Chúng ta đang "ăn" đều đặn 2000 mảnh nhựa mỗi ngày, 30 năm nữa số nhựa trên biển sẽ nhiều hơn số cá đang bơi chỉ vì thói quen sống mà 100% người hiện đại đều có
Nhựa khi được thải ra môi trường sẽ cần 400 năm đến 1.000 năm để có thể phân huỷ hoàn toàn. Các nhà hoạt động môi trường đã cảnh báo rằng, rác thải nhựa có thể nhiều hơn cá trên các đại dương vào năm 2050.
Chúng ta đang sống trong thời đại của những sự phát triển vượt bậc từ công nghệ, kinh tế đến thực phẩm. Nhờ sự phát triển này, cuộc sống dần trở nên đủ đầy và dư thừa hơn bao giờ hết, nhưng càng có "đầu vào" thì lại càng nhiều "đầu ra", con người càng sử dụng lại càng tạo ra nhiều rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.
Từ những năm 1960, nhựa đã ngày càng trở nên phổ biến và được ứng dụng rộng rãi trong xã hội. Ngày nay, nhựa đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta cần nhựa để đựng thực phẩm, để nấu ăn, để xây nhà, để bảo tồn năng lượng vận tải... Tuy nhiên, nhựa khi được thải ra môi trường sẽ cần 400 năm đến 1.000 năm để có thể phân huỷ hoàn toàn. Các nhà hoạt động môi trường đã cảnh báo rằng, rác thải nhựa có thể nhiều hơn cá trên các đại dương vào năm 2050.
Hiện có 9,1 tỉ tấn rác thải nhựa tích tụ trên khắp trái đất
Một báo cáo của Tổ chức Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) năm 2018 đã chỉ ra rằng: Mỗi phút trên thế giới có 1 triệu chai nước uống bằng nhựa được bán đi. Mỗi năm có 5 nghìn tỉ túi nylon dùng một lần được sử dụng.
Chỉ tính riêng năm 2018, các nhà sản xuất trên thế giới đã sản xuất ra 360 triệu tấn nhựa. Hiện thế giới đang phải đối mặt với khoảng hơn 9,1 tỉ tấn rác thải nhựa tích tụ trên trái đất.
Theo Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường, ở Việt Nam nếu có khoảng 10% chất thải nhựa, túi nylon dùng một lần không được tái sử dụng, lượng chất thải nhựa từ sản phẩm sử dụng một lần có thể lên tới 2,5 triệu tấn mỗi năm.
Nhựa được yêu thích vì độ dẻo, độ bền cao nhưng điều khiến chất thải nhựa gây nguy hiểm có là vì chúng rất khó phân hủy. Ngay cả khi được thu gom và chôn lấp lẫn vào đất, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm, có thể làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng…
Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 13 triệu tấn chất thải nhựa đã đổ ra đại dương, gây tổn thương hệ san hô, đe dọa môi trường sống của các loài động, thực vật biển, khiến 1,5 triệu động vật trên đại dương chết vì ngộ độc chất thải nhựa mỗi năm.
Đáng sợ hơn, những rác thải từ nhựa mà con người đã ném xuống đại dương sau đó biến thành các hạt vi nhựa, chúng hòa lẫn với hải sản, với muối ăn sau đó "quay lại tìm gặp" con người trong các bữa ăn hàng ngày.
90% muối ăn trên thế giới nhiễm hạt vi nhựa
Theo kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học ở Hàn Quốc và tổ chức Greenpeace khu vực Đông Á thực hiện, có đến 90% sản phẩm muối ăn được lấy mẫu từ nhiều nơi trên thế giới bị nhiễm hạt vi nhựa.
Theo TTƯT.PGS.TS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế): Vi nhựa là những mẫu nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm. Chúng có thể đến từ các vật phẩm nhựa lớn hơn bị vỡ nhỏ ra, chủ yếu có mặt ở các mặt hàng tiêu dùng chứa hạt microbead như kem đánh răng, xà phòng, sữa rửa mặt tẩy tế bào chết. Các hạt này theo đường thoát nước đổ ra suối, sông và cuối cùng trôi ra biển.
Dựa trên báo cáo của WWF (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên) trong năm 2019, mỗi tuần mỗi người hấp thụ gần 2000 hạt vi nhựa, tương đương khoảng 5g nhựa, nặng bằng một chiếc thẻ tín dụng. Nếu tính tuổi thọ trung bình của mỗi người là khoảng 79 năm. Cả đời bạn sẽ ăn 8 triệu mảnh nhựa, đủ để đổ đầy một chiếc thùng rác.
Con đường hấp thụ hạt vi nhựa của con người chủ yếu đến từ thực phẩm. Khi đi vào cơ thể, hạt vi nhựa có thể gây tổn hại sức khỏe, khiến cơ thể bị mất cân bằng hoóc-môn, mắc các căn bệnh về thần kinh, các bệnh hô hấp, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ… và hàng loạt nguy cơ khác.
