Chùm ảnh hạn hán phơi bày hàng loạt di tích khắp thế giới: Nhà khảo cổ mừng rỡ, người yêu môi trường lo âu
Hạn hán nghiêm trọng, kéo dài ở nhiều vùng trên thế giới làm lộ ra những di tích, cổ vật hoặc chứng cứ lịch sử đã mất.
Mùa hè này, thế giới chứng kiến hậu quả nhãn tiền của biến đổi khí hậu khi châu Âu trải qua một loạt hình thái thời tiết cực đoan: cháy rừng diện rộng, sóng nhiệt kỷ lục, hạn hán tồi tệ nhất 500 năm... Trong khi đó, thời tiết nắng nóng đã góp phần biến nhiều vùng đất, dòng sông vốn tươi tốt tại châu Mỹ, châu Á,... thành những lòng chảo cạn khô.
"Nàng Hạn Bạt" hoành hành
Hồi tháng trước, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA đã công bố hình ảnh vệ tinh của hồ Mead - vốn là hồ chứa nước lớn nhất Mỹ, được tạo nên bởi việc xây dựng đập Hoover. Đáng chú ý, mức nước trong hồ đã sụt giảm nghiêm trọng đến nỗi chỉ còn 27% sức chứa chỉ trong vòng hơn 20 năm qua. Bức ảnh tiếp tục là minh họa sắc nét về biến đổi khí hậu và thảm họa hạn hán con người có thể đối mặt.
Đáng chú ý, không chỉ hồ Mead mà nhiều lòng hồ khác trên thế giới cũng khiến những người yêu môi trường phải "sốc nặng" vì sự thay đổi chỉ trong vài thập kỷ, thậm chí chỉ vài năm ngắn ngủi: Từ những lòng hồ tươi xanh, đầy ắp nước, giờ đây đã cạn khô đến trơ cả đáy.
Hiếm có thứ gì chứng minh được thực trạng khủng khiếp này bằng những bức hình từ không gian:
Hồ Mead - được dùng để cấp nước cho khoảng 25 triệu người dân miền Tây Hoa Kỳ, hiện đang có mức nước thấp kỷ lục trong lịch sử 80 năm tồn tại.
Hồ Powell ở Colorado, Mỹ cũng chịu tình trạng tương tự với mức nước chỉ còn dưới 26% và cạn khô đáng kể từ 1999-2021.
Tại châu Á, sông Dương Tử - con sông dài nhất châu lục và cái nôi của nền văn minh Trung Hoa, cũng đã cạn khô trước tình trạng hạn hán kéo dài. Trung Quốc đã công bố cảnh báo hạn hán trên toàn quốc lần đầu tiên sau 9 năm, và đợt sóng nhiệt kéo dài nhất trong 6 thập kỷ.
Ở châu Âu, các sông lớn như Rhine, Danube cũng hứng chịu tình trạng tương tự. Danube là con sông dài nhất Tây Âu và là kênh vận chuyển quan trọng đi qua 10 quốc gia. Ở Romania, Serbia và Bulgaria, các công nhân đang nạo vét con sông chỉ để đảm bảo tàu thuyền vẫn có thể di chuyển qua sông.
Sông Rhine:
Sông Danube, cũng được chụp vào thời điểm tháng 8 năm ngoái và hiện tại:
"Tin vui" cho các nhà khảo cổ học?
Dù tình trạng hạn hán này là thảm họa cho giao thông, cấp nước, sinh hoạt của người dân và làm dấy lên nỗi lo thường trực về biến đổi khí hậu với những người yêu môi trường, có một số người lại bất ngờ tìm ra khía cạnh "tích cực" của nó: Các nhà khảo cổ học.
Người dân đi dạo quanh di tích của nhà thờ Sant Roma de Sau khi nó nổi lên từ vùng nước thấp của hồ chứa Sau, phía bắc Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 8/8/2022. Một đợt khô hạn kéo dài và nắng nóng khắc nghiệt đã khiến tháng 7 vừa qua trở thành tháng nóng nhất ở Tây Ban Nha kể từ năm 1961, đã khiến các hồ chứa ở nước này chỉ ở mức trung bình 40% dung tích vào đầu tháng 8, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 10 năm là khoảng 60%.
