Chụp ảnh cưới: Chuyện chỉ có ở "Studio" Bách Thảo
Có dịp đi qua công viên Bách Thảo hay Bảo tàng Dân tộc học vào những ngày nắng mùa thu, nhất là những ngày cuối tuần, không ít người ngạc nhiên khi thấy có quá nhiều cô dâu chú rể.
Không phải họ cưới, mà là họ chụp ảnh cưới ngoài trời. Những buổi chụp hình ngoài trời mang lại cho cô dâu chú rể những kỷ niệm thật vui, đáng nhớ, suốt cả cuộc đời cũng không bao giờ quên.
Không chỉ cô dâu trẻ
Những ngày cuối tuần, nhất là những ngày có nắng đẹp, các đoàn làm ảnh khắp nơi ùn ùn đổ về Bách Thảo, Bảo tàng Dân tộc học... Phí để được vào chụp cũng chỉ tượng trưng ở mức 50.000 đồng.
Cầu trong công viên Bách Thảo là một điểm đẹp, đôi nào vào đây chụp cũng phải chụp bên chiếc cầu này. Đông quá, các đôi cứ thế là váy áo xúng xính cùng đoàn của mình đứng xếp hàng chờ đến lượt.
Vào chủ nhật đẹp trời bạn có thể cùng một lúc chiêm ngưỡng hàng chục đôi uyên ương chụp ảnh cưới tại Bách Thảo. (Ảnh: Thu Hằng) |
Trong lúc chờ, các cô dâu trẻ tranh thủ nói chuyện làm quen, trao đổi cho nhau một vài địa chỉ mua sắm cho ngày cưới. Người nhà cũng nhân cơ hội này "cắm" vào miệng cô dâu mấy lon sữa tươi tranh thủ cho lại người.
Vị lãnh đạo của công viên Bách Thảo cho biết, ngày đông có tới hàng trăm cô dâu đến đây để chụp ảnh cưới. Còn đoàn "tùy tùng" đi theo có khi lớn tới 30 - 40 người/đám. Sở dĩ nhiều người yêu mến nơi này là do đây được mệnh danh là khu vườn tình yêu.
Cảnh quan đẹp, cổ kính, nhiều cây cổ thụ... là những chất liệu tạo hình rất tốt nên cô dâu chú rể cũng như các nhiếp ảnh gia rất yêu thích nơi này. Công viên cũng rất tạo điều kiện cho họ chụp hình kỷ niệm.
Hiện nay, công viên đã làm thêm nhiều mô hình xe hoa, cốc hoa, làm phong phú thêm cảnh quan. Lãnh đạo công viên cũng không chấp nhận cho các đơn vị bên ngoài vào kinh doanh, cho thuê xe ngựa, đàn, xe máy cổ... vì không quản lí giám sát được nguồn thu của các đơn vị này, sợ họ gây mất an ninh trật tự cũng như sợ họ chèn ép giá cho cô dâu chú rể thuê đạo cụ dụng cụ chụp hình.
Đặc biệt, không chỉ có các đôi uyên ương trẻ tuổi đến đây, mà các bác kỷ niệm lễ cưới vàng, lễ cưới kim cương cũng đến đây để chụp hình ngoại cảnh kỷ niệm.
Ối, tụt!
Theo chân các cặp đôi chụp hình tại đây mới thấy có nhiều chuyện bi hài. Theo chỉ đạo của bác phó (thợ chụp hình), chú rể đã chon von trên cây, cô dâu lả lướt dưới gốc. Bỗng, bác phó làm cái thót: "Ối, tụt". Thì ra, độn ngực của cô dâu đã lộn phộc ra ngoài khi cúi xuống.
Lần này thì anh thợ hắt (hắt sáng) quá nhanh nhẹn, chạy bổ lại nhặt, sực nhớ ra không phải nhiệm vụ của mình, liền đưa cho cô dâu. Mọi người đứng xem xung quanh cười toáng lên khiến cô dâu xấu hổ, nhét vào không được, buông ra cũng không xong.
Chú rể định anh hùng cứu mỹ nhân, nhưng trước bàn dân thiên hạ đang cười thì cũng không dám đưa dụng cụ trở lại ngực, bác phó la toáng lên, gọi cô trang điểm lại giúp. Cô này đang tranh thủ nhổ mấy cái lông mày, vội vã chạy đến, nhét huỵch huỵch hai phát vào ngực cô dâu, mồm lẩm bẩm, có thế mà cũng phải gọi.
