Chuỗi ngày u ám của một gia đình nhiễm COVID-19 và khi nắng xuân nhẹ nhàng sưởi ấm khắp Vũ Hán: “Bố mẹ và tôi đều còn sống là điều quan trọng nhất”

HY LI,
Chia sẻ

Những dòng nhật ký ghi lại quá trình điều trị bệnh của một gia đình nhiễm bệnh COVID-19 trong khoảng thời gian đầu tiên.

Nhiều tuần sau khi xuất viện, Xiao Ya, một giáo viên tiểu học đã phải điều trị COVID-19 suốt 1 tháng qua, thỉnh thoảng vẫn cảm thấy khó thở. Ngay cả chuyện nấu một món cháo đơn giản cũng rất khó khăn. Chính vì thế, cô giáo 40 tuổi này phải dựa vào các bữa ăn nhanh để vượt qua khoảng thời gian cách ly bắt buộc.

Nhưng Xiao Ya luôn cho rằng bản thân mình rất may mắn. Không chỉ mình cô sống sót mà bố mẹ già cũng vẫn ổn, hiện đang sống cách ly tại một khách sạn sau khi kết thúc quá trình điều trị ở bệnh viện. Cô luôn mong đợi giây phút được đoàn tụ với họ.

Gia đình đã bị chia cách trong nhiều tuần liền vì căn bệnh quái ác này, mỗi người được điều trị tại một cơ sở khác nhau. "Tôi được đưa đến bệnh viện cabin di động, được cải tạo từ một trung tâm triển lãm. Thỉnh thoảng có một tiếng khóc bất chợt vang lên, sau đó tôi mới biết đó là tiếng khóc của một ai đó vừa mất đi người mà họ rất yêu thương", Xiao Ya chia sẻ.

"Bệnh nhân chúng tôi thường xuyên chuyện trò cùng nhau và khi đó tôi mới nhận ra mình may mắn đến thế nào. Bố mẹ và tôi đều còn sống mới chính là điều quan trọng nhất".

Chuỗi ngày u ám của một gia đình nhiễm COVID-19 và khi nắng xuân nhẹ nhàng sưởi ấm khắp Vũ Hán: “Bố mẹ và tôi đều còn sống là điều quan trọng nhất” - Ảnh 1.

Cuối tháng 1, bố Xiao Ya 70 tuổi xuất hiện triệu chứng ho liên tục trong 10 ngày, còn người mẹ 68 tuổi gần như không ăn được gì trong 1 tuần, cả 2 ông bà đều sốt nhẹ. Trong khi đó, bản thân Xiao vừa mất cảm giác ngon miệng vừa có cơn sốt nhẹ.

Kiểm tra cắt lớp cho thấy phổi của bố mẹ Xiao Ya đều có tình trạng nhiễm trùng phổi nghiêm trọng. Nhưng Xiao Ya đã không kiểm tra bản thân mình vào thời điểm đó, cô muốn đưa bố mẹ nhập viện trước hết.

Vì bố mẹ đã quá yếu, không thể di chuyển nhiều nên Xiao Ya đã đích thân đến một số bệnh viện đăng ký lượt xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho họ. Sau đó, khi đã có kết quả, cô bắt đầu đi tìm một bệnh viện tiếp nhận họ, có nhiều ngày đến nửa đêm cô mới về đến nhà. Cô nhớ mình đã điền rất nhiều mẫu đơn hay bất cứ giấy tờ nào chỉ vì muốn có cơ hội điều trị cho bố mẹ.

Cuối tháng 1 - đầu tháng 2, khi 11 triệu người dân Vũ Hán bị cô lập và hệ thống chăm sóc y tế của thành phố gặp sự cố vì lượng bệnh nhân khổng lồ đang xếp hàng hàng đêm chờ giường bệnh. Các bệnh viện dã chiến vẫn chưa hoạt động.

Dịch COVID-19 khởi đầu từ đầu tháng 12, bắt nguồn từ khu chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc. Số lượng bệnh nhân nhiễm bệnh tăng dần trong những tháng tiếp theo, hai bệnh viện dã chiến được cấp tốc xây dựng và rất nhiều địa điểm y tế di động “mọc” lên khắp Vũ Hán.

Lúc đấy, Xiao Ya đã nghĩ: “Thật cay đắng. Tôi cảm thấy cuộc đời quá bất công khi cả gia đình tôi đều nhiễm bệnh. Chúng tôi sống rất đơn giản, chỉ ở cửa hàng tạp hóa rồi về nhà. Chúng tôi cũng không hề ăn thịt động vật hoang dã và cũng không biết khu chợ này ở đâu cả.”

Xiao Ya cũng có một đồng nghiệp 28 tuổi đang được điều trị ngoại trú vì thiếu giường bệnh, phải đến bệnh viện hằng ngày để điều trị bằng liệu pháp tiêm tĩnh mạch. Cô biết rõ, cơ hội để bố mẹ được nhập viện là rất mong manh.

Xiao Ya nhớ lại: “Nhiều người đã cố gắng hỗ trợ chúng tôi bằng cách chia sẻ nhiều luồng thông tin. Chính phủ đã thiết lập rất nhiều kênh liên lạc đặc biệt nhưng vì tôi đã quá yếu, không thể cầm nổi điện thoại nên đã nhờ đồng nghiệp giúp đỡ”.

