Chưa Tết, hàng hóa nhấp nhổm tăng giá
Dù sức mua đang thấp nhưng giá nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu, hàng phục vụ Tết bắt đầu tăng. Đáng nói, nhiều mặt hàng giá tại nơi sản xuất đang giảm mạnh nhưng giá bán lẻ vẫn tăng.
Hơn nửa tháng qua, bà Trương Thị Hạnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bất ngờ khi cửa hàng tạp hóa gần nhà có đến hai lần thông báo tăng giá với tổng mức tăng 5-9% so với hơn một tháng trước, áp dụng cho nhiều mặt hàng như bánh, kẹo, mứt, gia vị. Cụ thể, giá nước mắm tăng lên 2.000 - 5.000 đồng/lít, đường trắng tăng 3.500 đồng/kg...
Sức mua giảm nhưng giá tăng
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Vân - chủ cửa hàng tạp hóa Bích Vân (quận Bình Thạnh) - xác nhận đang chịu áp lực khi sức mua dịp cuối năm vẫn đang thấp, trong khi giá nhiều mặt hàng kẹo, bánh, mứt nhập vào bán Tết đã tăng 5 - 15% so với tháng 11, thậm chí với mức 110.000 - 220.000 đồng/kg tùy loại; giá mứt Tết có thể tăng 20 - 30% so với năm ngoái.
"Giá nhập vào với nhiều thương hiệu nước mắm, gia vị, mì tôm, bún phở khô, bia cũng đã tăng 5-7% so với tháng trước, và nguy cơ sẽ còn tăng thêm khi giáp Tết", bà Vân nhận định.
Tương tự, bà Phạm Bích Trang, chủ sạp Thành Trang (khu vực chợ Bình Tây, quận 6) cho hay nhiều mối sỉ, người sản xuất dựa vào lý do giá nguyên liệu tăng nên thời gian qua liên tục tăng giá bán.
Thậm chí, dựa hơi thị trường Tết, nhiều mặt hàng như tôm, mực khô đã tăng 10 - 20% so với tháng trước, hiện phổ biến 350.000 -1,5 triệu đồng/kg tùy loại. Bà Trang đánh giá với sức mua hiện nay, nhiều thời điểm giảm 30 - 40% so với lúc trước dịch COVID-19, việc nhập hàng bán Tết sẽ phải cân nhắc kỹ.
Dù chủ động đàm phán với nhà cung cấp để tìm mức giá tốt, nhưng đại diện nhiều siêu thị xác nhận giá bánh kẹo, mứt, hạt các loại đã tăng.
Như đại diện Emart cho biết hiện giá nhập khẩu các loại hạt đã tăng khoảng 5% so với các tháng trước. Do giá đường tăng cao dẫn đến giá nhiều loại bánh, kẹo, mứt đã tăng 10 - 25%, mặt hàng trái cây cũng đang khan hiếm nguồn nhập nên giá có thể biến động.
Người bán đang lãi đậm?
Theo ghi nhận, giá trứng gà bán lẻ trong diện bình ổn tăng liên tục thời gian qua nhưng thực tế giá trứng bán ra ở các trại nuôi phía Nam lại đang hạ nhiệt với bình quân khoảng 2.350 đồng/quả, giảm 450 đồng so với mức cao kỷ lục của các tháng trước.
Ngoài ra, theo ghi nhận tại các siêu thị ở TP.HCM, hiện nhiều thương hiệu trứng gà dù nằm ngoài chương trình bình ổn nhưng giá bán lẻ chỉ 30.000 - 33.000 đồng/vỉ 10 trứng, thấp hơn giá trứng bình ổn.
Tương tự, theo nhiều người nuôi phía Nam, giá heo hơi bán ra tại chuồng ngày càng giảm, hiện còn 49.000 - 52.000 đồng/kg và được xem là mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Trong khi đó, tính ra nhiều loại thịt bán lẻ ở chợ và siêu thị đang cao gấp 1,5 - 2 lần so với giá bán ở chợ đầu mối, thậm chí sườn non cao gấp gần 2,3 lần.
