Chương trình lớp 1 quá tải: Bộ GD&ĐT chính thức trao quyền giảm tải cho giáo viên?

Hoàng Thanh,
Chia sẻ

Những ngày qua, nhiều giáo viên và phụ huynh phản ánh sự khó khăn khi dạy học sinh lớp 1 theo chương trình mới. Bộ GD&ĐT cho rằng nếu có hiện tượng học sinh quá tải vì học quá nhanh thì giáo viên cần điều chỉnh kế hoạch dạy học.

Chia sẻ với PV, một giáo viên dạy lớp 1 tại Hà Nội nhận xét, chương trình lớp 1 mới nặng hơn trước, ví dụ như môn Tiếng Việt, chỉ ba bài đầu, mỗi ngày học một âm, còn từ ngày thứ tư trở đi các em học hai âm cộng thêm các dấu thanh. Trong khi đó trước đây các dấu thanh học riêng.

Việc đưa tiếng và từ vào các bài học cũng nhiều hơn trước.

Sang học kỳ 2, các bài tập đọc tương đối dài, gần ngang các bài tập đọc của lớp 2. Do đó giáo viên rất áp lực trong khi học sinh mới mẫu giáo lên, tiếp xúc với môi trường mới, các em còn bỡ ngỡ, khó tập trung.

Chương trình lớp 1 quá tải: Bộ GD&ĐT chính thức trao quyền giảm tải cho giáo viên? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhiều phụ huynh học sinh cũng đã bày tỏ sự bất an mỗi khi phải kèm con học bài. Có người lo lắng chương trình SGK lớp 1 mới quá nặng khiến học sinh không theo kịp chương trình, rồi trong lớp có những em đã học qua lớp “tiền lớp 1” vô tình gây áp lực lên các em còn lại, dẫn đến các em này trở thành cơ hội nở rộ hoạt động dạy thêm, học thêm. Phụ huynh băn khoăn: Nếu chương trình SGK quá nặng thì Bộ GD&ĐT có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế không?

TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT) đã có cuộc trao đổi để giải đáp thắc mắc về vấn đề trên.

Thời gian qua, nhiều phụ huynh và giáo viên “than” chương trình SGK lớp 1 quá nặng, liệu Bộ GD&ĐT có điều chỉnh không, thưa ông?

TS Thái Văn Tài: Hiện nay, theo quy định của Bộ GD&ĐT thì giáo viên được quyền xây dựng, điều chỉnh kế hoạch dạy học của mình cho phù hợp với đối tượng đảm bảo đạt yêu cầu chuẩn đầu ra vào cuối năm học cho mỗi môn học.

Ông có ý kiến ra sao khi nhiều phụ huynh cho rằng chương trình lớp 1 mới sẽ tạo tiền đề nở rộ các hoạt động dạy thêm, học thêm?

TS Thái Văn Tài: Về mặt khoa học, tâm lý lứa tuổi, việc học chữ trước khi vào lớp 1 là không tốt cho chính các em học sinh. Vì vậy Bộ GD&ĐT đã có nhiều văn bản, chỉ thị quy định về việc không dạy chữ trước khi vào lớp 1 cho trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, do tâm lý lo lắng nên một số phụ huynh bằng nhiều cách khác nhau cho con học chữ trước. Điều này dẫn đến việc giai đoạn đầu khi vào lớp 1, trong một lớp học có những em đã biết chữ trước và có em chưa biết, gây khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học của giáo viên.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT đề nghị phụ huynh không quá lo lắng và cho trẻ học chữ trước vào lớp 1 để trẻ phát triển tự nhiên và tạo hứng thú khi vào lớp 1 được học cái mới. Điều này rất quan trọng trong việc hình thành nền nếp, động cơ học tập của trẻ.

Về phía mình, giáo viên phải tìm hiểu kỹ đặc điểm học sinh của lớp mình phụ trách (về tâm lý, thể chất, hoàn cảnh gia đình và việc trẻ có được học chữ trước hay chưa...) để thực hiện các hoạt động dạy học, giao nhiệm vụ học tập phù hợp với từng học sinh, giúp các em hoàn thành nhiệm vụ học tập một cách hứng thú, phù hợp với khả năng của mình.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đưa ra yêu cầu giáo viên lớp 1 không được giao bài tập về nhà cho học sinh. Nhiều phụ huynh lo lắng việc chương trình nặng, không giao bài tập về nhà thì phụ huynh muốn yên tâm thì phải cho con đi học thêm. Bộ GD&ĐT đã lường trước vấn đề này chưa?

TS Thái Văn Tài: Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo viên và nhà trường phải tìm hiểu kỹ đối tượng học sinh, yêu cầu cần đạt của chương trình, cách thiết kế của sách giáo khoa để xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp. Do đó, nếu có hiện tượng học sinh quá tải vì học quá nhanh thì giáo viên cần điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình. Điều này chương trình cho phép và là nhiệm vụ của giáo viên.

Để thực hiện được chương trình theo chuẩn đầu ra quy định, cấp tiểu học được tổ chức học 2 buổi/ngày và giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp. Việc không giao bài tập về nhà nhằm giúp các em có thời gian nghỉ ngơi và trải nghiệm kiến thức đã được học ở nhà trường với người thân, từ đó hình thành các năng lực, phẩm chất theo yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Không giao bài tập về nhà nhưng phụ huynh có thể phối hợp cùng nhà trường để giúp các em trải nghiệm các kiến thức đã học tại nhà một cách phù hợp, thoải mái.

Việc thiết kế sách giáo khoa cho học sinh lớp 1 Bộ GD&ĐT có tính đến việc học sinh phải học thêm không, hay chỉ học tại trường? Để khắc phục tình trạng này Bộ GD&ĐT có thể cấm dạy thêm cho học sinh tiểu học được không?

TS Thái Văn Tài: Đối với cấp tiểu học, Bộ GD&ĐT có quy định không dạy thêm, học thêm, tức là cấm dạy thêm, học thêm ngay cả khi thực hiện chương trình hiện hành và chương trình sách giáo khoa biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình mới).

Khi triển khai thực hiện chương trình giáo dục mới, đối với tiểu học, Bộ quy định học 2 buổi/ngày, với lượng kiến thức không tăng so với chương trình hiện hành mà tăng tính trải nghiệm, thực hành, vận dụng trong từng môn học và hoạt động giáo dục để hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Vì vậy, trong văn bản hướng dẫn của Bộ đã yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện với mục tiêu giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp.

Chia sẻ