Di tích nhà tắm Hoàng gia La Isabela nổi lên từ vùng nước thấp của hồ chứa Buendia, ở Sacedon, Tây Ban Nha, ngày 7/8.
Cả thành phố cổ cũng lộ diện nhờ hạn hán. Thành cổ Zakhiku nằm tại Iraq. Theo giới chuyên gia, thành phố này thuộc Đế chế Mitanni, quốc gia cổ đại của người Hurria và từng tồn tại từ năm 1550 - 1250 trước Công nguyên ở phía bắc Lưỡng Hà.
Hồ Vyrnwy - một hồ chứa ở Powys, Wales - đã bốc hơi đến mức để lộ dấu tích của ngôi làng Llanwddyn. Dấu tích của ngôi làng từ thế kỷ 19 này được nhìn thấy lần cuối trong đợt hạn hán năm 1976, báo chí địa phương đưa tin. Sau nhiều tuần liên tục có nhiệt độ cao như thiêu đốt, kỷ lục trên khắp Vương quốc Anh, hồ Vyrnwy là một trong số nhiều sông và hồ chứa đã bị thu hẹp mạnh.
Hạn hán đã khiến lòng sông Elbe của Cộng hòa Czech lộ ra những phiến "đá nạn đói" có niên đại từ năm 1616 với thông điệp đáng sợ "nếu đọc được cái này, hãy than khóc đi". Thông điệp rõ ràng cảnh báo về đại nạn đáng sợ của cái đói do hạn hán gây ra.
Tàn tích của một doanh trại La Mã - Aquis Querquennis - ở Tây Ban Nha thường bị nhấn chìm trong lòng sông Limia, nhưng đã nổi lên do hạn hán. Giờ đây, du khách có thể đi bộ qua tàn tích của các tháp canh, vựa lúa và doanh trại.
Tại hồ Mead, phần còn lại của đồ vật thất lạc như mặt nạ thợ lặn, những chiếc thuyền bị chìm - và 2 thi thể - đã được tìm thấy trên lòng hồ khô cằn.
Edersee-Atlantis, ngôi làng bị bỏ hoang Berich gần Waldeck ở Đức, thường được các thợ lặn gọi với cái tên đó theo cảm hứng từ thành phố cổ trong truyền thuyết Atlantis. Nhưng có vẻ như biệt danh Atlantis của nó đã lạc hậu, khi mọi người giờ đây có thể đi bộ thay vì bơi trên đường phố của nó.
Hạn hán khiến sông Tiber ở thủ đô Rome của Italia cạn khô. Lòng hồ trơ ra làm tái lộ diện một cây cầu từ thời La Mã. Cây cầu được cho là xây từ thời Hoàng đế Nero (năm 54-68).
Tại sông Danube, tàn tích một chiếc tàu chiến từ Thế chiến II của Đức lộ ra khiến nhiều người tò mò.
Hạn hán tồi tệ nhất châu Âu trong nhiều năm đã đẩy dòng sông Danube hùng vỹ xuống tình trạng sở hữu một trong những mức nước thấp nhất trong gần 1 thế kỷ, để lộ đống xác của hàng chục tàu chiến Đức chất đầy chất nổ bị đánh chìm trong Thế chiến II gần thị trấn cảng sông Prahovo của Serbia.
Các tàu này nằm trong số hàng trăm tàu bị hạm đội Biển Đen của Đức Quốc xã bị đánh đắm dọc sông Danube vào năm 1944 khi chúng rút lui, và trở thành vật cản trở giao thông trên sông khi mực nước thấp.
Sông Po của Italia cũng phát hiện tàn tích tương tự - một chiếc tàu chiến bị đánh đắm từ thời Thế chiến II cùng một quả bom còn chưa phát nổ. Sông Po là tuyến đường hàng hải dài nhất đất nước Nam Âu này.
Trong khi đó ở sông Dương Tử, mức nước giảm sâu làm lộ ra một nửa ốc đảo chìm ở Trùng Khánh, Trung Quốc cùng 3 bức tượng Phật được cho là có niên đại 6 thế kỷ.
Nguồn: Tổng hợp