùng lực lượng ngoại viện theo kiểu “bổ sung tình cảm” chẳng khác gì hành động muốn gia cố cho nhà mình sắp sập lại đi đào gạch nhà sang đắp móng cho hàng xóm!
Thẳng thắn và khách quan mà nói thì vui thú ngoài hôn nhân có thể giúp hồi phục cảm hứng tình yêu, tình dục và qua đó tăng cảm giác sống, nhưng chỉ cho người đang tham gia “bữa ăn cải thiện” ấy thôi, chứ không phải - không thể là cho hôn nhân. Ngược lại, đó luôn là kẻ có sức “bức tử” hôn nhân cao nhất trong mọi “sát thủ”!