Bạn chắc chắn sẽ bất ngờ khi biết mỗi ngày mình vẫn đang "nạp" nhựa vào người theo những cách dưới đây:
- Hải sản:
Trung bình trong một con trai, hến chứa khoảng 90 hạt vi nhựa và con hàu chứa khoảng 50 hạt. Chính vì vậy, bạn chỉ cần ăn khoảng 2 con trai, hến mỗi tuần thì sẽ phải nuốt tới 11.000 mảnh vi nhựa trong một năm.
- Muối biển:
1kg muối biển có thể chứa ít nhất 600 hạt vi nhựa, nếu như bạn ăn 5g muối hàng ngày, bạn sẽ nạp khoảng 3 hạt vi nhựa mỗi ngày.
- Kem đánh răng, sữa rửa mặt:
Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy kem đánh răng, sữa rửa mặt, sữa tắm… có chứa những hạt nhỏ li ti, nhằm để loại bỏ bụi bẩn và chất nhờn. Nhưng bạn không hề biết, những hạt nhỏ li ti này chính xác là những hạt vi nhựa.
- Chai nhựa, lọ nhựa:
Trung bình mỗi người có thể tiêu thụ 1.769 hạt vi nhựa mỗi tuần chỉ từ việc uống nước đóng chai. Một chai nước sử dụng lần đầu chứa từ 2 đến 44 hạt vi nhựa/lít. Thế nhưng, nếu chúng ta tái sử dụng để tiết kiệm đồ nhựa, nó sẽ chứa từ 28 đến 241 hạt vi nhựa/lít.
Thói quen sống mà 100% người hiện đại đều có vô tình tạo ra rác thải nhựa
Thói quen hàng đầu dẫn đến việc gia tăng rác thải nhựa chính là việc sử dụng túi nylon và nhiều đồ dùng nhựa khác vì tính tiện lợi và chi phí - giá thành lại khá rẻ.
Một chiếc túi nylon, một vỏ chai nhựa, một chiếc ống hút... chỉ mất vài giây để sản xuất, vài phút để sử dụng nhưng lại mất đến vài chục năm đến hàng trăm năm để có thể phân hủy hết.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh một chiếc túi nylon cần 10 - 20 năm mới phân hủy được, một chiếc cốc nhựa xốp có thể mất đến 50 năm, còn chai nhựa đựng hóa chất thậm chí mất hàng trăm năm. Đáng nói, nếu rác thải nhựa bị đốt cùng với rác thông thường sẽ sinh ra khí rất độc và thậm chí thải ra cả chất độc dioxin vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe của con người.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội): "Cứng như kim loại cũng phải gục trước môi trường bị ô-xy hóa và phân huỷ. Vậy mà đồ nhựa thì khác, khi các sản phẩm nhựa con người thải ra môi trường sẽ cứng như cục đá bền với thời gian. Có lẽ ở một tương lai xa khoảng 1.000-5.000 năm sau người ta có đi khảo cổ con người sống ở thế kỷ 21 sống như thế nào? Tôi tin chắc họ sẽ tìm thấy đồ nhựa rất nhiều, chỗ nào cũng có."
Cũng theo vị PGS, thói quen sống của thời hiện đại đã khiến rác thải nhựa ngày càng tăng lên. Điều ấy thể hiện rõ ở việc nhiều người đã quen sử dụng nước đóng chai, sau khi uống xong tiện tay ném ngay xuống đường. Chất thải nhựa ảnh hưởng trực tiếp tới các loài động vật, thực vật trên cạn và dưới nước. Nói cách khác nó làm cho môi trường, sự sống thay đổi.
"Tôi không bao giờ mua chai nước đóng chai ở ngoài. Tôi thường mang bình nước đun sôi để nguội ở nhà đi vừa nước uống, vừa không phải mất tiền mua", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.
Với sự ô nhiễm rác thải nhựa ở mức báo động như hiện nay, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng cách giảm thiểu rác thải nhựa là cần phải có luật rõ ràng xem có nên cấm hay không? Hay đánh thuế cao chai nhựa.
Trong cuộc sống, mỗi người dân, đoàn thể phải nâng cao ý thức từ những việc nhỏ nhất. Hãy: Thay vì sử dụng túi nylon hãy sử dụng túi vải dùng nhiều lần; dùng ống hút kim loại, ống hút giấy thay cho ống hút nhựa; mua đồ có bao bì hộp giấy thay vì chai/hộp nhựa; dùng lọ thủy tinh có thể tái sử dụng; mang theo đồ đựng của riêng bạn nếu có thể nếu mua đồ mang về...
Chỉ khi tất cả chúng ta cùng nhau thực hiện, từng ngày một, từng chút một thì chắc chắn số lượng rác thải nhựa sẽ giảm thiểu đáng kể và được kiểm soát tốt hơn.