Sau 3 ngày xếp hàng chờ giường bệnh, bố mẹ cô cũng được nhập viện và Xiao Ya cuối cùng cũng đã kiểm tra phổi. Lúc này, rất nhiều bệnh viện cabin di động được thiết lập và vận hành, cô đã được chuyển đến điều trị tại một trong những nơi này.

“Ba ngày đầu tiên hoàn toàn hỗn loạn. Nhân viên y tế đến từ tỉnh Sơn Đông không biết phải bắt đầu làm việc từ đâu. Còn người bệnh thì ồ ạt lấy các hộp thức ăn và chúng đều là thức ăn thừa (đã nhiễm bệnh). Ở đấy không có nhân viên dọn dẹp nên các y bác sĩ phải làm những công việc vệ sinh”.

Chuỗi ngày u ám của một gia đình nhiễm COVID-19 và khi nắng xuân nhẹ nhàng sưởi ấm khắp Vũ Hán: “Bố mẹ và tôi đều còn sống là điều quan trọng nhất” - Ảnh 2.

Ảnh chụp tại một bệnh viện cabin di động ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Vài ngày sau, khi đã có nhiều nhân viên hỗ trợ đến và sắp xếp mọi thứ ổn định hơn, Xiao Ya vốn là người mắc chứng rối loạn lo âu nghiêm trọng đã học được cách thư giãn với sự trợ giúp tư vấn từ đội ngũ y tế. “Họ cố gắng dạy chúng tôi cách để suy nghĩ tích cực và vực dậy tinh thần. Họ hướng dẫn chúng tôi các bài tập và vũ đạo nhẹ nhàng. Thậm chí còn gấp hạc giấy và viết những lời cổ vũ trên các bức tường để động viên chúng tôi”.

Bố mẹ cô ngày nào cũng lo lắng không ngừng vì nằm một mình trong các khu riêng biệt. Xiao Ya phải thường xuyên gọi điện thoại để trấn an họ.

Nhìn lại khoảng thời gian vừa qua, Xiao Ya cho biết gia đình cô nhận được nhiều giúp đỡ từ mọi người nhưng sự hỗ trợ lớn nhất trong quá trình tìm kiếm giường bệnh đến từ chính phủ. Cô cũng rất cảm kích những nhân viên y tế đến từ tỉnh Sơn Đông. “Các y bác sĩ luôn có mặt ở mọi nơi, bất cứ khi nào tôi tỉnh giấc đều thấy họ đang kiểm tra tình trạng của bệnh nhân. Giữa khuya đi vệ sinh, tôi vẫn thấy họ ngồi đấy và theo dõi bệnh nhân. Vì có họ ở xung quanh nên tôi cảm thấy rất an toàn”.

Chuỗi ngày u ám của một gia đình nhiễm COVID-19 và khi nắng xuân nhẹ nhàng sưởi ấm khắp Vũ Hán: “Bố mẹ và tôi đều còn sống là điều quan trọng nhất” - Ảnh 3.

Điều mà Xiao Ya đặc biệt cảm động chính là việc đội ngũ y tế không ăn, không uống, không đi vệ sinh suốt ca làm việc dài 6 giờ chỉ vì trang phục bảo hộ. Kính bảo hộ luôn bị mờ vì hơi thở và quần áo ướt đẫm mồ hôi. Xiao Ya ngậm ngùi: “Có một lần, tôi đang đi dạo cùng một y tá, cô ấy bảo tôi đi chậm lại vì cô ấy bị hụt hơi và bước đi khó khăn trong bộ trang phục nặng nề. Tôi lúc đó rất xót”.

Mỗi bác sĩ và y tá mà Xiao Ya đã tiếp xúc đều được cô thêm vào Wechat (một ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc); trong khi đó, mẹ cô thì chụp lại tất cả nhân viên y tế đã giúp đỡ bà, sau đó đăng ảnh vào nhóm Wechat của gia đình.

“Mẹ tôi đã nói bà muốn nhớ rõ rất cả những người này mặc dù bà khó có thể nhận ra họ trong lớp bảo hộ kia. Mỗi ngày bà đều nhắn tin, kiểu như là: Cô y tá này tên là vầy vầy nè, cô ấy đã giúp mẹ làm cái này này”.

Khi Xiao Ya và các đồng nghiệp của họ được chuyển đến bệnh viện Hỏa Thần Sơn, họ đã cùng nhau cúi đầu liên tục trước các nhân viên đi cùng họ đến cổng, suốt đoạn đường đi ai cũng rơi lệ.

Cuối cùng, nữ giáo viên Xiao Ya đã được xuất viện vào ngày 10/3, 3 ngày sau đến lượt bố cô. Sau đó, cô và bố tiếp tục trải qua quãng thời gian cách ly 14 ngày tại các khách sạn khác nhau. Mẹ cô xuất viện ngày 21/3 và hiện đang cách ly tại một khách sạn khác. Và không ai trong số họ phải chi trả thêm bất kỳ chi phí nào.

Đứng trên ban công phòng cách ly tại khách sạn, bố của Xiao Ya kể lại, ông có thể nhìn thấy ngôi nhà quen thuộc của họ. Và tuần tới, ông sẽ được trở về đó, đoàn tụ với vợ và con gái. Xiao Ya chia sẻ: “Bố tôi kể, tất cả những gì ông muốn làm là nấu một nồi súp củ sen, món đặc sản của Vũ Hán, để gia đình thưởng thức cùng nhau. Ông luôn nói như thế mỗi ngày”.

Nguồn: South China Morning Post

Chia sẻ