Chuẩn bị đủ điều kiện an toàn để đón học sinh mầm non, tiểu học
Dù ngày 14/2, các trường mầm non, tiểu học tại TPHCM mới mở cửa đón học sinh nhưng hiện tại nhiều trường đã tập trung học sinh đến trường để học sinh làm quen nền nếp, bạn bè, trường lớp, đồng thời rèn luyện kỹ năng phòng chống dịch COVID-19 trước khi đi học chính thức.
Ðón học sinh đến trường sớm để làm quen
Ngày 10/2, Trường tiểu học Lương Định Của (quận 3, TPHCM) đã tổ chức đón học sinh đến trường. Các học sinh được đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn ở sân trường rồi lên thẳng lớp học và sinh hoạt với giáo viên. Trước đó, ngay từ ngày 9/2, Trường tiểu học Hanh Thông (quận Gò Vấp) đã chia ca, cho toàn bộ học sinh của 5 khối lớp đến trường làm quen với giáo viên.
Theo đó, học sinh được yêu cầu mặc đồng phục của trường, đeo thẻ bảng tên. Cả phụ huynh và học sinh đều được yêu yêu cầu khai báo y tế, đo thân nhiệt trước khi vào trường. Đối với học sinh, các em được vào lớp, phía bên ngoài là dãy hành lang có ghế ngồi để phụ huynh theo dõi cô giáo hướng dẫn trẻ cũng như các biện pháp phòng dịch cho cả phụ huynh và học sinh.
Anh Trần Văn Đồng có con học lớp 1 tiểu học Hanh Thông, cho hay, cả anh và con khi nghe tin đã rất háo hức và đến trường từ sáng sớm. “Ngồi bên ngoài nhìn thấy con vui cười cùng các bạn, chăm chú nghe hướng dẫn của giáo viên khiến phụ huynh chúng tôi ai cũng vui mừng. Vậy là niềm mong ước được đến trường lâu nay đã thành hiện thực, hy vọng việc đến trường của các con sẽ kéo dài chứ không mở rồi lại đóng như năm trước đó”, anh Đồng chia sẻ.
Theo ghi nhận của PV, trong ngày đầu tiên tập trung học sinh, hầu hết các trường tiểu học không tổ chức dạy văn hóa mà nói chuyện với học sinh về dịch COVID-19, rèn cho các em thực hiện quy định 5K, thực hiện cách rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách, hướng dẫn học sinh thực hiện nề nếp học tập và sinh hoạt trong môi trường học đường khi dịch bệnh vẫn còn tồn tại.
Trước đó, UBND TPHCM đã có quyết định cho học sinh tiểu học đi học trực tiếp từ ngày 14/2 trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc và thực hiện theo cấp độ dịch. Những học sinh không thể đi học trực tiếp sẽ tiếp tục học trực tuyến hoặc được giáo viên giao bài về nhà và hoàn thành các nhiệm vụ học tập theo hướng dẫn của giáo viên.
Tăng cường phòng bệnh
Tại buổi họp báo diễn ra chiều 10/2, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, Sở đang gấp rút triển khai kế hoạch dạy học trực tiếp sau Tết Nguyên đán. Theo đó, các trường đã triển khai dạy học trực tiếp từ lớp 7 đến 12 kể từ 7/2. Riêng trẻ từ mẫu giáo đến lớp 6 sẽ chính thức trở lại trường kể từ ngày 14/2. “Hiện nay, công tác dạy học tại các cơ sở giáo dục đã ổn định, được thực hiện tốt, giai đoạn sau Tết việc học tập diễn ra bình thường, chỉ có một số học sinh về quê chưa quay lại thành phố nên tạm nghỉ vài ngày. Trong tuần đầu học trực tiếp các trường trên toàn thành phố chỉ phát hiện 2 trường hợp F0, được xử lý kịp thời, an toàn theo quy định” - ông Trọng nói.
Hà Nội: Đề xuất cho trẻ lớp 1 - 6 đi học từ 21/2
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói rằng, việc mở cửa trường học có lộ trình nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ. Hiện ngành giáo dục vẫn phải chờ TP phê duyệt đề xuất cho học sinh lớp 1-6 các quận nội thành đi học từ 21/2 sau đó mới tính đến bậc mầm non. Cũng theo ông Tuấn, ngành giáo dục Hà Nội chưa rà soát, đánh giá việc giáo viên mở lớp trông trẻ chui hay các trường tư giải thể.
Để chuẩn bị cho trẻ từ mầm non đến lớp 6 trở lại trường, điểm trường được trưng dụng phục vụ chống dịch, địa phương đã trao trả và tiến hành sửa chữa sẵn sàng đón học sinh vào ngày 14/2. Sở GD&ĐT đã có hướng dẫn chỉ đạo các trường đảm bảo công tác dạy và học diễn ra bình thường cho trẻ từ lớp 1 đến lớp 6. Đối với học sinh chưa đi học trực tiếp vẫn có thể học gián tiếp qua internet, truyền hình.
Ông Trọng cho hay, để phụ huynh an tâm đưa trẻ đến trường, Sở đang phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong các hoạt động phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, y tế địa phương sẽ hỗ trợ hướng dẫn cho ngành giáo dục thực hiện các vấn đề phòng chống dịch trong từng tình huống cụ thể. Khi có dịch xuất hiện, y tế địa phương sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý, đảm bảo an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên tại các trường, không để dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó, Sở đã chủ động diễn tập phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, bảo đảm không bị động khi có tình huống phức tạp xảy ra.
“Chúng tôi hy vọng sẽ phát huy được thành quả học trực tiếp đã đạt được của khối trung học, đảm bảo an toàn cho cấp tiểu học và mầm non khi đi học trực tiếp. Chúng tôi mong nhận được sự phối hợp của phụ huynh để công tác phòng chống dịch trong nhà trường được an toàn hơn. Phụ huynh cần lưu ý, những trẻ có biểu hiện sốt, khó thở, có yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19 gia đình không đưa trẻ đến trường” - ông Duy Trọng thông tin.
Cũng tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết: “Để phụ huynh an tâm đưa trẻ đến trường, Sở Y tế đang đã chỉ đạo y tế các địa phương chủ động trong công tác phối hợp hỗ trợ, bảo vệ an toàn dịch bệnh tại trường học. Ngành y tế cũng đang khẩn trương rà soát lại danh sách, chuẩn bị cho công tác chích ngừa cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngay khi nhận được chỉ đạo từ Bộ Y tế”.