Chứng khoán châu Á lao dốc, giá vàng tăng nhanh
Xung đột leo thang giữa Israel và Iran tác động mạnh đến thị trường chứng khoán châu Á. Xu hướng xem vàng là nơi trú ẩn an toàn thúc đẩy giá vàng tăng nhanh.
Theo Reuters, cổ phiếu châu Á giảm, giá vàng tăng vào ngày 15/4 do ảnh hưởng từ cuộc tấn công trả đũa của Iran vào Israel. Các nhà đầu tư trong khu vực lo lắng xung đột ở Trung Đông lan rộng toàn khu vực.
Theo đó, chỉ số rộng nhất của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản (.MIAPJ0000PUS) giảm 0,7% sau vụ Iran phóng máy bay không người lái và tên lửa gây nổ vào Israel.
Cảm giác lo lắng bao trùm thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số Nikkei (. N225 ) của Nhật Bản giảm 1%, trong khi chỉ số S&P/ASX 200 của Australia (.AXJO) giảm gần 0,5%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (.HSI) giảm 0,63%.
Xu hướng xem vàng là "nơi trú ẩn an toàn" khiến giá vàng tăng hơn 0,5% lên 2.356,39 USD/ounce. Trong khi đó đồng USD đang ở mức ổn định.
Giữa lúc thị trường chứng khoán và vàng liên tục biến động, giá dầu hầu như không phản ứng. Các nhà đầu tư dự đoán được Iran tấn công trả đũa Israel sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Hiện, giá dầu Brent giảm giảm 0,24% ở mức 90,23 USD/thùng, trong khi giá dầu thô West Texas Intermediate của Mỹ giảm 0,35% xuống 85,36 USD/thùng. Tuần trước, dầu thô Brent đạt đỉnh 92,18 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2023.
Xung đột leo thang tại Trung Đông khiến thị trường chứng khoán, vàng liên tục biến động. Trong khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ không tham gia cuộc phản công chống lại Iran, phía Israel khẳng định "chiến dịch vẫn chưa kết thúc".
Neil Shearing , chuyên gia kinh tế của Capital Economics, cho biết rủi ro chính của nền kinh tế toàn cầu là việc xung đột chính trị ở Trung Đông lan rộng ra nhiều quốc gia, phản ứng của thị trường xăng, dầu là gì.
"Giá dầu tăng làm phức tạp nỗ lực giảm lạm phát ở các nước tiên tiến, đồng thời tác động đáng kể đến quyết định tài chính của ngân hàng trung ương các nước", Neil Shearing nói.
Trung Quốc là ngoại lệ. Chứng khoán Trung Quốc tăng sau khi cơ quan quản lý chứng khoán nước này ban hành dự thảo quy định nhằm tăng cường giám sát danh sách các công ty, hủy niêm yết và giao dịch chương trình điều khiển bằng máy tính.
Hiện, chỉ số CSI300 blue-chip của Trung Quốc tăng gần 2%, trong khi chỉ số Shanghai Composite tăng 1,2%. Nhà đầu tư xem động thái này là tín hiệu tích cực nhằm cải thiện thị trường chứng khoán đang suy yếu của Trung Quốc và bảo vệ lợi ích của người tham gia.