Váy cho cô dâu chụp hình thường không phải quá cầu kỳ chỉnh sửa cho ôm vừa cô dâu như váy trong ngày cưới. Ngoại trừ cô dâu to hơn váy thì chịu, còn bé hơn váy, đôi khi, người ta sáng kiến, dùng cặp quần áo túm lại phía sau lưng cô dâu. Khi chụp sẽ chụp giấu phần cặp tua tủa này đi, lên ảnh chẳng thấy cái cặp nào.
Cảnh chụp cô dâu phải vừa nhảy lên vừa cười, đã diễn đi diễn lại mấy lần khiến cô dâu mệt nhoài. Nhảy mãi, nhảy mãi, cuối cùng bác phó cũng ra dấu OK bằng ngón tay. Cô dâu nhảy thêm phát nữa vì sướng quá thì: "Ối, tụt". Mấy cái cặp, cài ẩu phía sau lưng bung ra, váy ống rộng quá cứ thế tụt xuống. Cô dâu vội vã kéo lên dùng hai nách kẹp chặt. Ban cố vấn lao đến trợ giúp. Cả đoàn được một phen cười nghiêng ngả.
Công nghệ thay váy
Cô dâu thay váy giữa thanh thiên bạch nhật, giữa chốn công cộng đông người quả là một bước nhảy vọt trong công nghệ thay váy. Một buổi chụp, thường cô dâu sẽ thay khoảng 3, 4 bộ váy. Nhưng mỗi lần thay mất không đến 5 phút đồng hồ.
Tùng váy là phần cô dâu mặc phía dưới, làm bằng vải phin trắng, có cái vòng tròn bằng nhựa bên trong giúp cho váy xòe ra. Cô dâu sẽ mặc cố định cái tùng váy này, chui cái váy mới qua đầu, váy mới kéo xuống đến đâu thì một người giúp cô dâu tụt váy cũ xuống đến đấy. Bước cuối, cô dâu chỉ việc bước chân ra khỏi cái váy cũ, chỉnh trang lại váy mới, thế là xong.
Cùng lắm, khi cần thay cả tùng váy, thì ba bốn người sẽ cầm miếng vải quây lại, cô dâu cứ việc lục đục phía trong thay cho đến bao giờ xong. Ngượng nữa, thì chụp cái hắt sáng lên làm nóc.
Chú rể "khóc nhè chè thiu"
Làm diễn viên, các cô dâu có lẽ chuyên nghiệp hơn các chú rể nhiều. Các cô ngúng nguẩy làm dáng, đánh mắt, đưa môi, như những diễn viên thực thụ. Các chú rể, phần lớn đều ngượng ngùng, khi phải tạo dáng, hay phải diễn các cảnh yêu đương như hôn môi cô dâu giữa ban ngày, lại có nhiều người xung quanh xem.
Mấy anh thợ chụp hình, lại khó tính, cứ bắt đứng phải thế này, tay phải cầm chỗ này, đặt vào chỗ kia cô dâu, mắt phải biết nói chuyện như thế nào, khiến nhiều chú rể ngán ngẩm thốt lên: Không gì cực khổ bằng đi chụp ảnh cưới.
Có chú rể, bác phó hô hôn đi, hôn đi đến khản cả cổ, vẫn loay hoay không dám hôn cô dâu, khiến cô dâu phát nổi giận, hôn choẹt một phát vào chú rể cho nhanh khiến mọi người lại được một phen cười tá lả, cô dâu này cũng bật cười rất ngộ nghĩnh khi "cưỡng hôn" vị hôn phu.
Đôi khi, các chú rể cũng gặp rắc rối với làn da châu Á của chính mình khi thợ trang điểm trát lên mặt một lớp phấn và tức thì làn da này phản ứng dữ dội, từng mảng đỏ cứ nổi lên ầm ầm khiến chú rể chỉ còn nước phát khóc vì ngứa ngáy khó chịu.
Những ý tưởng dễ thương
Tiếp xúc với các cô dâu chú rể đi chụp ngoại cảnh mới thấy, họ có những ý tưởng khá thú vị. Con đường với tấm biển một chiều, cô dâu sẽ đứng phía sau tấm biển một chiều đấy, chú rể thì "lao" vào, ý nói dù có khó khăn thế nào, anh cũng đến bên em?!
Có đôi, lại có ý tưởng chụp bộ ảnh theo trình tự như một câu chuyện kể về tình yêu. Bắt đầu kể từ mối tình học trò, chụp trước cổng trường Chu Văn An, tóc dài tết hai bên, áo dài trắng, xe đạp và hoa, ảnh đen trắng. Sau rồi chụp đến những kiểu ảnh kể về quá trình yêu nhau.