Lý giải, đại diện Công ty Vissan cho biết giá bị phản ảnh cao là giá niêm yết, thực tế đơn vị đang áp dụng giảm giá kéo dài cho nhiều mặt hàng thịt tươi sống với mức trên dưới 20%.
Đại diện Công ty Ba Huân (TP.HCM) cũng cho hay việc tăng giá trứng bình ổn là phù hợp bởi... trước đó đơn vị có nhiều thời điểm chịu thua lỗ vì giá trứng bán ra không theo kịp giá thành sản xuất.
Ngoài ra, sản phẩm trứng được đơn vị tự chăn nuôi, giá thành sản xuất thực tế không hề giảm vì giá các nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vỏ hộp... đều đang neo cao.
Cần tìm cách kìm giá
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM - cho biết về cơ bản nhiều nhóm hàng thiết yếu như thịt, trứng, thực phẩm chế biến, bánh kẹo được doanh nghiệp trong hội cam kết giữ giá ổn định thời điểm cuối và đầu năm sau, trong đó dù chịu áp lực với giá đường tăng nhưng giá bán nhiều sản phẩm bánh kẹo của Kido và Bibica sẽ không tăng. Một số mặt hàng như thịt, trứng sẽ tăng khuyến mãi vào giáp Tết.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết đang phối hợp với các ngành tìm giải pháp kìm giá bán hàng hóa, và thực tế nhiều doanh nghiệp cũng ý thức được việc tăng giá bán vào thời điểm này sẽ có nhiều rủi ro.
"Nhu cầu giảm, sức mua đối với nhiều mặt hàng đang giảm 20 - 30% so với thời điểm trước dịch COVID-19. Do đó, nếu doanh nghiệp không khuyến mãi hoặc tăng giá thì nhiều người tiêu dùng sẽ quay lưng và chọn sản phẩm của công ty có giá tốt hơn, dẫn đến nguy cơ tồn hàng".
Hàng tươi sống, bình ổn cũng tăng giá
Theo ghi nhận, hiện nhiều mặt hàng tươi sống được người bán cho biết sức mua giảm 30 - 40% so với thời điểm trước dịch COVID-19 nhưng giá bán đang neo cao. Cụ thể, tại nhiều siêu thị, giá thịt gà công nghiệp bán lẻ ở mức đùi gà 115.000 đồng/kg, cánh gà 118.000 đồng/kg, má đùi 75.000 đồng/kg...
Tại cửa hàng Vissan, giá thịt heo niêm yết khá cao so với giá tại các chợ với ba rọi rút sườn 270.000 đồng/kg, sườn non 280.000 đồng/kg, ba rọi 208.000 đồng/kg...
Theo Sở Tài chính TP.HCM, giá nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm trong tháng 11-2022 đồng loạt tăng so với tháng trước đó do giá nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển tăng, cộng với ảnh hưởng của thời tiết và mùa vụ.
Tuy vậy, sau khi điều chỉnh giá, nhiều doanh nghiệp vẫn cho biết giá các loại trứng gia cầm trong chương trình bình ổn thị trường vẫn thấp hơn giá bình quân các mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường từ 5,1 - 7,2%. Giá các thực phẩm khác trong chương trình bình ổn hiện cũng thấp hơn giá thị trường, như giá gạo thấp hơn 5,8 - 10,3%.
Thương lái vẫn đang lãi cao với thịt heo
Một thương lái tại chợ đầu mối Hóc Môn thừa nhận nếu tính toán theo công thức giết mổ và pha lóc, thương lái hoặc doanh nghiệp mua heo hơi về mổ bán thịt vẫn đang có lãi tốt.
Cụ thể, con heo 100kg khi giết mổ xong cho khối lượng thịt móc hàm thu được khoảng 75kg (không tính bộ lòng khoảng 10kg). Khi pha lóc, 75kg này sẽ cho ra đầu heo 5,5kg, chân giò 7,5kg, thịt mông 17kg, thịt vai 14kg, ba rọi 9,5kg, sườn cốt lết 6kg, thăn sấn 5,5kg, sản phẩm khác 9kg (xương cục, thịt vụn...), hao hụt 1kg. Với mức giá hiện nay, người nuôi heo có thể lỗ nặng nhưng người bán thì lãi tốt.