Chúng ta đang ăn thực phẩm ôi thiu?
Những loại nhựa được sản xuất từ nguyên liệu tái chế chỉ có thể sử dụng làm thùng đựng rác, biển báo, biển chỉ dẫn, ống thoát nước thải...
Đây là mẫu, bạn có thể sửa lại ảnh, màu nền, kích cỡ của bảng tùy theo nhu cầu. |
Có mặt tại xã Minh Khai, Như Quỳnh, Hưng Yên (tên gọi nôm na là làng Khoai) - một xã có nghề truyền thống sản xuất nguyên liệu hạt nhựa chuyên cung cấp cho cả nước .Ở đây, có đến hơn chục nhà máy chuyên chế biến hạt nhựa có quy mô lớn, còn lại là những doanh nghiệp tư nhân và gần như 100% các hộ dân ở đây sống bằng nghề sản xuất nhựa.
Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân tới cổng, dọc cánh đồng trước làng Khoai, đâu đâu cũng là rác nhựa phế thải - nguyên liệu đầu vào để chế biến thành phẩm.
Chị Lan, công nhân ở đây cho biết, những túi nilon này chỉ được rửa qua 1 - 2 nước cho hết tạp chất, sau đó là cho vào cán nhựa ngay. Thông thường, người ta sẽ phân ra khoảng 4 - 5 màu: đen, trắng trong, vàng, đỏ, xanh. Nếu nhặt càng kỹ, sau này, khi đưa vào cán nhựa, hạt nhựa sẽ càng giữ được màu chứ không phải thêm phẩm màu.
Đi sâu vào trong làng, trong vai những người đi tìm mua nguyên liệu sản xuất đồ đựng thực phẩm, chúng tôi được một anh thanh niên tên Hùng cho biết: "Nếu tìm đồ đựng thực phẩm thì phải tìm hàng PE, nhưng nói thực, chẳng có đâu loại tinh khiết vì cả làng này làm nhựa tái chế. Giá hàng đắt thế này, làm hàng nguyên chất có mà ăn cháo à".
Lấy đâu ra nhựa nguyên chất
Để mục sở thị những gì mà Hùng nói, chúng tôi tìm vào nhà ông Đinh Văn Cơ, một trong những gia đình đang sản xuất hạt nhựa từ rác tái chế. Biết chúng tôi muốn tìm nguyên liệu nhựa để đựng đồ thực phẩm, ông Cơ dặn rất kỹ: Cần xem hàng cẩn thận nhé, nếu không có nghề thì phải có chỗ quen biết vì nhiều nhà họ có bí quyết công nghệ cao lắm, rác thối, rác hỏng cho vào cán nếu có mùi cũng sẽ được tẩy bay sạch bằng hóa chất khử mùi. Hóa chất này như thế nào thì không ai biết cả, vì ai cũng muốn giữ bí mật nghề.
Điều đáng nói ở đây là hầu hết những người trực tiếp sản xuất khi được hỏi đều rất vô tư trả lời rằng, chẳng cần phải qua công đoạn xử lý những dư lượng hóa chất hay thực phẩm bám dính vào đồ phế liệu trước đó.
Được biết, mỗi hộ gia đình ở đây mỗi ngày sản xuất vài ba tạ nhựa hạt nguyên chất để cung cấp cho cả nước. Phần lớn trong số chúng là xuất bán sang Trung Quốc và các nhà máy lớn sản xuất đồ nhựa.
Tại làng chuyên đồ phế thải Triều Khúc, làng mà cách đây 1 năm đã từng nổi tiếng về vụ tái chế rác thải y tế bệnh viện, thuyết phục mãi rằng chúng tôi muốn tìm nguồn hàng, chị bán hàng nước gần hồ Triều Khúc mới tin và cho địa chỉ nhà Chung Thuần là nhà sản xuất hạt nhựa lớn nhất ở đây.
Sau lần cửa sắt khép kín, một nhà lớn chứa hàng trăm bao tải lớn nhỏ những chai, lọ nhựa phế thải. Chủ cơ sở tên Chung cho biết, nhựa ở đây chỉ rửa qua loa, sau đó xay nhỏ, còn anh chẳng quan tâm, nó còn chứa chất gì, mùi vị ra sao. "Họ mua thì tôi bán, còn dùng làm gì, tôi chịu".